Phân tích bài thơ Tảo giải (II)Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh.

BÀI LÀM

     Nếu tinh ý thì người đọc sẽ nhận ra ở bài đầu bắt đầu bằng một âm thanh (tiếng gà) vì ở đây là cảnh còn tối của đêm chưa tan. Còn ở bài thứ hai này lại bắt đầu bằng một màu sắc đang chuyển động của buổi bình minh: “Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng”. Hình tượng thơ vận động từ phía bóng tối ra phía ánh sáng. Do vậy hình ảnh “màu trắng chuyển thành hồng” không chỉ diễn tả sắc màu của bình minh, mà còn gợi lên sự thay đổi cùa hoàn cảnh: Bóng đêm sẽ qua mau, ánh ngày sẽ tới. Vì vậy mà câu thơ thứ hai là một lời khẳng định với một niềm tin.

Bóng tối đêm tàn sớm sạch không

     Câu thơ này lâu nay vẫn dịch là “Bóng tối đêm tàn quét sạch không” nhưng theo các tác giả của sách Suy nghĩ mới về Nhật kí trong tù (NXB Giáo dục, 1993) thì phải dịch là “sớm sạch không” mới đúng. “Quét sạch không” hay “sớm sạch không” đều có cái hay của nó. Với “quét” thì ý thơ mạnh hơn. Còn với “sớm” lại có cái hay là không chỉ khẳng định bóng tối nhất định bị quét sạch, mà còn khẳng định sớm quét sạch. Niềm tin vào sự thay đổi của hoàn cảnh do đó cũng mãnh liệt hơn.

     Ở một phía khác, “màu trắng chuyển thành màu hồng” còn gợi lên sự ấm áp. “Trắng’' là gam màu lạnh, “hồng” là gam màu nóng. “Trắng”'chuyển thành “hồng” là sự vận động từ chỗ lạnh lẽo đến chỗ ấm áp. Cho nên:

   Hơi ấm bao la trùm vũ trụ

    Đó không chỉ là “hơi ấm” của một ngày mới đang đến, mà con chính là hơi ấm của dòng lạc quan yêu đời.

    Phút chốc trên con đường tù đày thăm thẳm kia không còn tù nhân nữa, chỉ còn hình bóng một con người đi đường xa, ung dung cất bước với thi hứng mỗi lúc một thêm nồng nàn.

Người đi thi hứng bỗng thêm nồng

     Nhan đề bài thơ là Tảo giải tức là Giải đi sớm, hay nói đúng hơn là “bị giải đi sớm”. Vậy mà lạ lùng thay suốt cả bài thơ không có chỗ nào ta nhận thấy có bóng dáng tù nhân cả.

    Ở bài đầu, người tù tự nhận mình là “chinh nhân”, nghĩa là người đi đường xa. Ở bài thứ hai này, Người lại nhận mình là “hành nhân”, nghĩa là người đi đường. Hơn thế nữa, con người đang đi trên đường ấy đã mang cảm hứng của một thi nhân và bây giờ trước sự thay đổi của trời đất, thi hứng ấy “bỗng thêm nồng”. “Thêm” (gia) là có rồi mới thêm, nghĩa là đã có thi hứng của một thi nhân rồi. Bây giờ mới “thêm nồng" được. Như vậy Hồ Chí Minh không chỉ nhận mình là người đi đường xa kia còn xem mình như một thi nhân. Thành ra Giải đi sớm là một bài thơ đi đày mà ta nghe âm vang như một khúc hát lên đường.

dapandethi.vn