Đề bài

UBND HUYỆN TÂN CHÂU

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Độc lập-Tự do-Hạnh phúc

KỲ KIỂM TRA HỌC KÌ I NĂM HỌC 2020-2021

Môn: Lịch sử 9

Thời gian: 60 phút

(Không kể thời gian phát đề)


ĐỀ CHÍNH THỨC:

Câu 1: (2,0 điểm)

Từ sau năm 1945 đến nay tình hình các nước Châu Á có những nét nổi bật nào?

Câu 2: (3,0 điểm)

Trình bày hoàn cảnh ra đời, mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của ASEAN.

Câu 3: (2,0 điểm)

Phong trào giải phóng dân tộc châu Phi từ năm 1945 đến nay phát triển và thắng lợi như thế nào? Phân tích những khó khăn hiện nay của các nước châu Phi?

Câu 4: (3,0 điểm)

Em hãy nêu những dẫn chứng tiêu biểu về sự phát triển thần kì của nền kinh tế Nhật Bản trong những năm 70 của thế kỉ XX? Phân tích các nguyên nhân làm cho nền kinh tế Nhật Bản phát triển thần kì trong những năm 70 của thế kỉ XX?

Lời giải chi tiết

Câu 1:

Phương pháp: Dựa vào sgk Lịch sử 9 trang 15 để trả lời.

Cách giải:

- Từ sau năm 1945, một cao trào giải phóng dân tộc đã dấy lên, lan nhanh ra cả châu Á.

- Tới cuối những năm 50, phần lớn các dân tộc châu Á đã giành được độc lập, trong đó có nhiều nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a...

- Suốt nửa sau thế kỉ XX, tình hình châu Á không ổn định bởi đã diễn ra nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của các nước đế quốc, nhất là ở khu vực Đông Nam Á và Tây Á (còn gọi là Trung Đông).

- Sau Chiến tranh lạnh, ở một số nước châu Á đã diễn ra những cuộc xung đột tranh chấp biên giới, lãnh thổ hoặc các phong trào li khai với những hành động khủng bố dã man (như giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan, hoặc ở Xri Lan-ca, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a...)

- Một số nước ở châu Á đã đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế, tiêu biểu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a và Thái Lan. 


Câu 2

Phương pháp: Dựa vào sgk trang 23,24 để trả lời.

Cách giải:

* Hoàn cảnh ra đời:

- Sau khi giành được độc lập và đứng trước yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

- Nhiều nước Đông Nam Á chủ trương thành lập một tổ chức liên minh khu vực nhằm: Hợp tác phát triển kinh tế, hạn chế sự ảnh hưởng của các cường quốc bên ngoài đối với khu vực.

 Ngày 8/8/1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (viết tắt là ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc (Thái Lan) gồm 5 nước thành viên: Inđônêxia, Malaixia, Philipin, Xingapo, Thái Lan.

* Mục tiêu hoạt động:

Phát triển kinh tế và văn hóa thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các nước thành viên, trên tinh thần duy trì hoà bình và ổn định khu vực.
* Nguyên tắc hoạt động: 

- Tháng 2 - 1976, các nước ASEAN đã kí Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á tại Ba-li (In-đô-nê-xi-a). Hiệp ước Ba-li xác định những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các nước thành viên như:

+ Cùng nhau tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ;

+ Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau;

+ Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình;

+ Hợp tác phát triển có kết quả,...

Câu 3:

Phương pháp: Dựa vào sgk Lịch sử 9 trang 26, 27 để trả lời.

Cách giải:

1. Giai đoạn 1 (từ năm 1945 đến giữa những năm 60 của thế kỉ XX).

- Sau khi phát xít nhật đầu hàng, nhiều nước ở châu Á đã nổi dậy, thành lập chính quyền cách mạng điển hình là Việt Nam, Inđônêxia, Lào.

- Phong trào lan nhanh ra các nước Nam Á và Bắc Phi điển hình là Ấn Độ (1946-1950) và Ai Cập (1952).

- Đến năm 1960, 17 nước ở châu Phi tuyên bố độc lập (Nam châu Phi)

- Ngày 1/1/1959, cách mạng Cu-ba thành công.

 Tóm lại đến giữa những năm 60 của thế kỉ XX, hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân cơ bản đã bị sụp đổ. Đến năm 1967, hệ thống thuộc điạ tập trung ở miền Nam Châu Phi.

2. Giai đoạn 2 (từ giữa những năm 60 đến giữa những năm 70 của thế kỉ XX).

- Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích và Gi-nê Bít-xao nhằm lật đổ chế độ thống trị của Bồ Đào Nha.

- Đến đầu những năm 60, nhân dân 3 nước này đã tiến hành đấu tranh vũ trang.

- Tháng 4/1974, chính quyền mới ở Bồ Đào Nha đã trao trả độc lập cho 3 nước này.

 Như vậy sự tan rã của thuộc điạ Bồ Đào Nha là thắng lợi quan trọng của phong trào giải phóng dân tộc.

3. Giai đoạn 3 (từ giữa những năm 70 đến giữa những năm 90 của thế kỉ XX).

- Cuối những năm 70, chủ nghĩa thực dân còn tồn tại dưới “hình thức chế độ phân biệt chủng tộc A-phác-thai”.

- Sau nhiều năm đấu tranh ngoan cường và bền bỉ, chính quyền thực dân đã phải xoá bỏ chế độ phân biệt chủng tộc của những người da đen.

- Chính quyền của người da đen được thành lập:

+ Năm 1980, Cộng hoà Dim-ba-buê giành độc lập.

+ Năm 1990, Cộng hoà Na-mi-bi-a đã giành độc lập.

+ Năm 1993, Cộng hoà Nam Phi đã giành độc lập.

 Như vậy hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc đã bị sụp đổ hoàn toàn.

 

- Sau khi giành độc lập, các nước châu Phi bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước, nhưng chưa thay đổi được tình trạng đói nghèo, lạc hậu.

- Từ cuối những năm 80, tình hình châu Phi ngày càng khó khăn và không ổn định như:

+ Xung đột, nội chiến, đói nghèo, nợ nần và bệnh tật (từ năm 1987 đến năm 1997 có tới 14 cuộc xung đột và nội chiến ở Run-an-đa có tới 800 nghìn người chết và 1,2 triệu người phải lang thang, chiếm 1/10 dân số).

+ Hiện nay châu Phi có 57 quốc gia, nhưng 32 nước xếp vào nhóm nghèo nhất thế giới, 2/3 dân số châu Phi không đủ ăn, 1/4 dân số đói kinh niên (150 triệu người).

+ Tỉ lệ tăng dân số cao nhất thế giới.

+ Tỉ lệ người mù chữ cao nhất thế giới.

+ Đầu thập kỉ 90, châu Phi nợ chồng chất: 300 tỉ USD.

Câu 4

Phương pháp: dựa vào sgk trang 37 để trả lời, suy luận.

Cách giải:

*Sự phát triển thần kì của nền kinh tế Nhật Bản trong những năm 70 của thế kỉ XX được thể hiện:

- Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) năm 50 là 20 tỉ USD, năm 1968 là 183 tỉ USD, đứng thứ hai thế giới, sau Mĩ (830 tỉ USD)...

- Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân hằng năm trong những năm 50 là 15%, những năm 60 là 13,5%.

- Cùng với Mĩ và Tây Âu, Nhật Bản trở thành một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính trên thế giới.

*Những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển thần kì của nền kinh tế Nhật Bản trong những năm 70 của thế kỉ XX bao gồm:

- Truyền thống văn hoá, giáo dục lâu đời của người Nhật - sẵn sàng tiếp thu những giá trị tiến bộ của thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc.

- Hệ thống tổ chức quản lí có hiệu quả của các xí nghiệp, công ti Nhật Bản.

- Vai trò quan trọng của Nhà nước trong việc đề ra các chiến lược phát triển, nắm bắt đúng thời cơ và sự điều tiết cần thiết để đưa nền kinh tế liên tục tăng trưởng.

- Con người Nhật Bản được đào tạo chu đáo, có ý chí vươn lên, cần cù lao động, đề cao kỉ luật và coi trọng tiết kiệm.

dapandethi.vn