Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:

Bàn tay người nghệ sĩ

    Ngay từ nhỏ, Trương Bạch đã rất yêu thiên nhiên. Lúc nhàn rỗi, cậu nặn những con giống bằng đất sét trông như thật.

   Lớn lên, Trương Bạch xin đi làm ở một cửa hàng đồ ngọc. Anh say mê làm việc hết mình, không bao giờ chịu dừng khi thấy những chỗ cần gia công tinh tế mà mình chưa làm được. Sự kiên nhẫn của Trương Bạch khiến người dạy cũng phải kinh ngạc.

   Một hôm, có người mang một khối ngọc thạch đến và nhờ anh tạc cho một pho tượng Quan Âm. Trương Bạch tự nhủ sẽ gắng công tạo nên một tác phẩm tuyệt trần, mĩ mãn.

   Pho tượng làm xong, quả là một tác phẩm trác tuyệt. Từ dung mạo đến dáng vẻ của Quan Âm đều toát lên sự ung dung và cực kì mỹ lệ. Điều vô cùng lí thú là pho tượng sống động đến lạ lùng, giống như một người sống vậy. Nếu đi một vòng xung quanh pho tượng, đôi mắt Quan Âm như biết nhìn theo. Hiển nhiên đây là điều không thể tưởng tượng nổi.

(Theo Lâm Ngữ Đường)

a/ Từ nhỏ, Trương Bạch đã có niềm yêu thích hay say mê gì?

b/ Điều gì ở Trương Bạch khiến người dạy nghề cũng phải kinh ngạc?

c/ Pho tượng Quan Âm có điều gì khiến người ta không thể tưởng tượng nổi?

d/ Em học được điều gì từ Trương Bạch?

Phương pháp giải:

a. Em đọc đoạn văn thứ nhất.

b. Em đọc kĩ đoạn văn thứ 2.

c. Em đọc kĩ đoạn văn thứ 4.

d. Trương Bạch đối với công việc, đối với niềm yêu thích của mình có thái độ như thế nào?

Lời giải chi tiết:

a. Từ nhỏ Trương Bạch đã rất yêu thích thiên nhiên. Lúc nhàn rỗi, cậu nặn những con giống bằng đất sét trông y như thật.

b. Sự say mê và kiên nhẫn khi làm việc ở cửa hàng đồ ngọc của Trương Bạch khiến cho người dạy nghề cũng phải kinh ngạc.

c. Điều khiến người ta không tưởng tượng được ở pho tượng Quan Âm do Trương Bạch đó là nếu đi một vòng xung quanh pho tượng, đôi mắt Quan Âm như biết nhìn theo.

d. Trương Bạch là người có đam mê của riêng mình, anh lựa chọn công việc theo đam mê của mình và luôn cố gắng hết sức mình, tận tâm tận sức để hoàn thành nó một cách tốt nhất.

Từ đó em học được từ Trương Bạch một bài học đó là: Hãy theo đuổi đam mê của mình, cố gắng kiên trì, tận tâm tận lực để hoàn thành mỗi một việc làm của mình.

Câu 2

Gạch dưới bộ phận trạng ngữ và phân tách bộ phận chủ ngữ, vị ngữ trong câu sau bằng dấu gạch chéo (/):

Lúc nhàn rỗi, cậu nặn những con giống bằng đất sét trông như thật.

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ và xác định các thành phần trong câu.

Lời giải chi tiết:

Lúc nhàn rỗi, cậu / nặn những con giống bằng đất sét trông y như thật.

Câu 3

Từ “đầu” trong câu nào sau đây được dùng với nghĩa gốc? Khoanh tròn vào chữ cái trước câu trả lời đó.

a/ Nhà em ở đầu phố Khâm Thiên.

b/ Bạn Nam đã đỗ đầu kì thi Trạng Nguyên nhỏ tuổi.

c/ Vì chưa học bài nên nó cứ gãi đầu gãi tai.

Phương pháp giải:

“Đầu” nghĩa gốc là chỉ một bộ phận trên cơ thể người hoặc động vật.

Lời giải chi tiết:

Từ “đầu” được dùng với nghĩa gốc trong câu:

c. Vì chưa học bài nên nó cứ gãi đầu gãi tai.

Câu 4

Với mỗi nghĩa dưới đây của từ đầu, hãy đặt một câu:

a. Vị trí trước tiên, băt đầu vào một ngôi làng.

b. Nơi bắt nguồn của một dòng sông, dòng suối.

c. Chỉ người đứng trước nhất trong khi xếp hàng.

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ từng tình huống được đưa ra trong các câu để đặt câu sao cho phù hợp:

Lời giải chi tiết:

a. Đầu làng, cây đa đứng uy nghiêm như một vị thần canh giữ bình yên cho ngôi làng.

b. Anh Long đang giăng lưới bắt cá ở đầu sông.

c. Bé Mai đứng đầu hàng được giao nhiệm vụ cầm theo đèn.

dapandethi.vn