GỢI Ý LÀM BÀI
Bài làm có thể trình bày nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo 1 số ý chính như sau:
- Phân tích cách sinh con của loài hươu:
+ Điểm lạ: sinh con không nằm mà đứng, không nâng niu, vuốt ve mà bắt hươu con vận động ngay khi vừa lọt lòng.
+ Mục đích: muốn hươu con tự lập ngay từ nhỏ
+ Nguyên nhân: cuộc sống hoang dã vốn nhiều nguy hiểm, thậm chí có những cuộc đấu tranh một mất một còn, vì vậy hươu con cần phải học cách thích nghi để sinh tồn từ rất sớm. Chính nhờ điểm lạ này mà loài hươu cao cổ có khả năng chiến đấu thành thạo, phi nước đại rất nhanh...
=> Loài hươu đã cho chúng ta một bài học đáng quý.
- Bài học từ loài hươu:
+ Biết sống tự lập, tự đứng vững trên đôi chân của mình [tự giải quyết những vấn đề của mình trong cs, không phụ thuộc, trông chờ, ý lại vào người khác]
+ Sống có ý chí, bản lĩnh, không ngừng vươn lên, chớ vội nản chí trước khó khăn, thử thách.
- Tại sao con người cần tự lập và dũng cảm đối mặt với khó khăn, thách thức?
+ Cuộc đời vốn dĩ không bằng phẳng, luôn chứa đựng những bất ngờ.
+ Không ai có thể sống thay chúng ta, đi theo nâng đỡ chúng ta trong suốt cuộc đời, ngay cả bố mẹ
+ Không vươn lên chúng ta sẽ bị tụt hậu, bị đào thải.
=> Có bản lĩnh, biết tự lập sẽ giúp chúng ta vượt qua nó.
[Cho ví dụ cụ thể]
- Rèn luyện tính tự lập, tôi luyện ý chí, bản lĩnh, chúng ta được gì?
Trong khó khăn, thử thách, chúng ta có thể khám phá ở bản thân những năng lực đặc biệt mà thường ngày chính chúng ta cũng chưa hề biết tới. Nói cách khác, những "đá tảng" giữ đường đi hay "giông bão" cuộc đời sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn, hoàn thiện mình hơn.
[Lấy ví dụ cụ thể trong đời sống, trong văn học...]
- Phản đề: bên cạnh những con người mạnh mẽ, tự lập, có ý chí, chúng ta vẫn thấy những người sống phụ thuộc như cây tầm gửi, dễ dàng buông xuôi, nản chí, sớm chấp nhận là người thua cuộc,... -> đáng phê phán.
- Khẳng định lại vấn đề, liên hệ bản thân.
BÀI LÀM
Cuộc đời của con người là một cuộc hành trình dài với rất nhiều phiêu lưu, mạo hiểm và cả những điều bí ẩn đang chờ chúng ta khám phá. Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng có một khao khát được hoàn thiện bản thân mình về cả suy nghĩ lẫn hành động. Vì thế, chúng ta cần phải không ngừng tìm tòi, học hỏi từ bất cứ điều gì xung quanh mình. Tôi đã đọc được đâu đó về cách sinh con lạ lùng của loài hươu cao cổ rằng: “Khi sinh con, hươu mẹ không nằm mà lại đứng và như vậy hươu con chào đời bằng một cú rơi hơn 3m xuống đất và nằm ngay đó. Rồi hươu mẹ làm một việc kỳ lạ: đá hươu con cho tới khi nào chú ta chịu đứng dậy mới thôi. Khi hươu con mỏi chân và nằm, hươu mẹ lại thúc chú đứng lên. Đến lúc hươu con đã thực sự đứng được, hươu mẹ lại đẩy chú ngã để chú phải tự mình đứng dậy lần nữa”. Câu chuyện đã đem đến cho tôi bài học về ý chí, nghị lực, sự tự lập và niềm tin để vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
Cũng giống như những loài vật khác, hươu cao cổ là một sinh vật sống trong môi trường tự nhiên. Nhưng điều khác biệt của loài hươu là khi sinh con và nuôi dạy con cái, chúng không nằm, không nâng niu, vuốt ve, nhẹ nhàng, ân cần mà bắt hươu con vận động ngay khi vừa mới lọt lòng. Liệu rằng hươu mẹ làm vậy là vì ghét bỏ hươu con? Không! Trái lại đó là cả một biển trời yêu thương mà hươu mẹ dành cho con, một tình thương đúng đắn, sáng suốt. Hươu mẹ làm như vậy để rèn luyện cho hươu con tính tự lập, ý chí, nghị lực bởi trong chốn rừng sâu nước độc có biết bao nhiêu là hiểm nguy đang rình rập chúng. Có như vậy, hươu con mới trưởng thành hơn, có thể tự mình vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống và sinh tồn từ rất sớm. Nhờ vậy, loài hươu cao cổ có khả năng chiến đấu thành thạo, phi nước đại rất nhanh.
Về phần hươu con, chúng ta thấy ngay được ý chí sắt đá, nghị lực, tinh thần quyết tâm của nó. Dù sinh ra trong hoàn cảnh hết sức nguy hiểm, bị hươu mẹ đá, thúc, đẩy ngã nhưng chú ta vẫn không hề nản chí, không hề bỏ cuộc, vẫn kiên trì tự mình đứng lên, vượt qua những khó khăn chẳng chút nề hà. Tại sao một loài vật nhỏ bé lại làm được như vậy mà chúng ta lại không?
Trong cuộc sống, gian nan, thử thách và khó khăn là những điều tất yếu sẽ xảy ra đối với con người. Nó hiện hữu trong cuộc sống từ những điều rất nhỏ: một em bé 3 tuổi lần đầu tiên chập chững bước đi và chắc chắn em sẽ bị ngã, cậu học sinh không giải được bài toán khó, một cô bé làm hỏng chiếc bánh sinh nhật tự tay làm mà cô muốn dành tặng cho mẹ….hay là những khó khăn lớn lao hơn: chàng sinh viên thất nghiệp, gia đình khó khăn về kinh tế, cô ca sĩ bị người hâm mộ tẩy chay, “ném đá”….Đó là lúc cuộc đời buộc chúng ta phải có sự lựa chọn: Sẽ gục ngã, than thân trách phận hay dừng lại và bỏ cuộc hay đứng dậy, bước tiếp? Chính chú hươu con đã cho chúng ta câu trả lời.
Nhờ sự tự lập, ý chí và nghị lực ngay từ lúc mới sinh hươu con mới có những khả năng sinh tồn giữa cuộc sống hoang dã nhiều hiểm nguy. Con người chúng ta cũng vậy. Hãy học cách sống tự lập và nghị lực ngay từ khi còn nhỏ, từ những việc làm nhỏ bé nhất: tự làm bài tập thay vì xem sách giải, tự dọn dẹp phòng thay vì nhờ mẹ, học cách nấu ăn để những khi mẹ vắng nhà, hai bố con vẫn có một bữa cơm đầy đủ, ấm cúng,… Chúng ta hãy học cách tự giải quyết những vấn đề của mình thay vì than vãn, phàn nàn, trách cứ,… Cuộc sống luôn chứa đựng những khó khăn bất ngờ, nếu không chuẩn bị sẵn những kĩ năng sống như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng trượt dốc, thất bại và gục ngã. Hơn nữa, sự nâng đỡ của những người xung quanh không phải là mãi mãi. Cha mẹ không thể đi cùng ta đến hết cuộc đời, những người bạn còn có cuộc sống riêng, những gánh nặng riêng của họ. Chúng ta không thể sống trông chờ, phụ thuộc vào người khác mãi. Bởi vậy, để vượt qua thử thách, để không bị tụt hậu, đào thải, không có cách nào hơn là chúng ta phải đi xuyên qua nó. Và có thể bạn không tin nhưng chắc chắn, sau mỗi lần vượt qua nó, bạn sẽ trưởng thành hơn, thậm chí có thể khám phá ở bản thân những năng lực đặc biệt mà thường ngày chúng ta không nhận ra. Nói cách khác, những "đá tảng" giữa đường đi hay những "giông bão" của cuộc đời sẽ giúp chúng ta hoàn thiện mình hơn về cả nhân cách lẫn tâm hồn.
Cũng với thông điệp như câu chuyện về loài hươu cao cổ, trong cuốn nhật ký của mình, nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã từng viết: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. Trong một bài thơ của mình, tác giả Tố Hữu cũng viết:
“Đừng nản chí, hãy vươn vai mà sống
Bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu”
Tôi đã thấm thía biết bao những bài học ấy từ hàng ngàn tấm gương người thật, việc thật trong cuộc sống. Đó là bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Đó là thầy Nguyễn Ngọc Ký “vẽ cuộc đời từ chính đôi chân” - một nhà giáo ưu tú được nhiều người biết đến và khâm phục; là thầy giáo Nguyễn Ngọc Sơn – tác giả của “Xin đừng khóc nữa mẹ ơi!” và “Không là cơn gió thoảng” – người đã chung sống với căn bệnh suy thận từ những năm tháng tuổi trẻ nhưng vẫn không ngừng cống hiến cho giáo dục. Hay gần gũi hơn là những anh, chị từ nghèo khó biết vươn lên để trở thành thủ khoa đại học…. Họ là những tấm gương sáng cho chúng ta học tập, noi theo.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta lại bắt gặp không ít người có lối sống vị kỉ, không có ý chí, nghị lực, không có niềm tin vào cuộc sống, có người chỉ biết bó chặt mình trong bóng tối của sự đau khổ hoặc có người lại sống dựa dẫm vào người khác như những cây tầm gửi. Họ tự biến mình thành gánh nặng của gia đình và xã hội mà không hay. Những con người ấy sẽ không nhận được sự tôn trọng, tin yêu của mọi người. Lối sống ấy thật đáng chê trách, loại bỏ.
Câu chuyện về loài hươu tuy giản dị nhưng chứa đựng những bài học thật quý báu: sống có ý chí, có nghị lực, sống tự lập, không ngừng vươn lên, không bao giờ chùn bước trước khó khăn. Từ nay, tôi đã biết mình phải làm gì khi gặp một bài toán khó, khi kết quả học tập chưa được hài lòng như mong đợi và làm thế nào biến ước mơ thành hiện thực. Còn bạn thì sao?
Hoàng Thị Mỹ Duyên - Quảng Trị
dapandethi.vn