Đề bài Phân tích diễn biến tâm lí của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân
Dàn ý
1. Mở bài
- Giới thiệu về tác giả Tô Hoài (tiểu sử, các tác phẩm chính, phong cách nghệ thuật…)
- Giới thiệu về truyện “Vợ chồng A Phủ” (hoàn cảnh ra đời, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật)
2. Thân bài
* Cảnh ngộ của nhân vật Mị:
- Mị là con dâu gạt nợ của nhà Thống lí: cha mẹ nghèo, không trả được nợ (món nợ từ ngày cưới, lớn dần lên vì nặng lãi), Mị làm dâu gạt nợ cho cha mẹ.
- Mị chỉ biết làm những công việc mà quanh năm ngày tháng làm đi làm lại, làm không ngưng nghỉ: Con trâu con ngựa nó còn có lúc đứng gãi chân nhai cỏ chứ đàn bà nhà này thì làm không nghỉ tay.
- Mị sống trong một căn phòng chỉ có một ô vuông bằng bàn tay để nhìn ra ngoài cũng không thể biết được trời nắng hay mưa chỉ thấy mờ mờ, trăng trắng.
* Sự trỗi dậy của lòng ham sống và khát vọng hạnh phúc ở Mị:
Những yếu tố tác động đến sự hồi sinh của Mị:
- Cảnh sắc của Hồng Ngài trong những ngày xuân: "Những chiếc váy hoa đã đem phơi trên mỏm đá, xòe như bướm sặc sỡ, hoa thuốc phiện vừa nở trắng lại đổi ra màu đỏ au, đỏ thậm rồi sang màu tím man mác", "Đám trẻ đợi tết chơi quay cười ầm trên sân chơi trước nhà."
- Rượu là chất xúc tác trực tiếp để tâm hồn yêu đời, khát sống của Mị trỗi dậy. "Mị đã lấy hũ rượu uống ừng ực từng bát một". Mị vừa như uống cho hả giận vừa như uổng hận, nuốt hận. Hơi men đã dìu tâm hồn Mị theo tiếng sáo.
- Trong đoạn diễn tả tâm trạng hồi sinh của Mị, tiếng sáo có một vai trò đặc biệt quan trọng: "Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha, bồi hồi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang hỏi". "Ngày trước Mị thổi sáo giỏi... Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo", "Tai Mị vang tiếng gọi bạn đầu làng", "mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường", "Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi", "trong đầu Mị rập rờn tiếng sáo"...
* Diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân:
- Dấu hiệu đầu tiên của việc sống lại đó là Mị nhớ lại quá khứ, nhớ về hạnh phúc ngắn ngủi trong cuộc đời tuổi trẻ của mình và niềm ham sống trở lại: "Mị còn phơi phới trở lại, lòng đột nhiên vui sướng như những đêm đến ngày trước". "Mị còn trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ lắm. Mị muốn đi chơi". Mị đã ý thức được tình cảnh đau xót của mình: "Nếu có nắm lá ngón trong tay Mị sẽ ăn cho chết"...
- Từ những sôi sục trong tâm tư đã dẫn Mị tới hành động "lấy ống mỡ xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa dầu". Mị muốn thắp lên ánh sáng cho căn phòng bấy lâu chỉ là bóng tối. Mị muốn thắp lên ánh sáng cho cuộc đời tăm tối của mình.
- Hành động này đẩy tới hành động tiếp: Mị "quấn tóc lại, với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách".
- Mị đang chuẩn bị sắm sửa để đi chơi nhưng rồi bị A Sử cấm, hắn nhẫn tâm trói đứng Mị vào cột nhà, Mị vẫn đang ru mình trong đêm xuân. Tiếng ngựa ngoài kia làm cho Mị tỉn giấc, nàng đã trở lại với hiện tại đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần.
3. Kết bài
- Khái quát lại vấn đề
Bài mẫu
Bài tham khảo số 1
BÀI LÀM
Tô Hoài là một trong những nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông có vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng văn hoá khác nhau trên đất nước ta. Thành công nhất của Tô Hoài là những tác phẩm viết về hiện thực cuộc sống, con người vùng Tây Bắc. Tiêu biểu là truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Tác phẩm vừa là một bức tranh chân thực về số phận bi thảm của người dân nghèo miền núi dưới ách áp bức phong kiến và thực dân, vừa là một bài ca về sức sống và khát vọng tự do, hạnh phúc của con người. Vẻ đẹp ấy đã ngời lên thật trọn vẹn qua diễn biến tâm trạng Mị và sức sống tiềm tàng mãnh liệt của nhân vật này qua đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài.
Trước khi vào nhà thống lý Pá Tra, Mị là một cô gái trẻ đẹp. Trong tác phẩm này, nhà văn không hề dùng mỹ từ nào để tả cái đẹp của Mị, nhưng vẻ đẹp ấy vẫn hiện lên qua chi tiết: “trai đến đứng nhẵn vách đầu buồng Mị”. Mị chính là bông hoa ngát hương của núi rừng Tây Bắc. Cô có một cuộc sống tự do, hạnh phúc, vô tư giữa tháng ngày tuổi trẻ. Cô gái vùng cao ấy, mỗi khi tết đến xuân về thường làm bao kẻ si tình chết mê, chết mệt bởi tiếng sáo. Mị thổi sáo giỏi “thổi lá cũng hay như thổi sáo, có biết bao người mê ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”.
Không chỉ đẹp người, cô gái ấy còn đẹp nết. Mị giàu lòng hiếu thảo, có tình yêu lao động, yêu tự do, giàu lòng tự trọng. Tô Hoài đã đặt vào miệng Mị tất cả những phẩm chất cao quý ấy qua lời nói đầy tha thiết với cha già: “con nay đã biết cuốc nương làm ngô” (tình yêu lao động); “con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố” (lòng hiếu thảo); “bố đừng bán con cho nhà giàu” (giàu lòng tự trọng).
Khi bị bắt làm dâu nhà Pá Tra, Mị có cuộc sống thống khổ, là nạn nhân của chế độ cho vay nặng lãi, bị tước đoạt tự do, hạnh phúc cá nhân: mở đầu tác phẩm, nhà văn đã giới thiệu nhân vật một cách ấn tượng: “Ai ở xa về có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa”. Lúc nào cô ấy cũng “cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Dáng vẻ ấy của Mị gợi ra hình ảnh một con người có số phận đau khổ.
Dù cuộc sống thống khổ, trong Mị vẫn mãnh liệt một sức sống tiềm tàng và khát vọng tự do, hạnh phúc. Khát vọng ấy đã bùng cháy lên khi mùa xuân đến trên đất Hồng Ngài. Mị đã bước vào cái đêm đáng ghi nhớ ấy thoạt tiên, như một tâm hồn câm lặng cái cô Mị xưa kia trẻ đẹp, khao khát yêu đương và cũng đã được yêu đương, cô Mị ấy tưởng như đã chìm hẳn vào dĩ vãng. Chỉ còn một người đàn bà “không nói. lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, người đàn bà bị cầm tù trong một ngục thất tinh thần (hình ảnh cái buồng có một cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay, lúc nào trông ra cũng chỉ thấy mờ mờ trăng trắng). Đã bao năm rồi, người đàn bà ấy chẳng biết đến mùa xuân, chẳng đi chơi Tết.
Vậy mà vào đúng cái đêm tình mùa xuân năm ấy, Mị thốt nhiên lại muốn đi chơi, và đã sửa soạn đi chơi thực sự. Vì sao vậy? Khó có thể cho là tại đất trời. Thời tiết mùa xuân năm nào chẳng đại loại là như thế.
Lí giải sự đột biến khác thường của Mị trong đêm ấy, là một thử thách thật sự đối với Tô Hoài. Hãy xem bằng cách nào mà nhà văn vượt qua thử thách.
Với một người như Mị, muốn đi chơi nghĩa là muốn phá phách, nghĩa là nổi loạn. Cũng với một người như Mị để có thế nổi loạn, thì phải có cái gì có khả năng làm quên đi hiện tại để sống trở về những tháng năm xưa.
Cái đó là men rượu mà Tết năm ấy, Mị đã lén “uống ực từng bát”. “Rồi say Mị lịm mặt ngồi đấy, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước”... Rõ nhất là tiếng sáo. Mỗi lần tiếng sáo trớ lại truyện là mỗi lần nó được biến đổi đi từ âm thanh của hiện tại dần dần thành tiếng của những mùa xuân trước. Từ chỗ ở ngoài Mị, ở xa Mị, dần dần như tiếng ai mời gọi, hồn ai chờ đợi ngoài đường, đế cuối cúng rập rờn trong đầu người thiếu phụ. Tiếng sáo dìu hồn Mị hay là bước đi cùa hồn Mị được ghi dấu bằng tiếng sáo.. Như thế là sức sống, lòng ham sống đã thức dậy trong lòng người thiếu phụ. Nhưng sự vượt khỏi hoàn cảnh hiện tại của nhân vật không hề đơn điệu, dễ dàng.
Một thời gian dài. Mị sống trong sự giao tranh giữa quá khứ và hiện tại. Quá khứ đẩy đưa đi, hiện tại thì níu lại. (Nên lòng phơi phới mà Mị vẫn theo quán tính bước vào buồng, ngồi xuống giường, trông ra cái cửa số lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Và lòng ham sống trào dậy đầu tiên trong ý nghĩa muốn chết ngay chứ không buồn nhớ lại...).
Nhưng sức sống cứ lớn dẩn, sức ám ảnh của tuổi xuân cứ mạnh dần, cho tới khi nó dường như chiếm trọn tâm hồn Mị. Phải tới lúc đó, Mị mới hành động như một kẻ mộng du. không thấy, không nghe A Sử nói.
Rồi Mị bị A Sử trói trong trạng thái mơ hồ. Mãi về sau, Mị mới cảm thấy cái Hiện tại tàn khốc khi vùng bước đi mà tay chân không cựa được. Nhưng nếu cái mơ không đến một lần ngay tức khắc thì sự tỉnh ra cũng vậy Lại một giai đoạn chập chờn nữa giữa hơi rượu, tiếng sáo với cái đau nhức của dây trói và tiếng chân ngựa đạp vào vách. Nhưng bây giờ thì theo chiều ngược lại, tỉnh dần ra, đau đớn dần lên, tê dại dần đi để dần dần trở lại với vị trí của con rùa lùi lũi trong xó cửa.
Một làn sóng tình cảm đã tan đi, không làm thay đổi mảy may đời Mị. Những cái gì Tô Hoài đã viết về đêm hôm ấy vẫn đầy ý nghĩa. Nó cho thấy sức sống của con người dù bị giẫm đạp, đè nén đến đâu cũng vẫn không bị mất đi. Ý nghĩa ấy khiến ta thêm tin, thêm yêu mến con người. Thứ hai chế độ phong kiến là chế độ buộc trói, giam hãm chống lại con người và sư sống. Chế độ ấy đáng căm thù, lên án cả từ phía nhân danh quyền sống của con người. Một tình tiết nghệ thuật giàu chất nhân đạo và chất thơ.
Xem bài văn tham khảo khác tại đây
dapandethi.vn