Câu 1
Câu 1 (trang 60 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Đọc kĩ phần phiên âm và dịch nghĩa của bài thơ. Sử dụng bảng tra yếu tố Hán Việt ở cuối SGK Ngữ văn 7, tập hai. Ghi lại những chữ trong bài thơ được đưa vào cột Yếu tố Hán Việt và những từ chứa yếu tố Hán Việt đó mà em chưa từng gặp hoặc chưa hiểu rõ nghĩa.
Phương pháp giải:
Với những từ ngữ lạ và khó, cần hoàn thiện bài tập bằng cách trâ từ điển hoặc hỏi phụ huynh, thầy cô giáo để nắm được nghĩa của chúng.
Lời giải chi tiết:
a. Những chữ đã được đưa vào cột Yếu tố Hán Việt: bạch, hậu, tiền,...
b. Những từ chứa các yếu tố trên: bạch lộ, vô tiền khoáng hậu,...
Câu 2
Câu 2 (trang 60 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Hãy giải thích vì sao có thể nói thể thơ của bài Thiên Trường vãn vọng và bài dịch thơ của Ngô Tất Tố đều là thất ngôn tứ tuyệt Đường luật?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ phần đầu của chú thích (*) (SGK tr 63) và gợi ý (c) ở Bài tập 2 của bài Sông núi nước Nam trong Vở bài tập.
Lời giải chi tiết:
Có thể nói như thế vì:
- Số câu của bài thơ: 4 câu
- Số chữ trong một câu: 7 chữ
- Vần: gieo vần chân
Câu 3
Câu 3 (trang 60 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Cụm từ “nửa như có, nửa như không” (bán vô bán hữu) có nghĩa là gì? Hãy hình dung quang cảnh được gợi lên ở câu thơ thứ hai.
Phương pháp giải:
a. Trước hết, trả lời câu hỏi: "nửa như có, nửa như không" nghĩa là gì?
b. Muốn hình dung quang cảnh được gợi lên từ câu thơ thứ hai này, cần:
- Đọc lại câu thơ thứ nhất, chú ý nghĩa của chữ "yên" (khói); nắm vững nghĩa của từ "tịch dương" (mặt trời buổi chiều) ở câu thứ hai.
- Tác giả không tả bản thân "khói" mà tả cái "tựa như khói", không tả bản thân cảnh "thôn làng" mà tả quang cảnh "sau thôn" và "trước thôn" như bị khói bao phủ.
Lời giải chi tiết:
- Cụm từ "nửa như có nửa như không” có nghĩa là phong cảnh mờ ảo, nửa có nửa không, nửa thực nửa ảo.
- Quang cảnh gợi lên: làng xóm đang chìm mờ trong sương khói, cái thực, cái ảo tạo sự mơ màng, nên thơ.
Câu 4
Câu 4 (trang 61 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Cảnh vật ở trong bài sáng hay tối, động hay tĩnh? Những đặc điểm đó của cảnh vật nói lên điều gì?
Phương pháp giải:
a. Đọc kĩ câu gợi ý đọc - hiểu số 3 (SGK tr. 77)
b. Phân biệt sự khác nhau về cảnh vật được miêu tả trong hai câu đầu và hai câu sau.
c. "Dù là sáng hay tối, động hay tĩnh, hay vừa sáng vừa tối, vừa động vừa tĩnh, cảnh vật ở đây đều mang ý nghĩa hiện thực sâu sắc và biểu hiện sinh động tâm tình của tác giả. Cần nhớ là bài thơ đã được sáng tác sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ hai, lần thứ ba và sau một thời gian khôi phục lại cuộc sống yên lành cho đất nước và tác giả Trần Nhân Tông là ông vua đã tự thân lăn lộn trong dân, cùng nhân dân vào sinh ra tử gian khổ biết chừng nào mới đánh đuổi được quân giặc, giành lại cho đất nước, cho dân cảnh sống thái bình này".
Lời giải chi tiết:
- Cảnh vật trong bài: được miêu tả trong không gian tranh tối tranh sáng của lúc hoàng hôn.
- Cảnh vật được miêu tả trong thế chuyển động nhưng là lấy động để tả tĩnh, nhằm làm nổi bật cái tĩnh lặng.
- Cảnh vật ở đây mang ý nghĩa hiện thực sâu sắc, là khung cảnh của một đất nước thanh bình vừa bước ra khỏi chinh chiến.
- Bức tranh cảnh vật đã bộc lộ tấm lòng ưu dân ái quốc, lo nghĩ cho nước cho dân và mừng vui trước cảnh đất nước thái bình của nhân vật trữ tình.
Câu 5
Câu 5 (trang 62 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Câu thứ ba, Trần Lê Văn dịch là: Đi trong tiếng sáo trâu về hết. Theo em, so với câu thơ dịch của Ngô Tất Tố: Mục đồng sáo vẳng trâu về hết, câu nào hay hơn? Vì sao?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ câu thứ ba của bản dịch nghĩa, chú ý đến những từ liên quan đến việc miêu tả tiếng sáo.
Lời giải chi tiết:
- Câu thơ của Ngô Tất Tố dịch hay hơn.
- Vì nó không chỉ nhắc đến tiếng sáo mà còn mô tả được trạng thái của âm thanh ấy, tiếng sáo như vang xa, bao phủ cả cánh đồng làng quê.
Câu 6
Câu 6 (trang 62 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Từ việc đọc - hiểu hai câu thơ cuối, bằng trí tưởng tượng, viết một đoạn văn khoảng năm, sáu dòng để tả cảnh mục đồng thổi sáo dẫn trâu về nhà khi chiều xuống. (Gợi ý: Xem tranh minh hoạ)
Phương pháp giải:
- Sử dụng kết quả của bài tập 5.
Lời giải chi tiết:
Đoạn văn tham khảo 1:
Con đường dài hẹp đằng xa kia đang khuất đi những bóng đen, đó là đàn trâu với những cậu mục đồng thổi sáo. Tiếng sáo vi vu vang khắp cánh đồng. Đồng xanh bát ngát nay vàng tối dưới ánh tà dương, nổi sắc lên đàn cò trắng nhẹ nhàng lướt qua những cọng lúa non và đáp cánh. Cảnh vật như du dương đưa ta vào một trời ảo ảnh.
Đoạn văn tham khảo 2:
Bóng chiều dần buông xuống, mặt trời khuất dần sau ngọn núi. Những cánh cò tìm về chốn bình yên sau một ngày kiếm ăn vất vả. Những cơn gió thoảng qua xua dần không khí nóng bức, để lại cảm giác êm dịu và mát mẻ ngày hè. Đàn trâu thong dong bước về chuồng trên con đường làng quen thuộc, nhè nhẹ ve vẩy chiếc đuôi. Những chú bé ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, tay cầm sáo thổi vang. Cảnh làng quê thật yên bình và gần gũi biết bao.
dapandethi.vn