Video hướng dẫn giải

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Phần I

TỰ SỰ, MIÊU TẢ TRONG VĂN BẢN BIỂU CẢM

Câu 1

Video hướng dẫn giải

Trả lời câu 1 (trang 138 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1)

Hãy chỉ ra các yếu tố tự sự và miêu tả trong bài Bài ca nhà tranh bị gió thu phá và nêu ý nghĩa của chúng đối với bài thơ.

Lời giải chi tiết:

Các yếu tố tự sự, miêu tả trong bài “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá":

- Đoạn 1: Tự sự (2 dòng đầu); Miêu tả (3 dòng sau) có vai trò tạo bối cảnh chung

- Đoạn 2: Tự sự kết hợp với biểu cảm, uất ức vì già yếu.

- Đoạn 3: Tự sự, miêu tả và 2 câu cuối biểu cảm, cam phận.

- Đoạn 4: Biểu cảm tình cảm cao thượng vị tha, vươn lên sáng ngời.

=> Ý nghĩa với bài thơ: Khắc họa đậm nét tình cảnh khốn cùng của nhà thơ, bộc lộ ước vọng cao cả với dân chúng.

Câu 2

Video hướng dẫn giải

Trả lời câu 2 (trang 138 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1)

Đọc đoạn văn (tr.137 - 138 SGK Ngữ văn 7 tập 1) và trả lời câu hỏi:

a. Em hãy chỉ ra các yếu tố tự sự và miêu tả trong đoạn văn và cảm nghĩ của tác giả. Nếu không có yếu tố tự sự và miêu tả thì yếu tố biểu cảm có bộc lộ được hay không?

b. Đoạn văn trên miêu tả, tự sự trong niềm hồi tưởng. Hãy cho biết tình cảm chi phối tự sự và miêu tả thế nào?

Lời giải chi tiết:

a) Trong đoạn văn:

- “Những ngón chân của bố... xoa bóp khỏi”: miêu tả.

- “Bố đi chân đất... bố đi xa lắm”: tự sự.

- “Bố ơi!... thành bệnh”: cảm nghĩ

b) Đoạn văn trên miêu tả tự sự trong niềm hồi tưởng... Tự sự, miêu tả nhằm khơi gợi tình cảm, cảm xúc, do tình cảm cảm xúc chi phối.

Phần II

LUYỆN TẬP

Câu 1

Video hướng dẫn giải

Trả lời câu 1 (trang 138 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1)

Kể lại nội dung bài Bài ca nhà tranh bị gió thu phá của Đỗ Phủ bằng bài văn xuôi biểu cảm:

Lời giải chi tiết:

     Tháng tám giữa mùa thu, thường vẫn có gió lốc dữ dằn cuốn phăng mất ba nẹp tranh trên mái nhà của Đỗ Phủ. Gió thổi chúng sang tận bên kia bờ sông. Bọn trẻ xóm Nam ấy ngang ngược đã tranh nhau cướp ba nẹp tranh ngay trước mắt ông lão - nhà thơ tuổi cao sức yếu này. Ông mệt lả đành chịu mất của quay về chống gậy than thở.

     Một chốc sau gió lặng, mây đen bất chợt kéo đến. Trời tốì đen lại. Mưa xuống. Trời lạnh buốt. Nhà Đỗ Phủ chỉ có duy nhất một cái chăn đơn đã cũ nát, con đạp rách, nên lạnh như dao cứa. Khổ nỗi cái giường lại nằm ngay chỗ mái dột, ướt sũng cả. Từ ngày loạn lạc, do lo lắng, nhà thơ vốn đã bị mất ngủ, giờ lại thêm mưa dột ướt, làm sao ông chợp mắt cho được. Nằm thao thức, nghĩ mông lung, nhà thơ mong ước có được một ngôi nhà đồ sộ ngàn vạn gian, nhưng không phải cho mình, lại càng không phải cho riêng một mình mình, mà là cho tất cả mọi hàn sĩ trên cõi đời này, mọi nhà thơ nghèo khổ trên thế gian này. Càng cao cả hơn nữa, còn ở chỗ nhà thơ ước ao được đánh đổi sự tan nát của chính căn nhà mình, thậm chí cả cái chết của bản thân mình để lấy ngôi nhà đồ sộ ngàn vạn gian kia cho mọi người thì ông cũng vui lòng...

Câu 2

Video hướng dẫn giải

Trả lời câu 2 (trang 138 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1)

Trên cơ sở văn bản Kẹo mầm (SGK Ngữ văn 7 tập 1, tr. 138-139) viết thành một bài văn biểu cảm.

Lời giải chi tiết:

      Mẹ tôi đã khuất xa, chị gái tôi cũng đi lấy chồng. Giờ đây, trước hiên nhà thân thuộc, nghe tiếng rao vang xa ngoài phía cổng “Ai đổi kẹo”, trong lòng tôi bống trào dâng những kí ức tuổi thơ ngọt ngào với món quà ngọt thơm dòng sữa gạo “kẹo mầm”.

      Nỗi buồn lặng lẽ ấy đưa tôi trở về ngày mẹ còn sống. Tôi còn nhớ như in hình ảnh mẹ ngồi gỡ tóc bằng cái lược thưa gỗ vàng. Đầu mẹ nghiêng nghiêng, sóng tóc đổ dài một bên vai, tay cầm lược chải dọc theo mái tóc, mềm mại như múa, thỉnh thoảng mẹ dừng lại vuốt những sợi tóc rụng theo lược, vo thành nắm nhỏ, giắt nó lên mái hiên nhà. Rồi chị tôi khi lớn lên, mái tóc cũng dài như mẹ, cũng lại chải đầu gỡ tóc rối, vo lại và giắt lên mái hiên nhà.
      Lúc bấy giờ tôi còn là một cậu bé học cấp I, cứ tan học là đeo vội cái cặp sách đan bằng cói rồi ba chân bốn cẳng chạy về nhà, gọi toáng lên từ ngõ: “Mẹ ơi, con về rồi”. Thỉnh thoảng trên đường về, tôi lại thấy bà cụ quẩy đôi quang thúng đi đổi kẹo lấy đồng nát, vỏ chai, lông vịt, tóc rối,... Gọi là kẹo, nhưng thực chất chỉ là mạch nha làm bằng mầm cây mạ, mầm thóc, hoàn toàn không có đường mật gì. Thứ đó gọi là kẹo mầm.
      Nghe tiếng rao của bà đổi kẹo, bọn trẻ con chúng tôi dỏng tai lên nghe và vội vàng về nhà bắc cái ghế đẩu trèo lên, đưa tay vào những khe tàu lá cọ, moi ra những búi tóc rối mang đi đổi kẹo. Sau đó, bọn trẻ con ngồi vây quanh bà hàng kẹo mầm, xừa xem vừa hồi hộp chờ đến lượt mình. Bà lấy nồi kẹo mầm ra và một nắm que tăm để lên mẹt. Đôi tay bà nhanh thoăn thoắt, tay trái cầm que tăm còn tay phải  bà véo kẹo, kéo dài sợi kẹo từ trong nồi ra. Những sợi kẹo xù trên đầu que tăm như một bối bòng bong. Trong xù to như một bông hoa mẫu đơn, tưởng có thể ăn suốt cả ngày không hết. Nhưng chỉ cần đưa vào mồm ngậm lại là những sợi kẹo dính vào với nhau, chỉ còn to bằng quả táo nhỏ. Đặt cái kẹo tròn vo, lồng phồng lên lưỡi, lần nào tôi cũng cảm nhận được mùi thơm mát và ngọt lịm của kẹo mầm.

      Quê hương tôi giờ đây đã thay đổi rất nhiều, trẻ con cũng không còn mong ngóng những tiếng rao đổi kẹo, đổi kem. Nhưng mỗi khi nghe tiếng rao lanh lảnh ngoài ngõ: “Quạt điện, bàn là, ti vi, tủ lạnh hỏng ba... án”, tôi lại nhớ về những sợi kẹo vàng óng cuộn tròn trên que tăm, dịu ngọt, mát lành trên đầu lưỡi, thứ kẹo gắn liền tuổi thơ tôi đơn sơ mà ấm áp với làng quê yên ả, với mái tóc và vòng tay che chở của mẹ.

dapandethi.vn