Lặng lẽ Sa Pa là một tác phẩm đầy chất thơ bởi cảnh vật mộng mơ và cả những con người đang hăng say trong công cuộc lao động mới. Cô kĩ sư là đại diện cho lớp thanh niên trẻ đi tìm lí tưởng cuộc đời và đã bắt gặp được lẽ sống ấy trong cuộc gặp gỡ tình cờ. Cuộc gặp gỡ bất ngờ với anh thanh niên, những điều anh nói, cả chuyện anh kể về những người khác đã khiến cô bàng hoàng, “cô hiểu thêm cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của người thanh niên, về cái thế giới những con người như anh” và quan trọng hơn nữa về con đường mà cô đã lựa chọn, cô đang đi tới (việc lên công tác ở miền núi). Đây là cái bàng hoàng đáng lẽ cô phải biết khi yêu, nhưng bây giờ cô mới biết, nó còn giúp cô dánh giá đúng hơn mối tình nhạt nhẽo mà cô đã từ bỏ và yên tâm hơn về quyết định của mình. Đó là sự bừng dậy của những tình cảm lớn lao cao đẹp khi người ta gặp được những ánh sáng đẹp đẽ toả ra từ cuộc sống tâm hồn người khác. Cùng với sự bàng hoàng ấy là một tình cảm hàm ơn với người thanh niên, không phải chỉ vì bó hoa to mà anh tặng cô một cách hết sức vô tư, mà còn vì “một bó hoa nào khác nữa, bó hoa của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh cho thêm cô”. Tóm lại, thông qua những cảm xúc và suy nghĩ cùng thái độ cảm mến của những nhân vật khác, hình ảnh nhân vật anh thanh niên được hiện ra càng rõ nét và đẹp hơn, gợi ra nhiều ý nghĩa như là đã được lọc qua thứ ánh sáng tâm hồn trong trẻo và rực rỡ khiến hình ảnh ấy rạng rỡ hơn, ánh lên nhiều sắc màu hơn. Đây là một thủ pháp nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng thành công trong việc xây dựng nhân vật chính của truyện.
Nguồn: Sưu tầm
dapandethi.vn