Câu hỏi 1 :
(2,5 điểm)
Thế nào là phản xạ không điều kiện, phản xạ có điều kiện. Cho ví dụ mỗi loại. Trình bày ý nghĩa của sự hình thành và sự ức chế phản xạ có điều kiện đối với đời sống động vật và con người?
Phương pháp giải:
Lý thuyết phản xạ có điều kiện và phản xạ không điều kiện.
Lời giải chi tiết:
- Phản xạ không điều kiện là phản xạ sinh ra đã có, không cần phải học tập.
Ví dụ: Trời rét, môi tím tái, người run cầm cập và sởn gai ốc; khi chạm tay vào vật nóng, rụt tay lại.
- Phản xạ có điều kiện là phản xạ được hình thành trong đời sống cá thể, là kết quả của quá trình học tập, rèn luyện, rút kinh nghiệm.
Ví dụ: Gió mùa đông bắc về, nghe tiếng gió rít qua khe cửa chắc trời lạnh lắm, vội lấy áo len mặc đi học.
Ý nghĩa của sự hình thành và ức chế phản xạ có điều kiện đối với đời sống động vật và con người là:
- Đối với động vật: đảm bảo sự thích nghi với môi trường và điều kiện sống thay đổi.
- Đối với con người: đảm bảo sự hình thành các thói quen, tập quán trong sinh hoạt cộng đồng.
Phản xạ có điều kiện dễ thay đổi, tạo điều kiện cho cơ thể thích nghi với điều kiện sống mới. Phản xạ có điều kiện dễ mất nếu không được củng cố thường xuyên.
Câu hỏi 2 :
(2,0 điểm)
Để tránh những tác động có ảnh hưởng xấu đến hoạt động của hệ thần kinh, theo em cần thực hiện những vấn đề gì trong cuộc sống hằng ngày?
Phương pháp giải:
Lý thuyết vệ sinh hệ thần kinh.
Lời giải chi tiết:
Để tránh những tác động có ảnh hưởng xấu đến hoạt động của hệ thần kinh, theo em cần thực hiện:
- Đảm bảo giấc ngủ hằng ngày để phục hồi khả năng làm việc của hệ thần kinh sau một ngày làm việc căng thẳng.
- Giữ cho tâm hồn thanh thản, tránh suy nghĩ lo âu.
- Xây dựng một chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lí.
- Hạn chế, tránh lạm dụng các chất kích thích và ức chế đối với hệ thần kinh.
- Tăng tập thể dục, nâng cao sức khỏe, đề kháng của bản thân trước các bệnh tật ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Câu hỏi 3 :
(3,0 điểm)
Hoocmôn có vai trò gì? Trình bày tính chất chung của Hoocmôn và cho ví dụ.
Phương pháp giải:
Lý thuyết về nội tiết.
Lời giải chi tiết:
- Hoocmôn là sản phẩm tiết của các tuyến nội tiết, góp phần điều hòa các quá trình sinh lí của cơ thể, đặc biệt là quá trình trao đổi chất và năng lượng trong các tế bào của cơ thể, duy trì được tính ổn định của môi trường bên trong cơ thể. Hoocmôn tác động thông qua đường máu nên chậm nhưng kéo dài và trên diện rộng hơn.
- Tính chất chung của hoocmôn là:
+ Tính đặc hiệu của hoocmôn: Mỗi hoocmôn chỉ ảnh hưởng đến một hoặc một số cơ quan xác định (cơ quan đích).
Ví dụ: Insulin do tụy tiết ra chỉ có tác dụng hạ đường huyết, hoocmôn kích thích nang trứng hoặc sinh tinh hoàn (FSH) lại chỉ có ảnh hưởng đối với quá trình trứng chín hoặc sinh tinh.
+ Hoocmôn có hoạt tính sinh học rất cao, chỉ với một lượng nhỏ cũng gây nên hiệu quả rõ rệt.
+ Hoocmôn không mang tính đặc trưng cho loài.
Ví dụ: Sử dụng insulin của bò đề chữa bệnh tiểu đường cho người.
Câu hỏi 4 :
(2,5 điểm)
Trình bày chức năng của các Hoocmôn tuyến tụy.
Phương pháp giải:
Lý thuyết tuyến tụy.
Lời giải chi tiết:
Có 2 loại tế bào trong các đảo tụy: tế bào α tiết glucagôn, tế bào β tiết insulin.
Vai trò của các hoocmôn tuyến tụy:
Tỉ lệ đường huyết chiếm 0,12%, nếu tỉ lệ này tăng cao sẽ kích thích các tế bào β tiết insulin. Hoocmôn này có tác dụng chuyển glucôzơ thành glicôgen dự trữ trong gan và cơ.
Trong trường hợp tỉ lệ đường huyết giảm so với bình thường sẽ kích thích các tế bào α tiết ra glucagôn, có tác dụng ngược lại với insulin, biến glicôgen thành glucôzơ để nâng tỉ lệ đường huyết trở lại bình thường.
Nhờ có tác dụng đối lập của hai loại hoocmôn trên của các tế bào đảo tuy mà tỉ lệ đường huyết luôn ổn định.
Sự rối loạn trong hoạt động nội tiết của tuyến tụy sẽ dẫn tới tình trạng bệnh lí : bệnh tiểu đường hoặc chứng hạ đường huyết.