Đề kiểm tra học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4: Dưới đây là các đoạn văn tả lá và gốc một số loài cây của nhà văn Băng Sơn. Theo em, cách tả trong mỗi đoạn có gì thú vị?

I. ĐỌC HIỂU

CÂY XOÀI

        Ba tôi trồng một cây xoài. Giống xoài quả to, ngọt và thơm lừng. Mùa xoài nào cũng vậy, ba đều đem biếu chú Tư nhà bên vài ba chục quả.

        Bỗng một năm gió bão làm bật mấy chiếc rễ. Thế là cây xoài nghiêng hẳn một nửa sang vườn chú Tư. Rồi đến mùa quả chín, tôi trèo lên cây để hái. Sơn (con chú Tư) cũng đem cây có móc ra vin cành xuống hái. Tất nhiên tôi ở trên cây nên hái được nhiều hơn. Hái xong, ba tôi vẫn đem biếu chú Tư vài chục quả. Lần này thì chú không nhận. Đợi lúc ba tôi đi vắng, chú ra đốn phần cây xoài ngã sang vườn chú. Các cành thi nhau đổ xuống. Từng chiếc lá xoài rơi lả tả, nhựa cây ứa ra. Ba tôi về thấy vậy chỉ thở dài mà không nói gì.

        Mùa xoài lại đến. Lần này, ba tôi cũng đem biếu chú Tư vài chục quả. Tôi liền phản đối. Ba chỉ nhỏ nhẹ khuyên tôi :

        –  Chú Tư sống dở, mình phải sống hay như thế mới tốt, con ạ !

        Tôi tức lắm nhưng đành phải vâng lời. Lần này chú chỉ nhận mấy quả thôi. Nhưng từ đó cây xoài cành lá lại xum xuê. Đến mùa, cây lại trĩu qua và Sơn cũng chẳng còn ra tranh hái với tôi nữa.

        Đơn giản thế nhưng ba tôi đã dạy cho tôi cách sống tốt ở đời.

(Mai Duy Quý)

Khoanh tròn chữ cái trước càu trả lời đúng :

1. Vì sao cây xoài nhà bạn nhỏ trong câu chuyện lại nghiêng sang vườn nhà hàng xóm ?

a. Vì tán cây lan rộng.

b. Vì gió bão làm bật rễ.

c. Vì cây mọc trên đất của cả hai nhà.

2. Tại sao chú hàng xóm lại không nhận xoài biếu như mọi năm ?

a. Vì chú không thích ăn xoài.

b. Vì xoài năm nay không ngon.

c. Vì chú thấy con mình và con nhà hàng xóm đã tranh nhau hái.

3. Ba của bạn nhỏ đã có thái độ như thế nào khi thấy cây xoài bị đốn phần cành ngả sang vườn hàng xóm ?

a. Thở dài không nói gì, vẫn tiếp tục sống tốt và biếu xoài.

b. Không có ý kiến gì.

c. Tức giận, không biếu xoài nữa.

4. Bạn nhỏ đã rút ra điều gì qua câu chuyện này ?

a. Không nên cãi nhau với hàng xóm.

b. Bài học về cách sống tốt ở đời.

c. Không nên chặt cây cối.

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1. Đọc đoạn văn sau, tìm các câu kể Ai thế nào ? rồi xác định chủ ngữ của các câu đó.

       Ba tôi trồng một cây xoài. Giống xoài quả to, ngọt và thơm lừng. Mùa xoài nào cũng vậy, ba đều đem biếu chú Tư nhà bên vài ba chục quả.

       Bỗng một năm gió bão làm bật mấy chiếc rễ. Thế là cây xoài nghiêng hẳn một nửa sang vườn chú Tư.

2. Tìm một số từ thể hiện nét đẹp trong tâm hồn, tính cách của người cha trong câu chuyện trên.

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

“Chú Tư sống dở, mình phải sống hay như thế mới tốt, con ạ !”

Em hãy tìm cặp từ có nghĩa trái ngược với nhau trong câu trên. Theo em, cách dùng như vậy có tác dụng gì ?

IV. TẬP LÀM VĂN

Dưới đây là các đoạn văn tả lá và gốc một số loài cây của nhà văn Băng Sơn. Theo em, cách tả trong mỗi đoạn có gì thú vị ?

a) Lá bạch đàn bao giờ cũng cong cong như mảnh trăng non đầu tháng. Nhưng thích hơn trăng vì khi vò nó, bàn tay sẽ có một mùi thơm dìu dịu. Trăng chỉ có một. Còn lá bạch đàn thì vô số. Chỉ một cây thôi đã có vạn mảnh trăng non treo nghiêng nghiêng từ thấp đến cao.

b) Cây nhãn lồng ở nhà ông ngoại tôi có cái gốc xù xì, oằn oèo, bóng cây toả ra cả một vùng mát rượi.

c) Cây đa ấy có đến hàng chục gốc. Rễ phụ lâu ngày đã biến thành thân cây. Gốc chính là gốc to nhất, xù xì, dễ trèo, còn rễ phụ thì cái nào cũng thẳng đơ, trơn tuột. Bọn tôi trèo lên từ gốc chính, rồi tụt xuống theo gốc phụ, người cứ lâng lâng vun vút.

d) Chưa bao giờ có ai nhìn thấy một cái lá trăng nhô lên quá mặt nước như lá sen. Hình như nó chỉ đủ sức nổi lềnh bềnh đứng ở tầm mặt nước với cái hình tròn có khuyết một tí – giống như cái bảng pha màu của các hoạ sĩ – và ánh xanh lá mạ ngàn đời ấy.


I. ĐỌC HIỂU

Câu 1 – b Câu 2 – c Câu 3 – a Câu 4 – b

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1. Câu kể Ai thế nào ? là:

Giống xoài/ quả to, ngọt và thơm lừng.

   CN                   VN

2. Những từ chỉ nét đẹp trong tâm hồn và tính cách của người cha : cao thượng, khoan dung, tốt bụng, cao đẹp,…

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

–  Cặp từ trái nghĩa là : sống dở, sống hay.

–  Cách dùng như vậy làm nổi bật nét đẹp trong tính cách, tâm hồn của người cha.

IV. TẬP LÀM VĂN

a) Hình ảnh so sánh lá bạch đàn với mảnh trăng non đầu tháng thật đẹp và thơ mộng. Đẹp hơn nữa khi chỉ một cây bạch đàn đã có vạn mảnh trăng non. ⟶ Cách tả làm tôn thêm vẻ đẹp của cây bạch đàn.

b) Cách tả cái gốc cây bằng những từ láy rất ấn tượng : xù xì, oằn èo làm người đọc hình dung dễ dàng một gốc cây nhãn cổ thụ.

c) Cây đa được tả vốn dĩ đã đặc biệt lại càng đặc biệt hơn khi nó có sức hấp dẫn vô cùng với trẻ em, mang đến cho trẻ em một trò chơi và cảm xúc “lâng lâng vun vút”.

d) Hình ảnh so sánh lá trang với cái bảng pha màu của các hoạ sĩ thật đúng và thật hay. Đúng vì hình dáng lá trang cũng có hình tròn có khuyết một tí, hay hơn nữa ở chỗ lá trang cũng giông như bảng pha màu của các hoạ sĩ góp phần tô điểm cho bức tranh thiên nhiên thêm đẹp.