Đề kiểm tra học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4: Dựa theo cách viết như trên, em hãy viết một bài nói về một tấm gương tiêu biểu mà em biết.

I. ĐỌC HIỂU

CỔ TÍCH VIẾT BẰNG CHÂN

       Những trang vở đỏ chói điểm 9, 10 với những dòng chữ tròn, đều, thẳng tắp – ít ai có thể ngờ rằng những dòng chữ đó được viết không phải bởi tay mà là bằng chân : một đôi chân kì diệu của bạn Nguyễn Minh Phú, lớp 4B, Trường Tiểu học Hồ Tông Thốc, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

       Cô Nguyễn Thị Bình – mẹ của Phú – không thể nào quên được cái ngày 17-7-1990 ấy. Cô đã ngất xỉu khi nhìn thấy đứa con vừa chào đời của mình : một hài nhi yếu ớt, nhỏ bé và thiếu hẳn đôi cánh tay. Nhưng Phú đã lớn lên và có ý thức tự lập từ rất sớm, tập làm mọi việc bằng đôi chân của mình. Mỗi sáng ngủ dậy, Phú dùng chân kẹp bàn chải đánh răng và lấy khăn rửa mặt. Với đôi chân của mình, Phú không chỉ tự ăn cơm, mặc quần áo, mắc màn, xếp chăn, tắt mở công tắc điện,… mà còn giúp bố mẹ làm nhiều việc vặt trong nhà, từ bóc ngô, nhặt rau, đun bếp, quét nhà cho đến xâu kim chỉ cho mẹ vá quần áo. Một lần, Phú mon men đến lớp học, say sưa nhìn cô giáo giảng bài, nhìn lũ bạn ê a đánh vần, tập viết,… về nhà, Phú lấy viên phấn kẹp vào chân, viết những chữ nguệch ngoạc trên nền gạch. Khi biết đọc thông, viết thạo, Phú nằng nặc đòi cha mẹ cho đi học. Cô giáo chủ nhiệm dành cho Phú một chiếc ghế để Phú đặt vở lên đấy, xoay ngang người, kê chân lên và cặp bút viết. Cứ như thế, Phú cần cù chịu đau, chịu khó, dù cho vào những ngày nóng nực, mồ hôi rỏ xuống nhoè hết cả trang vở, còn về mùa đông thì bàn chân tê cóng vì lạnh, điều khiển cây bút cực kì khó khăn. Có những hôm, do viết quá nhiều, Phú bị chuột rút khiến các ngón chân co quắp, cứng đờ.

       Vất vả, khổ sở là thế nhưng Phú không hề nản lòng, chưa hề nghỉ một buổi học nào. Điều đáng nói là Phú viết rất đẹp và đặc biệt là tiếp thu bài vở rất nhanh. Suốt bốn năm học qua, Phú luôn là người dẫn đầu lớp về thành tích học tập. Phú rất có khả năng về môn Toán, trong vở chỉ toàn điểm 9, 10. Năm 2002, Phú đoạt giải “Vở sạch – Chữ đẹp” của huyện. Mơ ước của Phú là trở thành một người phiên dịch, vì theo bạn, đó là công việc thích hợp nhất đối với một người không có tay như Phú. Nhìn gương mặt thông minh với đôi mắt sáng, kiên quyết của Phú, tôi tin rằng Phú sẽ học thành tài, sẽ thực hiện được ước mơ của mình.

(Theo báo Thiếu niên Tiền phong)

Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng.

1. Bạn Phú trong câu chuyện thiếu hẳn đôi tay nhưng đã biết làm những việc gì ?

a. Tát nước, cày ruộng.

b. Bóc ngô,nhặt rau, đun bếp, quét nhà.

c. Xâu kim chỉ.

d. Viết chữ đẹp.

2. Phú đã gặp những khó khăn gì khi tập viết bằng chân ?

a. Mùa hè, mồ hôi rỏ xuống làm nhoè vở, mùa đông, chân tê cóng vì lạnh.

b. Hay bị chuột rút khiến các ngón chân co quắp, cứng đờ.

c. Tất cả những khó khăn ở hai ý trên.

3. Phú đã đạt được những thành tích gì trong học tập ?

a. Đoạt giải Học sinh giỏi Toán.

b. Đoạt giải Thi đấu thể thao.

c. Là người dẫn đầu lớp về thành tích học tập, rất giỏi Toán, đoạt giải “Vở sạch – Chữ đẹp”.

4. Nội dung câu chuyện này là gì ?

a. Ca ngợi bạn Nguyễn Minh Phú giàu nghị lực mặc dù thiếu hẳn đôi tay nhưng vẫn chăm làm, học giỏi và viết chữ đẹp

b. Ca ngợi đôi bàn chân khéo léo của bạn Nguyễn Minh Phú.

c. Ca ngợi tài viết chữ đẹp của bạn Nguyễn Minh Phú.

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1. Tìm các câu kể Ai làm gì? trong đoạn văn sau rồi xác định chủ ngữ, vị ngữ của mỗi câu đó.

        Mỗi sáng ngủ dậy, Phú dùng chân kẹp bàn chải đánh răng và lấy khăn rửa mặt. Với đôi chân của mình, Phú không chỉ tự ăn cơm, mặc quần áo, mắc màn, xếp chăn, tắt mở công tắc điện,… mà còn giúp bố mẹ làm nhiều việc vặt trong nhà từ bóc ngô, nhặt rau, đun bếp, quét nhà cho đến xâu kim chỉ cho mẹ vá quần áo. Một lần, Phú mon men đến lớp học, say sưa nhìn cô giáo giảng bài, nhìn lũ bạn ê a đánh vần, tập viết,… Về nhà, Phú lấy viên phấn kẹp vào chân, viết những chữ nguệch ngoạc trên nền gạch.

2. Viết đoạn văn khoảng 5 câu kể về việc “rèn chữ – giữ vở” của em trong đó có dùng kiểu câu Ai làm gì ?

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

Viết một đoạn văn ngắn nêu lên những cảm xúc, suy nghĩ của em khi đọc bài viết trên.

IV. TẬP LÀM VĂN

1. Dựa theo cách viết như trên, em hãy viết một bài nói về một tấm gương tiêu biểu mà em biết.

2. Hãy kể về những đổi mới của trường (lớp) em trong năm học này.


I. ĐỌC HIỂU

Câu 1 – b, c, d Câu 2 – c Câu 3 – c Câu 4 – a

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1. Các câu trong đoạn văn đều là câu kể Ai làm gì ?

        Mỗi sáng ngủ dậy, Phú (CN) / dùng chân kẹp bàn chải đánh răng và lấy khăn rửa mặt (VN). Với đôi chân của mình, Phú (CN)/ không chỉ tự ăn cơm, mặc quần áo, mắc màn, xếp chăn, tắt mở công tắc điện,… mà còn giúp bố mẹ làm nhiều việc vặt trong nhà từ bóc ngô, nhặt rau, đun bếp, quét nhà cho đến xâu kim chỉ cho mẹ vá quần áo (VN). Một lần, Phú (CN)/ mon men đến lớp học, say sưa nhìn cô giáo giảng bài, nhìn lũ bạn ê a đánh vần, tập viết,…(VN). Về nhà, Phú (CN)/ lấy viên phấn kẹp vào chân, viết những chữ nguệch ngoạc trên nền gạch (VN).

2.

        Em yêu quý quyển vở chính tả của mình vô cùng. Em bọc quyển vở bằng một bìa giấy bóng sạch sẽ. Cái nhãn vở hình thỏ con ngộ nghĩnh và ngay ngắn ở mép phải quyển vở. Mỗi lần viết bài, em để một tờ giấy đặt lên trang vở để kê tay, tránh mồ hôi tay ra vở. Em nắn nót viết từng chữ sao cho đẹp nhất.

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

       Bài viết ca ngợi bạn Nguyễn Minh Phú, một bạn nhỏ tàn tật nhưng có ý thức vươn lên trong học tập và trong cuộc sống, Em rất khâm phục bạn. Không những vươn lên tự lập, không đòi hỏi gì mà bạn còn giúp bố mẹ việc nhà như bóc ngô, nhặt rau, đun bếp,…  Có lần thèm đi học quá, bạn lén đến lớp học. Khi được bố mẹ cho đi học, bạn cố gắng học, tiếp thu nhanh và bạn đã dành được danh hiệu “Vở sạch – Chữ đẹp” của huyện. Đúng là “Cổ tích viết bằng : “chân” và bàn chân đó đã viết nên bao nhiêu là kì tích diệu kì, từ kì tích về việc nhà đến kì tích học tập.

       Các bạn ơi, mình mong ràng các bạn sẽ noi gương bạn Phú, không thể nào học kém được khi chúng ta may mắn hơn bạn ấy rất nhiều, các bạn nhé !

IV. TẬP LÀM VĂN

Đề 1

       Những huy chương vàng, bạc, đồng lấp lánh trong tủ kính là của chị Nguyễn Thanh Lam – lớp 5Đ, trường Thăng Long. Chị là một người con ngoan trong gia đình, học trò ngoan của thầy cô và là một quán quân về bơi lội đấy !

       Năm lớp 4 nhà trường tổ chức khoá học thể thao bơi lội. Chị Lan rất muốn tham gia nhưng chị lại sợ mẹ không cho đi. Đi học về, chị năn nỉ mẹ và hứa sẽ không để ảnh hưởng đến việc học. Chị vui sướng khi biết bố mẹ cho tham gia khoá học.

       Chiều ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu, ngoài giờ học trên lớp, chị vội vã đến Nhà văn hoá để tập luyệy. Hàng tối sau khi đi tập về chị mượn vở bạn, hỏi thêm bạn những điều cô giảng trên lớp. Đến kì thi cấp Quận – cấp Thành phố chị đều đoạt huy chương vàng, bạc, đồng. Sau kì thi đó, chị cố gắng học tập để theo kịp các bạn. Năm học lớp 5, chị lại tham gia kì thi bơi cấp Thành phố và được huy chương vàng.

       Dù đã nổi tiếng, đem vinh quang về cho trường chị vẫn là một chi đội trưởng khiêm tốn, gương mẫu. Năm năm học sinh giỏi, chị vẫn phấn đấu cố gắng thi đua. Chị Lan đúng là tấm gương điển ìỉnh cho chúng ta phải không nào ?

(Lê Thị Ngọc Hân)

Đề 2

       Năm học 2007 – 2008, trường Thăng Long của em đã đổi mới về hình thức và phương pháp giảng dạy.

       Nhà trường đã cho sửa chữa trạm y tế Phùng Hưng để thêm phòng lớp dạy học. Các phòng học của học sinh lớp 1 được trang trí phong phú, sinh động hơn Bảng Em gắng học chớm ngoan trưng bày các tác phẩm ngộ nghĩnh, đáng yêu và bao thông tin thú vị.

       Tiết học nào, các cô giáo cũng sử dụng tranh ảnh, băng hình phục vụ cho việc giảng bài nên giờ học rất hấp dẫn. Phương pháp dạy được đổi mới nên rất vui và hiệu quả. Chúng em được chủ động thảo luận nhóm ; được trình bày, tranh luận, diễn thuyết nên mạnh dạn, tự tin hẳn lên.

       Các bạn thấy phương pháp dạy học của các cô giáo trường mình thế nào ? Hãy áp dụng vào việc học tập của các bạn nhé !

(Lê Thị Ngọc Hân)