Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

I. Mở bài: Giới thiệu tác giả Nguyễn Dữ, tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương

II. Thân bài: phân tích chi tiết tác phẩm

1. Nhân vật Vũ Nương

a. Vẻ đẹp phẩm chất

* Mở đầu tác phẩm, tác giả đã có lời giới thiệu bao quát về Vũ Nương “Tính đã thuỳ mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp” tạo ấn tượng về một chân dung người phụ nữ tài sắc vẹn toàn.

* Sau đó ông đi sâu miêu tả vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất của nhân vật.

- Vũ Nương là người phụ nữ thuỷ chung, son sắt:

+ Trong cuộc sống vợ chồng, biết Trương Sinh vốn có tính đa nghi, nên nàng luôn “giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa” => một người vợ hiền thục, khôn khéo, nết na đúng mực.

+ Khi chồng đi lính: Vũ Nương rót chén rượu đầy, dặn dò chồng những lời tình nghĩa, đằm thắm, thiết tha: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”.

=> Ước mong thật bình dị, lời lẽ dịu dàng, ân cần -> chứng tỏ nàng luôn coi trọng hạnh phúc gia đình mà xem thường mọi công danh phù phiếm.

+ Nàng cảm thông trước những nỗi vất vả gian lao mà chồng sẽ phải chịu đựng: “Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường. Giặc cuồng còn lẩn lút, quân triều còn gian lao, rồi thế chẻ tre chưa có, mà mùa dưa chín quá kì, khiến thiếp ôm nỗi quan hoài, mẹ già triền miên lo lắng.”.

+ Qua lời nói dịu dàng, nàng cũng bộc lộ nỗi khắc khoải nhớ chồng của mình: “Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rủ bãi hoang, lại thổn thức tâm tình, thương người đất thú! Dù có thư tín nghìn hàng, cũng sợ không có cánh hồng bay bổng”.

=> Trái tim ấy giàu lòng yêu thương, biết chịu đựng những thử thách, biết đợi chờ để yên lòng người đi xa, thật đáng trân trọng biết bao!

+ Khi xa chồng, Vũ Nương ngày ngày đợi chờ, ngóng trông đến thổn thức “Giữ trọn tấm lòng thủy chung, son sắt”, “tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liêu tường hoa chưa hề bén gót”. Nỗi nhớ thương dài theo năm tháng “Mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được”.

=> Tâm trạng cô đơn, khắc khoải, nỗi nhớ thương da diết

=> Thể hiện tâm trạng ấy, Nguyễn Dữ vừa cảm thông với nỗi đau khổ của Vũ Nương, vừa ca ngợi tấm lòng thủy chung, thương nhớ đợi chờ chồng của nàng.

+ Khi hạnh phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ: ra sức cứu vãn, hàn gắn

+ Khi sống dưới thủy cung: vẫn không nguôi nỗi thương nhớ chồng con.

- Vũ Nương còn là người con dâu hiếu thảo, một người mẹ đảm đang, yêu thương con hết mực

Trong ba năm chồng đi lính, một mình nàng nuôi dạy con thơ, phụng dưỡng mẹ chồng

Với mẹ chồng, nàng là một cô con dâu hiếu thảo:

+ Khi bà ốm nàng đã thuốc thang lễ bái thần phật và lấy những lời khôn khéo để khuyên răn để bà vơi bớt nỗi nhớ thương con.

+ Đến khi bà mất, nàng đã hết lời thương xót, ma chay tế lễ cẩn trọng hệt như với cha mẹ đẻ của mình.

+ Lời trăng trối của người mẹ trước lúc chết thể hiện sự yêu thương, trân trọng đối với con dâu: “Sau này, trời xét lòng lành, ban cho phúc đức giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ lòng con như con đã chẳng phụ mẹ".

Với con thơ, nàng hết sức yêu thương, chăm chút:

+ Chi tiết nàng chỉ bóng mình trên vách và bảo đó là cha Đản cũng xuất phát từ tấm lòng của người mẹ, để con trai mình bớt đi cảm giác thiếu vắng tình cảm của người cha.

=> Nguyễn Dữ đã dành cho nhân vật một thái độ yêu mến, trân trọng qua từng trang truyện, từ đó khắc họa thành công hình tượng người phụ nữ với đầy đủ phẩm chất tốt đẹp.

b. Số phận oan nghiệt, bất hạnh:

- Là nạn nhân của chế độ nam quyền, một xã hội mà hôn nhân không có tình yêu và tự do: Trương Sinh xin mẹ trăm lạng vàng để cưới Vũ Nương.

- Là nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa:

+ Nàng lấy Trương Sinh, cuộc sống vợ chồng hạnh phúc kéo dài chưa được bao lâu thì chàng phải đi lính để lại mình Vũ Nương với mẹ già và đứa con còn chưa ra đời.

+ Suốt ba năm, nàng phải gánh vác trọng trách gia đình thay chồng.

+ Chiến tranh đã làm xa cách, tạo điều kiện cho sự hiểu lầm nảy sinh. Đó cũng là ngòi nổ cho thói hay ghen, đa nghi của Trương Sinh nảy nở, phát triển, dẫn đến cái chết oan uổng của Vũ Nương.

- Đỉnh điểm của bi kịch là khi gia đình tan vỡ, Vũ Nương phải tìm đến cái chết:

+ Nghe lời ngây thơ của con trẻ “Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả.” Trương sinh đã nghi oan cho vợ, mắng nhiếc, đánh đuổi nàng đi bất chấp lời van xin khóc lóc của nàng và lời biện bạch của hàng xóm.

- Bế tắc, Vũ Nương đã phải tìm đến cái chết để giải nỗi oan ức, bảo toàn danh dự của mình.

- Cái kết thúc tưởng là có hậu nhưng thực chất chỉ đậm tô thêm tính chất bi kịch của cuộc đời Vũ Nương: “Vũ Nương ngồi trên chiếc kiệu hoa...lúc ẩn, lúc hiện...Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất.”

+ Có thể coi đây là một kết thúc có hậu, thể hiện niềm mơ ước của tác giả về một kết thúc tốt lành cho người lương thiện, niềm khát khao một cuộc sống công bằng nới cái thiện cái đẹp sẽ chiến thắng cái xấu, cái ác.

 + Nhưng sâu xa, cái kết thúc ấy không hề làm giảm đi tính chất bi kịch của tác phẩm. Sau giây phút trở về, nàng vẫn phải trở về chốn thủy cung, gia đình li tán. Hạnh phúc lớn nhất đời người đàn bà ấy là được sum họp bên chồng bên con nhưng cuối cùng vẫn không đạt được. Sự trở về trong thoáng chốc và lời từ biệt của nàng đã hé ra cái sự thực cay đắng là cái nhân gian đầy oan nghiệt, khổ đau này không có chốn dung thân cho người phụ nữ vì thế mà “Thiếp chẳng thể trở lại chốn nhân gian được nữa”.

=> Tuy có những phẩm chất tâm hồn đáng quý nhưng Vũ Nương đã phải chịu một số phận cay đắng, oan nghiệt. Cuộc đời của Vũ Nương chính là tiếng nói tố cáo xã hội phong kiến bất công phi lí đương thời chà đạp lên hạnh phúc của con người.

=> Xây dựng hình tượng Vũ Nương, một mặt nhà văn ngợi ca những phẩm chất tâm hồn đáng quý của người phụ nữ xưa, mặt khác thể hiện thái độ cảm thông thương xót cho số phận bất hạnh của họ và cực lực lên án xã hội phong kiến đương thời bất công, phi lí chà đạp, rẻ rúng con người đặc biệt là người phụ nữ.

2. Nhân vật Trương Sinh

- Nhân vật Trương Sinh có vai trò làm nổi bật tình huống truyện, khắc sâu hơn tấn bi kịch cuộc đời của nhân vật Vũ Nương.

- Trương Sinh được giới thiệu là con nhà nhà khá giả (hào phú) nhưng thất học, lại có tính hay đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá mức.

- Tính đa nghi, hay ghen của Trương Sinh đã gây ra tấn bi kịch cho cuộc đời Vũ Nương, ép nàng đến cái chết thương tâm: tin lời con nhỏ, Trương Sinh đã nghi là vợ hư, về nhà đã đem lời mắng nhiếc, đánh đập Vũ Nương, bỏ qua mọi lời biện minh của Vũ Nương và khuyên răn của hàng xóm => một người chồng vũ phu, tàn nhẫn, gia trưởng, ghen tuông một cách mù quáng.

- Trương Sinh còn là một kẻ vô tình bạc nghĩa:

+ Vũ Nương vốn dĩ vợ chàng, là người có công phụng dưỡng mẹ già lúc chàng đi lính.Thế nhưng, Trương Sinh đã không mảy may tưởng đến.

+ Khi Vũ Nương chết, Trương Sinh tuy giận cũng động lòng thương, tìm vớt thây nàng nhưng không thấy. Sau đó cũng không cất công tìm thêm nữa.

+ Ngay cả khi nhận ra vợ bị oạn thì sự ăn năn, hối hận của Trương Sinh cũng rất mờ nhạt.

=> Nguyễn Dữ đã rất thành công khi xây dựng nhân vật Trương Sinh. Bản chất của Trương Sinh hay cũng chính là bản chất bất công thối nát của xã hội phong kiến đương thời đã chà đạp lên số phận con người.

- Tính cách cố chấp, bảo thủ của Trương Sinh phản ánh chế độ nam quyền, trọng nam khinh nữ đã gây nên biết bao tấn bi kịch thương tâm.

3. Ý nghĩa chi tiết cái bóng

- Cái bóng là một chi tiết đặc sắc, là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo làm cho câu chuyện hấp dẫn hơn so với truyện cổ tích.

- Cái bóng là đầu mối, điểm nút của câu chuyện. Thắt nút là nó, mà mở nút cũng là nó.

- Nó góp phần thể hiện tính cách nhân vật:

+ Bé Đản ngây thơ.

+ Trương Sinh hồ đồ, đa nghi.

+ Vũ Nương yêu thương chồng con.

- Cái bóng góp phần tố cáo xã hội phong kiến xung tàn, khiến hạnh phúc của người phụ nữ hết sức mong manh.

III. Kết bài:

- Khái quát lại nội dung và giá trị nghệ thuật của văn bản  

Bài mẫu

Bài tham khảo số 1

         Nguyễn Dữ, một học trò giỏi của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thành tài, đỗ đạt, ông ra làm quan. Một năm sau, vì chán cảnh triều đình thối nát, ông đã lấy cớ phải nuôi mẹ già mà xin từ quan. Trong những ngày sống “cảnh điền viên vui tuế nguyệt", ông viết “Truyền kỳ mạn lục", một tác phẩm văn xuôi đầu tiên của văn học cổ Việt Nam gồm những truyện có những chi tiết li kì. Phần lớn ca ngợi phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam phải sống trong khuôn mẫu “tam tòng, tứ đức" của đạo đức phong kiến, mà Chuyện người con gái Nam Xương là một tác phẩm tiêu biểu.

         Truyện kể lại Vũ Thị Thiết vâng lời cha mẹ làm vợ Trương Sinh, một người nhà giàu nhưng kém học, đất nước gặp cảnh đao binh nên Trương Sinh phải ra trận. Một tuần sau, Vũ Nương sinh con đầu lòng. Một mình chị chăm lo mẹ chồng, lo tang ma khi mẹ chồng chết, nuôi dạy con và lo công việc đồng áng. Giặc tan, Trương Sinh về, nghe lời con mà nghi ngờ lòng chung thuỷ của vợ. Vũ Nương không minh oan được nên đành trầm mình. Nàng được Linh Phi ở động Rùa giúp đỡ. Sau đó, nàng gặp Phan Lang, người hàng xóm đã cứu Linh Phi ở động Rùa. Phan Lang về kể lại cho Trương Sinh nghe. Trương Sinh hối cải lập đàn cầu xin theo lời của nàng. Nàng hiện lên gặp chồng con nhưng lại quay về sống ở động Rùa vì hai người ở hai thế giới khác biệt.

         Cũng như truyện cổ, những pho truyện của Trung Hoa có ảnh hưởng nhiều đến nhà Nho đương thời (thế kỉ XVI). “Thiếu phụ Nam Xương” cũ có hai tuyến nhân vật, có những hoàn cảnh điển hình, có người giàu kẻ nghèo ở trong xã hội đang thời loạn lạc, nhiễu nhương. Nhưng dù sống trong hoàn cảnh nào thì người tốt vẫn không hề thay đổi bản chất của mình, mà Vũ Thị Thiết là nhân vật tiêu biểu. Vũ Nương nhà nghèo nhưng “tư dung tốt đẹp", thuỳ mị, nết na". Thời phong kiến, con gái "tại gia tòng phụ" để có “công, dung, ngôn, hạnh", Vũ Nương được như thế chứng tỏ nàng có sắc đẹp (dung) trời cho nhưng “thuỳ mị, nết na" thì ắt là do sự giáo dục của gia đình.

         Nàng nghèo nhưng không mất nề nếp gia phong. Trái lại “Trương Sinh tuy con nhà hào phú nhưng không có học”. Một loạt các nhân vật tốt xuất thân từ những hoàn cảnh sống khác nhau như mẹ chồng, người láng giềng Phan Lang, hoàng hậu động Rùa Linh Phi... đủ chứng tỏ giàu nghèo tuy có ảnh hưởng đến hình thức sống nhưng khó thay đổi được bản chất của họ.

         “Nam Xương tử nữ truyện" không chỉ giới thiệu những nhân vật tốt, xấu ấy mà còn thông qua họ. Nguyễn Dữ muốn đề cao sự chung thuỷ và lòng bao dung luôn được nhân vật này thể hiện trong từng lời nói đến từng sự việc. Vâng lời cha mẹ chịu lấy Trương Sinh làm chồng, nàng đã trước sau như muốn làm người con hiếu thảo. Không chỉ hiếu thảo với cha mẹ ruột. Vũ Nương còn hiếu thảo với mẹ chồng. Nàng một minh đã lo toan đỡ đần mẹ chồng lúc ốm đau, rồi mẹ chồng chết lại lo chôn cất. Người phụ nữ có con mọn như nàng mà vẫn chu toàn những công việc nặng nhọc ấy thay chồng mà không tiếng kêu than thì quả thật là hiếm có. Mẹ chết, một mình ở vậy nuôi con chờ ngày chồng trở về thì bảo nàng không chung thuỷ sao cho được?! Chồng với vợ như bóng với hình, nàng đã mượn chiếc bóng cùa mình để an ủi con, muốn đứa con nhỏ dại luôn nghĩ rằng mình cũng là đứa trẻ có cha. Khi bị Trương Sinh nghi ngờ, nàng đã bao lần hỏi rõ dù bị dằn vặt, chửi mắng, đánh đập. Nàng đã từng tâm sự với chồng: “Thiếp vốn con nhà khó, được nương tựa nhà giàu... Đâu có hư thân như lời chàng nói". Khi nhận thấy không thể nào xoá tan được mối nghi ngờ nhục nhã, hạ thấp phẩm giá một cách oan khốc, nàng đã quyết định tự trầm mình, mượn dòng nước trong rửa sạch những oan khiên. Xét cho cùng, kiên quyết báo toàn danh dự của con người cũng là lòng chung thuỷ sắt son! Lại nữa khi gặp được Phan Lang, người hàng xóm tốt bụng ở động Rùa, Vũ Nương vẫn không quên chồng khi nàng tâm sự cùng Phan Lang và nhờ Phan Lang về nói lại với Trương Sinh yêu cầu của nàng, điều đó vừa thể hiện sự chung thuỷ, vừa tỏ ra bao dung đối với Trương Sinh.

         Cả đến Phan Lang, hoàng hậu Linh Phi cũng đều là những người có lòng bao dung, chung thuỷ. Chỉ riêng có Trương Sinh là có lòng ích kỉ, hẹp hòi, tối dạ vì thuở nhỏ không lo chuyện sách đèn. Chỉ cần nghĩ đến công lao của vợ lúc chàng đang ở ngoài mặt trận, chỉ cần sống gần gũi với láng giềng, chỉ cần có lòng tin vào lòng chung thuỷ của vợ thì nghi vấn xuất phát từ lời nói của con nít “Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng..." đã được giãi bày để rồi vợ chồng lại sống trong cảnh đầm ấm, thương yêu.

         Một nội dung khác thật rõ ràng trong chuyện là ân oán phân minh. Vũ Nương là người phụ nữ, có lẽ mang đặc tính ấy trong cuộc sống. Vì lẽ đó, khi nàng không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi chồng biểu lộ ấy thì nàng tự biểu lộ. Cái chết của nàng hàm chứa ý nghĩa ấy, làm cho Trương Sinh phải nhận ra ân tình nàng đã mang đến cho chàng và nỗi oan khiên mà nàng phải chịu. Trường hợp giữa hoàng hậu Linh Phi và Phan Lang cũng vậy. Hoàng hậu đã được Phan Lang cứu nên khi Phan Lang gặp nạn khi lên thuyền ra biển tránh sự truy đuổi của quân giặc thì đã được Linh Phi hết lòng cứu chữa, lại thết tiệc đãi, tặng thêm ngọc ngà ... trước khi tiễn chân chàng trở về làng quê.

         Như thế, ngay truyện ngắn thuộc văn viết, dù là chữ Hán trong buổi sơ khai cũng đang mang hoàn cảnh điển hình, con người điển hình của đời thường vào tác phẩm; cũng có đầy đủ người giàu, kẻ nghèo, hỉ - nộ - ái - ố với kết thúc có hậu ở nội dung là ở hiền gặp lành.

         Truyện có rất nhiều chi tiết nhưng được liên kết bởi quan hệ nhân quả nên có kết cấu khá chặt chẽ. Mở đầu truyện, Nguyễn Dữ đã khéo léo giới thiệu Vũ Thị Thiết và Trương Sinh, hai nhân vật chính có hoàn cảnh, tính cách trái ngược nhau dế làm cơ sở cho việc khai thác nhân vật sau này. Tính tình, hoàn cảnh sống trái ngược nhau nhưng lại nên vợ nên chồng chỉ vì vâng lời cha mẹ. Quan hệ nhân quả thể hiện từ đầu. Từ đó, quan hệ nhân quả của hai nhân vật diễn ra một cách tự nhiên, hợp lý. Vì nước có loạn binh đao nên chàng mới ra trận. Vì chàng vào nơi gió cát nên nàng phải nặng gánh giang san nhà chồng. Vì con thơ nói đến cha nên mẹ đã mượn cái bóng của mình thay thế; cho con đỡ hổ thẹn với bạn bè. Vì nghe lời con trẻ nên Trương Sinh mới nghi ngờ vợ ... Chuỗi nguyên nhân và kết quả đầy kịch tính ấy dã dần đến đỉnh điểm là Vũ Nương quyết định trầm mình. Nếu chuyện kết thúc ở đây thì quả là bi đát, không có hậu. Có lẽ vì thế mà những chi tiết thần kỳ được thêm vào. Ấy là Phan Lang nằm mơ thấy con rùa xanh kêu cứu. Rồi Phan Lang nhớ lại và thả rùa để rồi sau đó là được rùa cứu mạng trả ân và gặp Vũ Nương ở động Rùa. Những chi tiết thần kỳ ấy ở vào thời buổi mà vua quan, thần dân đều tin vào sự hiện hữu của Trời, Thần, Quỷ, Ma... giống như trong những truyện cổ thì cũng là điều không mấy ngạc nhiên. Có những chi tiết đó, Vũ Nương mới gặp được chồng để giải mối oan khiên, nhục nhã nhất của đời làm vợ. Và dù ra đời sau ''Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn ba thế kỷ, “Nam Xương tử nữ truyện" vẫn còn những câu văn biền ngẫu cổ xưa.

         Dù có những hạn chế ấy nhưng truyện Chuyện người con gái Nam Xương không những có giá trị đạo lý, lịch sử (phản ánh sự rối ren của xã hội phong kiến) mà cũng có giá trị nghệ thuật xây dựng truyện.

         Cho tới nay, Chuyện người con gái Nam Xương vẫn còn lôi cuốn người đọc. Giữa xã hội nam nữ bình quyền thì nó là cột mốc để so sánh vai trò của người phụ nữ trong văn học xưa và nay. Giữa xã hội suy đồi về đạo đức, nhất là với nữ giới thì nội dung truyện là một bài học đạo đức truyền thống tốt.

Nguyễn Hữu Quang

dapandethi.vn

Xem thêm các bài tham khảo khác tại đây:

Bài tham khảo số 2

Bài tham khảo số 3