Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Câu 1 (trang 80 VBT Ngữ văn 7, tập 1)

Căn cứ vào lời giới thiệu về thể thất ngôn bát cú Đường luật ở chú thích, em hãy nhận dạng thể thơ của bài Qua Đèo Ngang về số câu, số chữ trong câu, cách gieo vần, phép đối giữa câu 3, câu 4, câu 5 với câu 6.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ phần sau của chú thích (*). Cần ghi nhớ:

- Cả bài có 8 câu, mỗi câu 7 chữ.

- Chỉ gieo một vần (vần bằng) ở chữ cuối của các câu 1, 2, 4, 6, 8.

- Có phép đối ở 4 câu giữa: câu 3 đối với câu 4, câu 5 đối với câu 6. Phép đối ở 4 câu giữa trong thơ thất ngôn bát cú Đường luật gọi là đối ngẫu.

Lời giải chi tiết:

a. Số chữ trong câu: 7 chữ

b. Số câu trong bài: 8 câu

c. Có vần mang thanh bằng ở cuối các câu: 1, 2, 4, 6, 8.

d. Bốn câu giữa: sử dụng phép đôi giữa các cặp câu.

Câu 2

Câu 2 (trang 80 VBT Ngữ văn 7, tập 1)

a. Cảnh Đèo Ngang được miêu tả gồm những chi tiết gì?

b. Hãy nhận xét về cảnh tượng đèo Ngang qua sự miêu tả của Bà Huyện Thanh Quan.

Phương pháp giải:

a. Có đến 7 câu miêu tả cảnh đèo Ngang. Hãy dựa vào các chi tiết trong bài thơ để hình dung cảnh tượng đèo Ngang lúc nhà thơ đi qua: về thời điểm, về cảnh sắc âm thanh; điểm nhìn và hướng nhìn; về sinh hoạt của con người... Đọc kĩ các chú thích 2, 3, 4, 5 ở tr. 102 - 103, SGK. Về chú thích (5), "gia" còn có nghĩa là nhà, gia đình.

b. Chỉ ra các thủ pháp nghệ thuật đã được sử dụng: từ láy, từ tượng thanh, cách sắp xếp trật tự từ. Chú ý rằng ở hai câu 2 và 3, có thể nói tác giả đã tạo trật tự từ 2 lần. Thử dựng lại câu này theo trật tự từ bình thường rồi so sánh sắc thái biểu cảm của lối diễn đạt ở bài thơ với lối diễn đạt bình thường để rút ra kết luận cần thiết.

c. Qua việc phân tích trên, chỉ ra những đặc điểm của cảnh tượng Đèo Ngang: mênh mông bát ngát hay chật hẹp, đông vui hay vắng vẻ?

Lời giải chi tiết:

a. Cảnh Đèo Ngang đã được miêu tả qua các chi tiết:

- Thời điểm: bóng xế tà.

- Cảnh sắc: cỏ cây chen đá, lá chen hoa, lom khom dưới núi tiều vài chú, lác đá bên sông chợ mấy nhà.

- Điểm nhìn: từ trên đèo nhìn xuống phía dưới, nhìn ra chung quanh.

b. Qua sự miêu tả của Bà Huyện Thanh Quan, cảnh Đèo Ngang đã hiện lên: rộng, mênh mông, bát ngát nhưng lại vắng vẻ và đượm buồn.

Câu 3

Câu 3 (trang 81 VBT Ngữ văn 7, tập 1)

Hãy hình dung tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan khi qua Đèo Ngang. Tâm trạng đó được thể hiện qua hai hình thức: mượn cảnh nói tình và trực tiếp tả tình như thế nào?

Phương pháp giải:

a. Yếu tố biểu cảm trong 4 câu thơ đầu tuy ít nhưng không phải không có. Ở đây có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố miêu tả và biểu cảm. Chú ý phân tích ý nghĩa của thời điểm "qua đèo Ngang" và tâm trạng của nhà thơ toát lên từ những cảnh tượng hoang sơ "dưới núi" và "bên sông".

b. Yếu tố biểu cảm thể hiện rõ nét qua câu 5 và câu 6, tuy nhiên vẫn còn là gián tiếp, gián tiếp nhưng không phải không sâu sắc và thấm thía:

- Chim "quốc quốc" và "đa đa" (gia gia) vốn rất dễ gợi sầu, huống chi với một người đa tài, đa cảm vì nhiệm vụ phải xa nhà như Bà Huyện Thanh Quan.

- Chỗ đứng của tác giả là đèo Ngang. Đèo Ngang cùng với sông Gianh gần đó, từng là dấu ấn của một thời lịch sử chia cắt Bắc - Nam (thời chiến tranh Trịnh - Nguyễn). Một nhà thơ nữ đã làm những bài thơ hoài cổ nổi tiếng nhất trong lịch sử thơ ca Việt Nam, đi qua những địa danh lịch sử ấy, không thể không xao động, không này sinh "những ý tưởng não nề".

- Bà Huyện Thanh Quan dừng chân ở đèo Ngang trên đường vào kinh đô Huế nhận nhiệm vụ dạy công chúa và cung nữ trong hoàn cảnh vừa đoạn tang chồng, chỉ mang được 2 con nhỏ đi theo, phải gửi 2 con lớn cho ông bà ngoại ở Nghi Tàm - Hà Nội. Không biết những điều trên thì không thể hiểu và nhất là không thể cảm được hai câu 5 và 6 của bài thơ.

c. Ngày xưa, lúc trên cao, người ta thường thấy con người trở nên cô đơn, nhỏ bé trước bầu trời cao rộng, từ đó thường thốt lên những lời cảm khái về nhân sinh, về cuộc đời, rộn lên tâm tình hoài cổ. Bà Huyện Thanh Quan cũng không phải là ngoại lệ.

Lời giải chi tiết:

a. Tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan được biểu hiện một cách gián tiếp qua 6 câu thơ đầu:

- Không gian rộng lớn nhưng tiêu điều, vắng vẻ đã thể hiện gián tiếp nỗi cô độc của tác giả.

- Hình ảnh con quốc quốc, cái gia gia được nhắc đến để gián tiếp nói về nỗi nhớ nước thương nhà của tác giả.

b. Tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan được biểu hiện một cách trực tiếp qua hai câu cuối bài thơ:

- Một mảnh tình riêng: nỗi lòng chồng chất tâm sự, không ai sẻ chia.

- Ta với ta: nỗi cô độc của tác giả giữa không gian đất trời, chỉ có ta với ta.

c. Cảnh buồn, tình buồn song không phải là bi lụy vì ở đây vẫn thấm đượm những nhân tố tích cực làm xao xuyến lòng người, đó là tình cảm nhớ nước thương nhà.

dapandethi.vn