I. Chế Lan Viên:
“Từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui", có thể tóm tắt nội dung tập thơ Ánh sáng và phù sa (1960), tập thơ thứ hai của Chế Lan Viên sau cách mạng như thế. Tập thơ phản ánh, ca ngợi cuộc sống mới đang lớn dậy từng ngày, kịp thời góp tiếng nói đấu tranh cùng với miền Nam, và đồng thời, xuyên suốt tập thơ là sự giằng xé trong tâm hồn nhà thơ, đẩy lùi nỗi đau cũ để tiến đến niềm vui mới. Chế Lan Viên giãi bày cuộc đấu tranh trong tâm hồn mình, trung thực, chân thành như để chia sẻ tâm sự. Tính trữ tình của tập thơ bộc lộ trực tiếp, nhiều sắc thái, có chiều sâu.
Từ bóng tối của chế độ cũ, Chế Lan Viên bước theo vầng sáng chói lọi của lý tưởng, có lẽ cũng có cái gì giống như nàng Kiều "trở về cái sống, còn chuếch choáng những cơn sóng siêu hình". Trong chỗ khuất của hồn thơ, bóng tối của cái cũ vẫn náu lại, không phải dễ dàng rũ sạch. Anh hiểu rõ lắm tâm hồn mình:
Hồn tôi là một cánh đồng lẫn khuất
Đau bên đoài nên gió thổi bên đông.
Thật ra, được Đảng và Cách mạng giác ngộ, Chế Lan Viên đã dứt khoát từ lâu về mặt nhận thức tư tưởng đối với “cái tôi" cũ, hồn thơ cũ. Câu hỏi triết lí về vấn đề ấy, anh đã tìm được cách trả lời:
Ta là ai ? như ngọn gió siêu hình
Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt
Ta vì ai? Bỗng xoay chiều ngọc bấc
Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh
(Hai câu hỏi)
Nhưng đấy vẫn mới chỉ là nhận thức. Còn chỗ sâu kín nhất của hồn thơ, nơi mạch ngầm của ngọn nguồn sáng tạo? Chế Lan Viên đã thể hiện sâu sắc được nỗi dằn vặt trong cái “thế giới tiềm ẩn" của một tâm hồn nghệ sĩ, ở đây, nỗi đau, bóng tối vẫn muốn lan ra như từ một tâm bệnh cũ, một bản năng nào. Đau thương đang kết thành trùng điệp, nhân đến vô cùng. Nỗi đau ấy đang kéo nhà thơ xuống một tư thế tội nghiệp, một sự van xin:
Quỳ xuống bên đường
Tôi hôn cuộc sống
Lượng đời mở rộng
Nên đời còn thương...
Một cách chủ động, có ý thức. Chế Lan Viên quyết lấy niềm vui và ánh sáng để đẩy lùi nó, quét sạch nó. Trong cuộc đấu tranh này, anh đã có hậu thuẫn mới, chỗ dựa mới. Có sức nóng của ngọn lửa kháng chiến mười năm. Có vũ khí tinh thần mà Đảng trao cho anh - "ánh sáng rọi soi tôi, ánh sáng tinh thần của lí tưởng tôi". Và may thay, bây giờ Chế Lan Viên không tự thu mình trong vương quốc của “cái tôi" cũ. Nếu thế thì nỗi đau của một người đủ che khuất chân trời của một người lắm! Anh đã “từ chân trời của một người, đến chân trời của mọi người”. Anh đã sống giữa Đời, giữa Người, cuộc sống mới đứng lên, tiếp sức anh.
Từng bước một, anh "lấn từng nỗi đau như mùa chim lấn vành đai trắng". Lòng anh, đầu này là tiếng khóc, thì đến phía kia, tiếng hát đã cất lên:
Lòng ta chửa bao giờ ta đi hết được
Đi hết lòng, tiếng khóc hóa lời ca
Ngoảnh lại mùa đông khép lại cuộc đấu tranh ấy trong lòng Chế Lan Viên khẳng định người chiến thắng là anh, là cái mới. Chúng ta gặp một Chế Lan Viên đổi khác hẳn từ khuôn mặt hồng sắc máu, cho đến tâm hồn yên tĩnh lại, cho đến dáng đứng bước đi:
Nhìn mắt tạnh màu nước mắt...
Nhìn mặt đỏ hồng da mặt
Soi gương hồng cả gương soi
Đứng, đã với cành cao ngất
Đi, mơ đi những bước dài
Ôi những dặm đường công tác
Ba lô trìu ấp đôi vai
Cuộc đấu tranh dứt bỏ cái cũ cũng mở đường cho cuộc sống mới tràn vào Ánh sáng vù phù sa với rộn rã âm thanh, dồi dào hương sắc. Người ta thấy rõ Chế Lan Viên rất có ý thức đi vào cuộc sống mới. “Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng” - đó là lời của Tây Bắc, hay chính là lời anh mời gọi tâm hồn mình. “Đi ra với sông, đi ra với trời, đi ra với người" là một cách bứt khỏi cái quẩn quanh cá nhân, hòa vào cái lớn của Đời. Chế Lan Viên say người đi và cũng làm người đọc say trong những vẩn thơ và tiếng thoi, tiếng cối nhộn nhịp ngoại ô, về con sông Hồng “phù sa óng ã - đôi bờ đỏ má ”, cho ta cảm nghe giữa Tết trồng cây cả những rạo rực sinh nở của một mùa hoa trái tương lai. Văn xuôi về một vần thơ, với những cành phong lan bể, tàu đến, tàu đi đã thực sự nở một chùm hoa lạ, rực rỡ sắc màu trong thơ ca viết về cuộc sống mới. Tiết tấu câu thơ phóng túng mà vẫn nhịp nhàng như chính cái mới đang muốn phá bung những ràng buộc cũ, nẩy nở trong những nhịp điệu mới tạo nên những câu thơ đẹp, lãng mạn, tiêu biểu nhất cho phong cách Chế Lan Viên thời kì này:
Tôi muốn đến chỗ nước trời lẫn sắc
Nơi bốn mùa đã hóa thành thu
Nơi đáy bể những rừng san hô vờ thức ngủ
Những rừng rong tóc xõa lược trăng cài
Nơi những đàn mây trắng xóa cá bay đi
Cá vào hội xòe hoa mang áo đẹp
Cá nục, cá chuồn, cá chim không phải chim đâu,
Cá hồng hồng sắc vẩy
Con cá song cầm đuốc dẫn thơ về.
(Cành phong lan bể)
Ánh sáng và phù sa đánh dấu một chặng quan trọng trên con đường thơ Chế Lan Viên, ở chặng này, anh đã rũ bỏ được tư tưởng và cảm xúc siêu hình cũ vẫn ẩn náu trong anh, đón nhận ánh sáng của lí tưởng làm vũ khí, phù sa của đời sống làm chất ngọt nuôi thơ. Và với hành trang ấy, anh bước ra “Đại lộ Lớn của Đảng, của nhân dân". Con đường lớn của thơ anh (Trích Nhà thơ Việt Nam hiện đại NXB Khoa học Xã hội, H.1984)
Cách mạng và con đường trở về với dân tộc của Chế Lan Viên tuy không khác với Huy Cận, Xuân Diệu nhưng cũng có những nét riêng độc đáo. Một vùng quê hương với những kỉ niệm tuổi thơ khó lãng quên, những tháng năm chống Pháp với chiến khu Bình Trị Thiên mà mỗi mảnh đất, mỗi tên làng làm gợi nhớ biết bao chiến công hiển hách. Tât cả đều gắn bó sâu xa với tâm hồn và tình cảm của người cán bộ kháng chiến. Cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh ấy lần đầu tiên đã đem đến cho thơ Chế Lan Viên một tình cảm tinh khôi, rất cao đẹp về Tở quốc. Tổ quốc đã đến trong thơ anh qua hình ảnh và tấm lòng cảm phục người mẹ, người anh du kích, người em liên lạc. Tổ quốc là những hy sinh và chịu đựng gian khổ trên sức tưởng tượng của Bình Trị Thiên khói lửa, là tinh thần bám trụ kiên cường, là những chiến công rực rỡ. Lần đầu tiên anh biết đến nhân dân qua cuộc đời cụ thể, với tấm lòng trân trọng biết ơn:
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa
Tình yêu Tổ quốc, lòng gắn bó thiết tha với nhân dân đã thực sự đem đến cho Chế Lan Viên một hạnh phúc lớn lao - hạnh phúc đầu tiên tìm thấy trong cuộc đời và cả trong thơ ca vì tất cả trong quá khứ anh đánh mất: mất phương hướng, mất sự sống, mất thời gian “Đời vừa mất ta. Thơ ăn mất hồn, Rừng ăn mất cây, bể ăn mất thuyền, Bóng đêm ăn cá, Cuộc đời giết luôn... "
Tất cả đã được tìm lại. Tất cả dào dạt trong hạnh phúc và niềm vui mới:
Ôi cái buổi lòng ta yêu Tổ quốc
Hạnh phúc nào không hạnh phúc đầu tiên
và đang được nhân lên và được tô điểm trong hào quang rực rỡ:
Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào
Thấy ngàn núi trăm sông diễm lệ
(Trích Nhà văn Việt Nam 1945 - 1975, Tập I,
NXB Đại học và Trung học
Chuyên nghiệp, H.1979).
II. Thơ Chế Lan Viên:
(QUA MỘT SỐ CHỦ ĐỀ QUEN THUỘC CỦA ANH)
Nguyễn Xuân Nam
1.
Cho đến được...lúa vùng đất mật
Phải trên lòng bao trận gió mưa qua
Những tháp Chàm đổ nát hoang vắng của thành Bình Định đã ám ảnh hồn thơ của cậu học trò mười bảy tuổi là Chế Lan Viên lúc ấy. Tập Điêu tàn được đặc biệt chú ý. Trong những giọng buồn của thơ ca lãng mạn 30 - 45 đây là giọng ảo não, khác lạ, vừa đượm chút huyền bí lẫn màu sắc viễn phương. Khi thông cảm với nỗi đau của một dân tộc khác trong quá khứ, người đọc như nhận thấy thân phận hiện tại của mình. Nỗi đau không tìm ra lối thoát, rồi tự huyễn hoặc trong những cảm giác hư ảo, Chế Lan Viên lạc dần sang thế giới siêu hình. Suýt nữa rơi hẳn vào hư vô!
Cách mạng tháng Tám đến, đổi thay vận mệnh của dân tộc và kịp đặt ra những thử thách đối với anh:
Ơi kháng chiến, mười năm qua, như ngọc lửa
Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường
(Tiếng hát con tàu)
Những phẩm chất cao quý của những bà mẹ giàu lòng vị tha, của những người em liên lạc dũng cảm và tận tụy, của bao nhiêu chiến sĩ không tiếc xương máu... trong những ngày kháng chiến gian khổ đã có sức cảm lớn. sống giữa nhân dân giàu lòng hy sinh và nhân hậu, Chế Lan Viên tự giải quyết cái băn khoăn "hình nhi thượng” của mình:
“Ta là ai”, như ngọn gió siêu hình
Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt
“Ta là ai”, khẽ xoay chiều ngọn bấc
Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh
(Hai câu hỏi)
Từ sự bừng tỉnh đó, nghiêm khắc nhìn lại quá khứ, anh đi đến một “bản kiểm điểm" có phần cực đoan:
Suốt một đời ăn hạt gạo nhân dân
Lần thứ nhất nhân vật đi học cấy,
Bỗng hối tiếc nghìn câu thơ nước chảy
Chửa “vì người" bằng một bữa cơm ăn
(Đi thực tế)
Chẳng có kĩ xảo gì trong những câu thơ này. Nhưng nó nêu được một vấn đề lớn của lương tâm các trí thức qua nhiều thời đại - từ nhà thơ xưa khi nhìn mây tạo nên những dáng kì lạ trên nền trời, đến cụ Trần Nguyên Đán nhìn đồng lúa khô cằn: “Văn chương không thể chỉ là những lời suông hão, trống rỗng”. Đối với những người cầm bút vốn hay si mê con chữ, bài thơ đánh dấu một bước giác ngộ lớn.
Nhưng muốn viết thứ văn chương có ích cho đời, bản thân người viết cũng phải thế nào chứ? Nhiều bài thơ của Chế Lan Viên đã ghi lại cuộc đấu tranh vất vả với tật bệnh, với thương đau, với những dằn vặt xót xa. Điều quý nhất là anh luôn luôn lấy sức mạnh ở cuộc đời, ở tập thể, ở lí tưởng để tự cổ vũ:
Phá cô đơn ta hòa hợp với người
Lấy cái vui của cuộc đời đánh bại mọi đau thương
Tôi đâu dám tủi buồn quên nhiệm vụ
Mỗi câu thơ đều phủi vượt lên mình
Giọng thơ không hùng hồn nhưng có sức hấp dẫn. Nhiều người khác trong những hoàn cảnh riêng, trong cuộc đấu tranh riêng nhận ra ở anh một tâm hồn bầu bạn. Họ chia sẽ với anh niềm vui trong trẻo:
Tôi đứng dưới nhành vui còn bỡ ngỡ
Như em Kiều e lệ nép vào hoa
Và họ thật sự mừng khi anh tổng kết thắng lợi một giai đoạn của đời mình và rút ra quy luật:
Xưa phù du mà nay đã phù sa
Xưa bay đi mà nay không trôi mất
Cho đến được...lúa vàng đất mật
Phải trên lòng bao trận gió mưa qua
(Thư gửi Tế Hanh)
Con đường đi kháng chiến là con đường đi sâu vào nhân dân, dân tộc, đi đến một nền nghệ thuật chân chính. Trên con đường ây, luôn luôn tự vượt lên mình,
hướng về Đảng, Chế Lan Viên đã viết một trong những bài thơ hay nhất của mình bài thơ trong cuộc đời, trước khi là bài thơ trên trang giấy: Kết nạp Đảng trên quê mẹ. Có thể trong bài ý thức về giai cấp công nhân, về vai trò dìu dắt của những người đồng chí chưa thật rõ. Nhưng bài thơ lại phù hợp với tâm trạng
của đông đảng viên ở một nước công nghiệp chưa phát triển, nông nghiệp còn kém cỏi. Sự giác ngộ của họ bắt đầu từ cảnh đói nghèo của quê hương, từ trong những cuộc đời hy sinh lặng lẽ, từ nỗi đau dân tộc. Chân thành và xúc động, bài thơ đã đi vào tâm hồn nhiều người.
2.
Ôi giữa lòng ta, Bác đến tự hồi nào ?
Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc
Điều hạnh phúc lớn cho chúng ta là Hồ Chủ tịch, người đầu tiên mang đến cho dân tộc ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, cũng là người suốt đời tiêu biểu toàn mĩ nhất cho chân lí của chủ nghĩa đó. Cả dân tộc có một tấm gương sống động để noi theo, tin tưởng và kính yêu. Như một nhu cầu về tình cảm, Chế Lan Viên đã viết nhiều bài kính dâng Bác. Người đi tìm hình của Nước viết năm 1960 trong dịp kỉ niệm ba mươi năm thành lập Đảng là một bài đặc sắc. Nhiều đặc điểm về tư duy và bút pháp của Chế Lan Viên thể hiện khá rõ. Anh nêu lên quá trình hình thành và phát triển tư tưởng của Bác, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa Lênin. Bài thơ kết hợp chặt chẽ giữa tính lịch sử - cụ thể của người trong truyện, của người kể chuyện. Các cảnh hiện lên xen kẽ đối lập và hài hòa: trong nước và ngoài nước, hiện thực và ước mơ, tưởng như kịch bản của một cuốn phim tài liệu - nghệ thuật.
Ảnh hưởng lớn của Cách mạng tháng Mười Nga, và tầm quan trọng đặc biệt của luận cương Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa được nhấn mạnh với những lời xúc tích:
Luận cương đến Bác Hồ và người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi"
Hình của Đảng lồng trong hình của Nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười
Ngoài những thành công khác, Chế Lan Viên đã thể hiện được tầm nhận thức mới của chúng ta lúc ấy, có chủ nghĩa Mác - Lênin mới có nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, yêu nước phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ca ngợi Bác, anh đã đồng thời ca ngợi Đảng, ca ngợi con đường cách mạng đúng đắn Lênin đã vạch ra và Bác vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam. Nội dung của bài thơ trở nên nhiều tầng, phong phú.
Bốn năm sau (1964) bài Người thay đổi đời tôi. Người thay đổi thơ tôi, lại là một đóng góp khác. Nếu ở bài trước anh nói nhiều về vận mệnh cả dân tộc, thì bài này anh đi sâu vào số phận một con người. Đề thơ khá rạch ròi cốt làm nổi bật tính nhân quả. Những tư duy phân tích khúc chiết không hề làm giảm đi sức cảm nhiễm nghệ thuật. Mỗi lần viết về Bác, anh nhìn lại cuộc đời mình, không xúc động sao được. Chính sự xúc động đó tạo nên sức truyền cảm. Qua một loại so sánh giữa cái Đại giác ngộ và cái Vô ý thức, cái vĩ đại và cái non dại...như một người đi đường nhìn dãy núi chất ngất trước mặt, cảm thấy sự bé bỏng của mình. Nhưng qua bao nhiêu gian khổ, vượt bao nhiêu dốc đèo lúc nào không biết đã thấy mình đứng ở triền núi, nhờ núi mà cao thêm:
Ôi giữa lòng ta, Bác đến tự hồi nào
Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc
Một buổi sáng, nhìn lòng ta, ta thấy Bác
Nước mắt tràn, ta cảm hết ơn sâu
Càng ngày nhìn rộng ra Đông Tây, ta càng thấy rõ hơn sự vĩ đại của Bác: Tâm hồn Bác tỏa ánh sáng xuống mỗi đời người và tâm hồn mỗi người trở nên lấp lánh. Bài thơ đã diễn đạt được tấm lòng người Việt Nam trong cách nói của lớp trí thức - đối với lãnh tụ của mình.
Trong tình cảm thiết tha của Chế Lan Viên đối với Bác, ta thấy sáng lên một trí tuệ sáng lên một trí tuệ sắc sảo. Rải ra trong những dòng thơ anh là những câu có ý nghĩa khái quát, như đúc kết chân lí:
Một thế hệ Hồ Chí Minh ấy là lực lượng.
Một con đường Hồ Chí Minh ấy là phương hướng,
Một thành phố Hồ Chi Minh làm đích phía chân trời ...
Người kí XYZ- CB như dân kí Lúa,Xoài
Người không muốn trang sách hóa thần, nhân dân quỳ để dọa
Dẫu tuyệt bút thi thư, cũng con đẻ cửa đời ...
Ngọn suối reo! Nghe như tiếng Bác cười
Và ta đi giữa con sông là trang viết của Người
Trí tuệ sắc sảo của tác giả còn thể hiện trong cấu tứ. Để phát hiện nhiều khía cạnh trong thiên tài của Bác, và để diễn đạt tình cảm suy nghĩ tinh tế của mình, Chế Lan Viên tìm nhiều cách cấu tứ. Thấm nhuần quan điểm lịch sử, anh thường nhìn thấy quá trình phái triển của thiên tài ở những thời điểm mấu chốt và từ đấy triển khai các dòng suy tưởng, Người đi tìm hình của nước, Cách mạng chương đầu đã cấu tứ như thế. Có lúc anh sử dụng khả năng phân tích. Anh nhìn Bác từ nhiều góc độ, nhiều quan hệ, Bác Hồ - người thủy thủ, Bác Hồ - người thợ ảnh, Bác Hồ - nhà chiến sĩ, Bác Hồ - người cha, Bác Hồ - người ông, Bác Hồ - nhà hiền triết, Bác Hồ - người trồng cây...và đi đến ý niệm toàn vẹn:
Bác nằm kia như một sự kết tinh
Trăm cuộc sống
Cuộc sống nào cũng đẹp
Bài Ta nhận vào ta phẩm chất của Người lời chưa thật hay nhưng sự cố gắng của tác giả để nói với chúng ta những điều vừa trừu tượng, vừa tinh vi... thật đáng ghi nhận. Bể và người lại đi vào một câu tứ khác; cái mênh mông trầm tư lửa bể, những quy luật của bể như có liên quan sâu xa đến cuộc sống của Bác. hay đúng hơn hình như Bác đã thâu tóm được lẽ huyền điệu của tự nhiên. Chế Lan Viên cho ta cảm giác vừa thân quen vừa mới lạ:
Ngôi nhà sàn giữa vườn hoa mộc
Khi sao lên có dáng con tàu
Bác lên boong, trắng ngời râu tóc
Gió trong vườn vỗ sóng lao xao
Và kết thúc bằng hình ảnh gợi cảm:
Việt Nam vứt xuống thềm lục địa này ba tên đế quốc
Ngôi nhà sàn nằm yên trong hoa mộc hoa ngâu
Nhưng kìa, trên mặt bể, chỗ Bác đi qua, sóng còn thao thức
Như lan mãi, lan xa theo vệt sáng con tàu
Tình cảm kính yêu và sự hiểu biết về Bác là những điều cần bồi đắp mãi vào đời sống đạo đức và văn hóa của mỗi người chúng ta. Sau Tố Hữu, Chế Lan Viên là người đã cố gắng đáp ứng yêu cầu ấy một cách chăm chỉ nhất. Tập Hoa trước lăng Người là bằng chứng của một tấm lòng, một trí tuệ... một tài hoa.
dapandethi.vn