Trong tác phẩm Làng, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống truyện giàu kịch tính: Hiểu lầm rồi vỡ lẽ về việc làng Dầu cùa mình theo giặc. Đây là dạng tình huống thường được các nhà văn sử dụng và trong tác phẩm này nó đã khiến nhân vật bộc lộ tính cách của mình. Việc rời làng đi tản cư là sự việc có ý nghĩa tạo khung cho câu chuyện. Đó chưa phải là tình huống. Phải đến khi ông Hai nghe tin đồn làng của ông theo Tây làm Việt gian thì tình huống mới thực sự bắt đầu. Ông Hai vốn là người yêu làng tha thiết, ông rất tự hào cái làng thân yêu của mình. Và đặc biệt là đi đâu ông cũng khoe về nó, khoe về sự giàu đẹp, khoe về tinh thần chiến đấu anh hùng. Ấy vậy mà bây giờ lại có tin làng Dầu của ông theo Tây! Cái tin ấy là một cái tin chết người, nó chẳng những làm mất hết niềm tin, sụp đổ niềm tự hào về làng của ông mà còn khiến ông tủi hổ vì đã khoe khoang những điều hay về nó. Tình huống truyện kết thúc khi ông Hai biết được sự thực làng của ông không theo giặc. Qua tình huống này, hình ảnh một lão nông dân tha thiết yêu làng quê của mình, một lòng một dạ theo kháng chiến hiện ra sắc nét, với chiều sâu tâm lí, ngôn ngữ mang đậm màu sắc cá thể hoá.
dapandethi.vn