Đề bài
Phân tích tác phẩm Những đứa con trong gia đình của nhà văn Nguyễn Thi.
Lời giải chi tiết
Những đứa con trong gia đình là câu chuyện của một gia đình, một dòng họ nhưng cũng là câu chuyện của bao nhiêu gia đình khác trong chiên tranh chống Mỹ cứu nước, vẫn là chuyện bi thương, sống chết... Những chuyện gắn liền với mưa bom bão đạn. Vậy mà Nguyễn Thi vẫn có cách riêng để xử lí rằng, để dựng thành một truyện ngắn đặc sắc, đậm nét Nam Bộ, chịu được thử thách của thời gian, một truyện ngắn tiêu biểu - nếu không nói là đỉnh cao - của phong cách nghệ thuật Nguyễn Thi.
Cốt truyện Những đứa con trong gia đình không có gì phức tạp. Đó là câu chuyện của chị em Việt, Chiến - Những đứa con trong một gia đình có quá nhiều mất mát đau thương: cha bị Tây chặt đầu, má bị đại bác Mỹ bắn chết. Mới bước vào ngưỡng cửa của tuổi trưởng thành. Họ tranh nhau tòng quân để rồi cả hai người cùng nhập ngũ, cũng được ra mặt trận. Trong một trận đá Việt diệt được một xe tăng và sáu lên Mỹ. Bị thương nặng, Việt phải nằm lại chiến trường còn ngổn ngang dấu vết bom đạn, nhưng anh vẫn cố gắng nhoài từng nấc để dò đường về đơn vị. Ba ngày lạc đồng đội, trơ trọi một mình trận địa, có bao nhiêu hồi tưởng về gia đình, về những người thân đến với Việt. Cuối cùng đồng đội đã tìm thấy anh, Việt lại về sống trong tình yêu thương đùm bọc của anh em.
Chuyện thì đơn giản như vậy nhưng Nguyễn Thi lại biết dẫn dắt câu chuyện một cách sinh động. Theo sự hồi tưởng của nhân vật chính (Việt) hiện tại quá khứ, mặt trận và làng quê cứ đan xen vào nhau, cắt nghĩa cho nhau để làm nổi rõ chủ đề của truyện.
Việt và Chiến là hai chị em ruột. Con đường đến với mặt trận của họ xuất phát từ đâu? Nguyễn Thi không miêu lả dài dòng, ông chỉ lọc lấy một vài chi tiết đặc quánh hiện thực, tự nó làm sống lại cái quá khứ bi thương của gia đình Việt, để lí giải nguyên do ihúc đẩy những đứa con trong gia đình đi tòng quân. Cuốn sổ gia đình mà Việt, Chiến dùng để đánh vần chính là “cuốn gia phả" bi thương của một dòng họ, ở cuốn gia phả ấy, mỗi trang, mỗi dòng đều thấm máu và nước mắt người thân của họ, từ ông bà đến má chú bác, ngày nào kẻ thù gây ra đau thương cho gia đình cũng bị ghi chép một cách cụ thể. Ở “cuốn gia phả” ấy không chỉ có bi thương mà còn có chiến công dù “thỏn mỏn” hay to lớn những chiến công do cha ông họ, do chính họ viết nên. Học chữ từ cuốn sổ gia đình thực chất là để học lấy cái đạo lí người, nhớ lấy đau thương. Nhớ lấy cái mối thù sâu nặng và để viết tiếp những chiến công cho lịch sử gia đình. Không phải ngẫu nhiên mà chú Năm - người đại diện cho thế hệ đi trước, người chấp bút “cuốn gia phả” - lại ghi câu này: "Còn nhiều việc thỏn mỏn tôi không ghi hết, để rồi sắp nhỏ nó ghi thêm” và kế câu đó là chiến công của chị em Việt trên sông Định Thuỷ. Thiết tưởng đây không phải là chuyện nhớ gì ghi nấy, mà là chuyện trọng đại: lời dặn dò của thế hệ trước với thế hệ sau, một sự gởi gắm đầy tin tưởng của cha ông với cháu con. Và quả thực lớp trẻ như Việt, Chiến đã không phụ lại niềm tin đó.
Mồ côi cha mẹ, lại phải sống trong chiến tranh, ở hoàn cảnh đó, con người thường bị hụt hẫng về tình cảm, rất dễ khủng hoảng tinh thần, nhưng không, chị em Việt vẫn trụ lại trước cuộc đời, vẫn không đơn côi lẻ loi, vẫn thấy rõ con đường của mình phải đi. Khát vọng lớn nhất của họ là được tòng quân, là được hoà nhập vào cuộc chiến của quê hương đất nước, kế tục truyền thống đánh giặc của cha ông.
Viết về tuổi thơ miền Nam thời chống Mỹ, ngòi bút của Nguyễn Thi vừa đồng cảm trìu mến thiết tha, vừa trân trọng khâm phục ngợi ca. Dường như, ở những đứa con trong gia đình bút lực của ông dồn vào hai nhân vật tuổi trẻ là Việt và Chiến. Mỗi nhân vật này đều là hình tượng nghệ thuật hấp dẫn mà hâp dẫn lớn nhất chính là sức trẻ, là nghị lực vượt lên sự khắc nghiệt của chiến tranh.
Việt, nhân vật trung tâm của truyện, bước vào đời lính với tất cả sự trẻ trung, hồn nhiên, ngây thơ. Ngày chưa đi bộ đội, Việt còn trẻ con lắm, luôn tranh nhau phần hơn với chị từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, đi bắt ếch với chị hay cùng chị vào du kích đánh giặc, bao giờ Việt cũng tranh công lớn về mình. Chưa một lần xa nhà xa chị, đến lúc đi bộ đội. Việt gặp những cảnh vật của vùng quê khác: “những ngọn đồi, những con đất đỏ như gạch non. những vỏ trái cao su nổ lách tách dưới trời mưa mở ra hình dáng những chiếc sừng trâu nhọn và sắc, những con đường sắt có hai ngoe thôi, coi thật ngộ, chân người bước lên còn té, vậy mà xe chạy được”, “cái gì cũng lạ đối với anh”. Dấu vết trẻ thơ còn đậm trong con người Việt. Chả thế mà có lúc cách nghĩ của anh rất đơn giản. Mỗi lần nghe đồng đội gọi mình là “Cậu Tư” nghe vui, chan hoà yêu thương đồng đội nhưng Việt cố giấu tình anh em là mình có chị gái vì “sợ mất chị", cũng là cách nghĩ trẻ thơ, vừa buồn cười vừa thật đáng yêu! Nhưng kì diệu thay, chính con người mà tâm hồn còn non trẻ ấy lại vượt qua được cái khốc liệt của chiến tranh với một nghị lực phi thường. Quên hết mọi đau đđn, quên cả tính mạng chông chênh, Việt rượt đuổi chiếc xe bọc thép, “chỉ nhớ mình đang mát nhẹ như bay, giờ đây mình có một cánh tay phải ráng bám chặt vào thành xe và một tay mở cho được trái thủ pháo”. “Giặc còn thì còn chết”. Câu nói như một lời hứa thân thuộc từ một nơi nào đó rât xa dội lại. Cái xe vẫn chạy thục mạng. Giặc ném lựu đạn nổ ùng oàng đằng sau. Việt cũng không biết.
“Chiếc xe bọc thép cháy bừng lên, một ngọn lửa xanh liếm ngang ngọn cao su. Trái thủ pháo của Việt đã nổ gọn trong lòng nó”.
Chỉ bằng một vài chi tiết tiêu biểu cùng với nhịp điệu dồn dập. khẩn trương của những câu văn ngấn gọn trên đây, Nguyễn Thi đã diễn tả sinh động cái sức mạnh ngoan cường trong người lính trẻ. Phải chăng lòng căm thù giặc vốn dồn nén trong lòng Việt, theo má đi đòi đầu ba, cùng với tình yêu thương và cả sức lực của tuổi trẻ nữa đã tạo nên sức mạnh giúp Việt “Vụt lớn khôn hơn, can đảm hơn” để vượt qua ranh giới của tuổi thơ và “tạo nên những chuyện bất ngờ của tuổi trưởng thành”.
Viết về chiến tranh, nhất là con người trong chiến tranh, Nguyễn Thi không dễ dãi hời hợt, không né tránh mất mát đau thương; trái lại ông luôn cố gắng phản ánh trung thực cái hiện thực đang tồn tại với tất cả xù xì, phức tạp của nó. Miêu tả nhân vật Việt, ông tập trung khai thác cái chiến công vượt lên chính mình để tìm về đơn vị của Việt khi anh đơn độc trên chiến trường mù mịt “khói trắng của lửa đạn”, “sắt thép ngổn ngang, những tấm tăng cháy dở còn nóng hổi, những thùng đạn ngập trong đất, những đống đạn còn tanh máu...”. Ba ngày, một mình Việt phải sống trong cái không gian im lặng, bốn bề khói lửa chiến tranh là ba ngày Việt giành giật sự sống. Mà muốn có sự sống không phải chiến chuẩn bị chiến đấu với kẻ thù mà còn phải chiến đấu với tử thần, “Khắp người anh đang rỉ máu, chỗ nào đụng tới, ruồi cũng bay lên như vãi trấu... các ngón tay tê nhức, miệng tê cứng, hai mắt sưng lên…”, ấy vậy mà Việt vẫn lê từng tấc đất, hướng về phía súng nổ, nơi đó là trận đánh bởi vì “chính trận đánh đang gọi Việt đến. Phía đó là sự sống”. Thật là một nghị lực phi thường! Trong ba ngày đơn độc ấy, lúc nào Việt cũng hướng về đồng đội với một niềm tin vững chắc: đồng đội “đang đổ lên giặc Mỹ những đám lửa dẽ dội”, đồng đội đang tìm anh ở đâu đó. Không có niềm tin ấy chắc Việt không thể vượt qua nổi những cơn đau thể xác đang hành hạ anh. Tất nhiên không phải Việt không có lúc nào nghĩ đến cái chết, có điều khi nghĩa đến cái chết, cách nghĩ của anh vẫn là cách nghĩ của trẻ thơ nhiều hơn là người lớn: “Chết là gì nhỉ? Chắc là đau gấp mấy lần bị thương. Hay chết tức là người thật biến lên trên nóc nhà, còn người già thì nằm tại đó?” và vẫn là cách nghĩ nghĩa tình của con người gắn bó với đồng đội “chết mà không còn được ở chung với anh Tánh và không được đi bộ đội nữa thì buồn lắm”. Nghĩ về cái chết như vậy thì chẳng bi quan một chút nào!
Miêu tả nhân vật Việt giành giật sự sống nơi trận địa, Nguyễn Thi còn làm nổi rõ đời sống tình cảm của nhân vật này trong mối quan hệ với những người thân ở quê hương. Qua những hồi ức của Việt tưởng như rời rạc nhưng thực ra chúng liên kết với nhau rất chặt chẽ, ta hiểu thêm rất nhiều đời sống tình cảm của anh, ta cũng hiểu thêm cội nguồn tạo nên sức mạnh ở con người Việt. Mỗi lần tỉnh dậy, Việt cố quên đi nỗi đau thể xác, anh luôn luôn nghĩ đến người thân. Khi là chú Năm, con người bộc trực yêu đời có “giọng hò đã đục và tức như gà gáy mà Việt rất yêu thương; khi là chị Chiến bao giờ cũng nhường nhịn Việt và Việt nhớ má nhiều nhất. Trong hồi ức của Việt, má anh hiện lên đẹp đẽ và cũng rất đau thương. Đó là một bà má Nam tảo tần hết lòng thương yêu chăm sóc con cái gan góc can trường. Nỗi nhớ của Việt thật cụ thể, Việt nhớ từ đôi mắt mở to hai đôi bắp chân tròn vo của má “lội hết đồng này sang đồng khác”, “tìm việc nuôi chị em Việt đến câu trả lời đanh thép trước kè thù của má” “Vợ Tư Năng đấy!" Việt nhớ tới cái chết của ba, cái chết của má, nhớ tới những tội ác của kẻ thù đã gây ra cho gia đình anh. Nhớ tới người thân, Việt cảm thây đỡ cô đơn nơi chiến địa. Chính yêu thương và nghĩa tình sâu nặng cùng với sức lực của tuổi trẻ, niềm tin vào đồng đội đã tạo nên sức mạnh phi thường ở nơi anh, giúp anh vượt qua ranh giới của cái chết để trở về với đội ngũ.
Xây dựng nhân vật Việt, Nguyễn Thi tập trung miêu tả sức mạnh của tuổi trẻ ở chính nơi chiến trường, trong lúc đối mặt trực tiếp với kẻ thù, với bom đạn, với ranh giới của sự sống và cái chết. Tuy nhiên, viết về tuổi trẻ, Nguyễn Thi không dừng lại ở đó, ông còn bật mí chị không muốn em mình phải đối đầu với bom đạn, muốn giành lấy cái phần hiểm nguy về cho mình. Đấy, cái chiều sâu yêu thương tâm hồn Chiến là như vậy. Cao thượng và đẹp đẽ biết bao!
Đọc Những đứa con trong gia đình, chúng ta có thể tìm thấy nhiều nét đặc trưng phong cách nghệ thuật của Nguyễn Thi. Khắc hoạ tính cách nhân vật, ông thường sử dụng tối đa thủ pháp tương phản, ở truyện ngắn này cũng vậy. Xây dựng nhân vật Việt, Nguyễn Thi đã tạo ra nhiều sự tương phản. Có sự tương phản giữa cái hồn nhiên ngây thơ với ý thức chiến sĩ sâu sắc, giữa sự đớn đau đến tột cùng của mọi cảm giác với mọi phi thường vượt lên đớn đau, giữa cái lặng im đến ghê người với tiếng nổ của trận đánh diệt thù và đặc biệt cái dữ dội khói lửa của mặt trận với cái ấm áp nghĩa tình của gia đình, thôn xóm. Tất cả những sự tương phản này càng làm nổi rõ phẩm chất ngoan cường, đời sống nội tâm phong phú, tình cảm cao đẹp của Việt.
Viết về chiến tranh, bên cạnh việc miêu tả cái bề bộn của nó, đôi khi Nguyễn Thi xen vào trang viết của mình những bức tranh sinh hoạt thân thiện làng quê Nam bộ. Những đêm trời mưa Việt đi bắt ếch, những ngày hè có tiếng chim cu gù đâu đó, cảnh sông nước ngày mùa, dù chỉ ở dạng phác thảo củng vẫn có hồn có sắc... Chính những phác thảo này tạo nên chất trữ tình cho tác phẩm làm cho câu chuyện viết về chiến tranh bớt đi cái nặng nề. Do vậy mà liệu quả thẩm mĩ được nâng cao.
Không phải ai cũng tự nhiên mà ra trận, tự nhiên mà thành người chiến sĩ hay anh hùng. Mỗi người anh hùng đều ra trận với một nỗi đau, nỗi đau càng lớn thì sức mạnh càng cao. Sức mạnh của cuộc kháng chiến chống Mỹ này chính là sự kết lại của những nổi đau lớn, có khi vô cùng lớn. Đó là lời giải thích toát ra từ mỗi dòng chữ của Nguyễn Thi trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình.
Cái hay của Nguyễn Thi không phải là đi từ một nhận định sẵn có để rồi lấy cuộc sống, trong số phận mỗi nhân vật của mình kể lại, kể một cách hồn nhiên, một cách xúc động như chính đó là số phận của mình. Và còn điều này nữa, chắt lọc một cách thông minh, để cho mỗi chi tiết đều có vị trí xứng đáng, đầy ắp sức sống, sức tái hiện và cả sức khơi gợi liên tưởng.
(Những bài văn mẫu- Phạm Quang Vũ - Nguyễn Lê Tuyết Mai)
dapandethi.vn