Đề bài
Câu 1 (3,0 điểm)
a) Em hãy cho biết: Thế nào là chất dẫn điện, chất cách điện? Cho 2 ví dụ minh họa cho mỗi trường hợp trên.
b) Em hãy kể tên bốn dụng cụ hay thiết bị điện sử dụng nguồn điện là pin.
Câu 2 (2,0 điểm)
a) Em hãy nêu tên các tác dụng của dòng điện?
b) Em hãy chứng tỏ tác dụng sinh lí của dòng điện đối với con người vừa có lợi, vừa có hại.
Câu 3 (4,0 điểm)
a) Em hãy nêu kí hiệu và đơn vị của cường độ dòng điện?
b) Em hãy cho biết: Giữa cường độ dòng điện và độ sáng của bóng đèn có mối liên hệ như thế nào?
c) Em hãy đổi đơn vị cho các giá trị sau đây:
15A = ………….mA
1200mA = ………….A
2,5V = ………….mV
3500mV = ………….V
Câu 4 (1,0 điểm)
Em hãy giải thích tại sao vào những ngày thời tiết khô ráo, lau chùi gương soi bằng khăn bông khô thì vẫn thấy có bụi bám vào chúng?
Lời giải chi tiết
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Thực hiện: Ban chuyên môn dapandethi.vn
Câu 1:
Phương pháp:
Sử dụng lý thuyết chất dẫn điện và chất cách điện dòng điện trong kim loại.
Cách giải:
a)
- Chất dẫn điện là chất cho dòng điện đi qua.
Ví dụ:bạc, vàng, đồng, sắt, …
- Chất cách điện là chất không cho dòng điện đi qua.
Ví dụ: cao su, thủy tinh, nhựa, …
b)
Bốn dụng cụ hay thiết bị điện sử dụng nguồn điện là pin là:
- Đèn pin
- Điều khiển tivi
- Đồng hồ treo tường
- Điện thoại di động
Câu 2:
Phương pháp:
Sử dụng lý thuyết về các tác dụng của dòng điện.
Cách giải:
a)
Các tác dụng của dòng điện là:
- Tác dụng nhiệt
- Tác dụng phát sáng
- Tác dụng từ
- Tác dụng hóa học
- Tác dụng sinh lí
b)
- Có lợi: Trong y học người ta ứng dụng tác dụng sinh lý của dòng điện để làm máy kích tim, châm cứu.
- Có hại: Nếu dòng điện mạnh đi qua cơ thể con người có thể làm các cơ co giật, tim ngừng đập, làm ngạt thở, thần kinh tê liệt, gây nguy hiểm đến tính mạng.
=> Tác dụng sinh lí của dòng điện đối với con người vừa có lợi, vừa có hại.
Câu 3:
Phương pháp:
Sử dụng lý thuyết cường độ dòng điện.
Vận dụng cách đổi đơn vị:
1A = 1000mA
1V = 1000mV
Cách giải:
a)
Cường độ dòng điện có:
+ Kí hiệu: I
+ Đơn vị: Ampe (A)
b)
Dòng điện càng mạnh thì cường độ dòng điện càng lớn. Do đó, khi cường độ dòng điện càng lớn thì bóng đèn càng sáng và ngược lại. Giữa chúng có mối liên hệ tỉ lệ thuận với nhau.
c)
15A = 15.1000 = 15000mA
1200mA = 1,2A
2,5V = 2,5.1000 = 2500mV
3500mV = 3,5V
Câu 4:
Phương pháp:
Sử dụng lý thuyết về sự nhiễm điện do cọ xát.
Cách giải:
Vào những ngày thời tiết khô ráo, lau chùi gương soi bằng khăn bông khô thì vẫn thấy có bụi bám vào chúng là do khi lau chùi đã gây nên sự cọ xát làm cho gương nhiễm điện. Vì thế chúng hút các hạt bụi vải lại nên ta thấy có bụi vải bám vào gương.
dapandethi.vn