Video hướng dẫn giải
Câu 1
Video hướng dẫn giải
Trả lời câu 1 trang 84 SGK Ngữ văn 10, tập 1
a.
- Người than thân là những người phụ nữ trong xã hội cũ.
- Họ có thân phận bé nhỏ, thiệt thòi, bất hạnh.
b. Thân phận có nét chung (đều bị phụ thuộc, giá trị không được ai biết đến) nhưng nỗi đau của từng người lại khác nhau:
+ Cô gái trong bài ca dao số 1 ý thức được sắc đẹp, tuổi xuân và giá trị của mình ("như tấm lụa đào" đẹp đẽ, quý giá) nhưng thân phận chông chênh, không biết sẽ "vào tay ai", chẳng khác gì một món hàng phụ thuộc vào kẻ bán người mua.
+ Cô gái trong bài ca dao số 2 có sự tự ý thức mạnh mẽ và da diết. Lời thơ vừa mời mọc, vừa da diết, giá trị của cô không được ai biết đến ẩn sau diện mạo bên ngoài xấu xí ("vỏ ngoài thì đen"). Bài ca dao đề cao giá trị thực của người con gái ("ruột trong thì trắng").
Câu 2
Video hướng dẫn giải
Trả lời câu 2 trang 84 SGK Ngữ văn 10, tập 1
a.
- Bài ca dao dùng lối đưa đẩy, gợi cảm hứng "trèo lên cây khế nửa ngày" bày tỏ nỗi chua xót vì lỡ làng duyên phận và thường là lời của các chàng trai.
- Từ "ai" trong câu "Ai làm chua xót lòng này, khế ơi" chỉ xã hội phong kiến xưa từng ngăn cách, làm tan nát nhiều mối tình vì những quy định lề thói hà khắc.
b.
- Tình nghĩa con người bền vững, thủy chung được thể hiện qua các hình ảnh ẩn dụ, so sánh đặc sắc như "trời", "trăng", "sao".
- Sự thủy chung ấy sánh với thiên nhiên, vũ trụ vĩnh hằng, không bao giờ thay đổi.
c.
- Câu cuối "Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời" thể hiện rõ vẻ đẹp của tình yêu và sự thủy chung của đôi lứa.
- Câu thơ khẳng định sự đợi chờ sắt son, mòn mỏi bất chấp sự cô đơn và sự chảy trôi của thời gian.
- Nỗi buồn và sự chờ đợi, trông ngóng về một mối tình lỡ làng ấy qua hình ảnh sao Vượt hiện lên vừa đẹp, vừa thơ, vừa đáng trân trọng.
Câu 3
Video hướng dẫn giải
Trả lời câu 3 trang 84 SGK Ngữ văn 10, tập 1
- Bài ca dao sử dụng các hình ảnh biểu tượng với thủ pháp nhân hóa ("khăn", "đèn"), hoán dụ ("mắt") để diễn tả nỗi thương nhớ một cách cụ thể, tinh tế, gợi cảm.
- Hình ảnh "khăn" đây là vật kỷ niệm, vật trao duyên gợi nhớ về người thương, vật này lại luôn quấn quýt bên người con gái như cùng sẻ chia nỗi niềm.
+ Khăn gắn với các hoạt động "xuống", "lên", "rơi", "vắt" bộc lộ nỗi lòng ngổn ngang và cồn cào thương nhớ của người con gái, trong bất kỳ hoạt động nào cô cũng không nguôi nhớ về người thương.
+ Hình ảnh khăn lặp lại nhiều lần kết hợp việc dùng nhiều thanh bằng tạo nên những điệp khúc nhớ thương da diết, sâu đậm.
- Hình ảnh "ngọn đèn": giãi bày nỗi nhớ nhung của cô gái đầy ắp cả ngày và đêm, nỗi nhớ khiến cô thao thức, trằn trọc suốt đêm dài, chỉ có ngọn đèn bầu bạn sẻ chia.
- Hình ảnh "đôi mắt": cách nói hoán dụ cô gái chỉ chính mình, đôi mắt còn là cửa sổ tâm hồn, hình ảnh này bày tỏ nỗi nhớ thiết tha đến "ngủ không yên".
Câu 4
Video hướng dẫn giải
Trả lời câu 4 trang 84 SGK Ngữ văn 10, tập 1
- Bài ca dao là lời của cô gái thầm nói với người thương. Cô thổ lộ ước muốn trong một ý tưởng táo bạo gắn với hình ảnh chiếc cầu dải yếm độc đáo.
+ Cô ao ước "sông rộng một gang", đó là con sông trong mong mỏi để cô "bắc cầu dải yếm", chiếc cầu đầy thơ mộng mời người thương. Đó là cây cầu chủ động của người con gái bắc cho người mình yêu, đặt giữa sự ràng buộc nặng nề của lễ giáo phong kiến ta càng trân trọng hơn sự chủ động, táo bạo đến với tình yêu của cô gái.
+ "Yếm": vật gần gũi nhất, thân thiết nhất, gắn bó nhất và liền ngay với trái tim cô, nơi đang đập những nhịp yêu thương mãnh liệt.
- Cây cầu - dải yếm vì vậy vừa thân quen, vừa táo bạo mà lại vô cùng nữ tính.
=> Đó không chỉ là vẻ đẹp của một tình yêu chân tình của cô gái lao động nơi làng quê mà còn là vẻ đẹp của lối biểu đạt tình cảm tinh tế, độc đáo, đầy nghệ thuật của người xưa.
Câu 5
Video hướng dẫn giải
Trả lời câu 5 trang 84 SGK Ngữ văn 10, tập 1
- Khi nói đến tình nghĩa con người, ca dao sử dụng hình ảnh muối gừng vì đây là những gia vị quen thuộc, dân dã trong bữa ăn đời thường hoặc là vị thuốc đơn sơ gắn bó với người bình dân lúc những lúc đau ốm.
- Ca dao sử dụng những hình ảnh này nói đến tinh thần đồng cam cộng khổ, sự gắn bó cả trong cuộc sống và nhất là những lúc khó khăn, đau yếu.
- Ý nghĩa biểu tượng và giá trị biểu cảm của hình ảnh này trong bài ca dao:
+ Biểu tượng "gừng cay, muối mặn" trong bài ca dao dành cho tình nghĩa thủy chung của vợ chồng, bởi họ phải trải qua gian khó, thử thách mới thấy rõ tình nghĩa của nhau -> nghĩa tình bền vững, dài lâu như vị mặn, vị cay của gừng muối.
+ Lối nói trùng điệp, nhấn mạnh, tiếp nối để đi đến khẳng định "Có xa nhau… mới xa" (100 năm - một đời người), câu ca dao cuối cùng kéo dài nhấn mạnh nghĩa vợ tình chồng còn mãi, họ sẽ không bao giờ xa cách nhau.
- Bài ca dao khác dùng hình ảnh muối – gừng: "Tay nâng chén muối đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau".
Câu 6
Video hướng dẫn giải
Trả lời câu 6 trang 84 SGK Ngữ văn 10, tập 1
- Những biện pháp nghệ thuật thường dùng trong ca dao là: các mô thức mở đầu quen thuộc ("thân em như…"), các hình ảnh mang tính biểu tượng (chiếc cầu, chiếc yếm, khăn, ngọn đèn, gừng, muối…), biện pháp so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, thể thơ lục bát, song thất lục bát.
- Những biện pháp này được sử dụng mang đậm màu sắc dân gian vì đây là sáng tác của tập thể, không mang màu sắc cá nhân như trong các sáng tác của văn học viết.
Luyện tập
Câu 1 (trang 85 SGK Ngữ văn 10 tập 1)
- Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa
- Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu
- Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ dưới chợ biết vào tay ai
- Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày
- Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân
- Sắc thái ý nghĩa:
+ Than thân, trách phận
+ Hờn trách người không biết trân trọng vẻ đẹp của người con gái
+ Người phụ nữ ý thức được vẻ đẹp của mình
Câu 2 (trang 85 SGK Ngữ văn 10 tập 1)
- Gửi khăn, gửi áo, gửi lời
Gửi đôi chàng mạng cho người đàng xa.
- Nhớ khi khăn mở trầu trao
Miệng chỉ cười nụ biết bao nhiêu tình.
- Bài ca dao Khăn thương nhớ ai tuy vẫn nằm trong hệ thống các bài ca dao thương nhớ trên đây nhưng nó vẫn có điểm riêng: Nỗi nhớ trong bài ca dao này vừa cụ thể, sinh động hơn lại vừa tổng hợp khái quát nhiều cung bậc hơn
- "Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trên nỗi nhớ thầm" (Nguyễn Khoa Điềm)
=> Nguyễn Khoa Điềm lấy ý từ ca dao nhưng khái quát lên cấp độ cao hơn khi tình cảm lứa đôi hòa quyện vào tình yêu đất nước.
ND chính
Nỗi niềm chua xót, đắng cay và tình cảm yêu thương, chung thủy của người bình dân trong xã hội cũ được bộc lộ chân tình và sâu sắc qua chùm ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa. Đồng thời, qua đó tô đậm thêm vẻ đẹp tâm hồn của người lao động trong các câu ca và lên án, tố cáo, phê phán những thế lực phong kiến đã chà đạp quyền sống, quyền hạnh phúc, yêu thương và hạnh phúc lứa đôi của con người. |
dapandethi.vn