Đề bài
I. TRẮC NGHIỆM (4 điểm)
Câu 1: Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp được tiến hành ở Việt Nam trong khoảng thời gian nào?
A. 1895 - 1918.
B. 1896 - 1914.
C. 1897 - 1914.
D. 1898 - 1918.
Câu 2: Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 - 1914) được thực dân Pháp được tiến hành ở Việt Nam trong bối cảnh như thế nào?
A. Căn bản hoàn thành công cuộc bình định quân sự.
B. Pháp đang gặp khó khăn trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.
C. Các phong trào đấu tranh chống Pháp giành nhiều thắng lợi.
D. Pháp thiệt hại nặng nề sau chiến tranh Pháp - Phổ.
Câu 3: Ai là người đứng đầu Liên bang Đông Dương?
A. Toàn quyền người Pháp.
B. Khâm sứ người Pháp.
C. Thống sứ người Pháp.
D. Thống đốc người Pháp.
Câu 4: Theo sự phân chia của người Pháp, xứ Bắc Kì theo chế độ cai trị nào?
A. Nửa bảo hộ.
B. Bảo hộ.
C. Thuộc địa.
D. Tự trị.
Câu 5. Một trong những mục đích của thực dân Pháp khi tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Đông Dương là gì?
A. Tận dụng nguồn lao động dồi dào.
B. Bóc lột để làm giàu cho chính quốc.
C. Hạn chế sự chống đối với chính quyền nhà Nguyễn.
D. Bù đắp thiệt hại từ cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất.
Câu 6. Tại sao Pháp hoàn thành xâm lược Việt Nam vào năm 1884 nhưng phải đến năm 1897 mới bắt đầu tiến hành khai thác thuộc địa?
A. Còn gặp nhiều khó khăn ở trong nước.
B. Chưa tìm ra nhiều tiềm năng để khai thác.
C. Chưa cơ bản bình định được Việt Nam.
D. Bận rộn với chiến tranh thế giới thứ nhất.
Câu 7. Xã hội Việt Nam trước cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất bao gồm những giai cấp cơ bản nào?
A. Địa chủ phong kiến và nông dân.
B. Tư sản dân tộc và tiểu tư sản.
C. Địa chủ phong kiến và tiểu tư sản.
D. Công nhân và nông dân.
Câu 8. Tại sao giai cấp công nhân lại có tinh thần đấu tranh chống Pháp và chống chủ tư bản Pháp?
A. Phong trào đập phá máy móc có nhiều kết quả.
B. Bị thực dân phong kiến và tư sản bóc lột.
C. Tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản.
D. Ảnh hưởng từ cuộc đấu tranh của công nhân.
Câu 9. Thực dân Pháp mở rộng hệ thống giáo dục ở Việt Nam nhằm mục đích gì chính nhất?
A. Phục vụ nhu cầu học tập của con em quan chức và đào tạo công chức bản xứ.
B. Giúp khai hóa văn minh cho nhân dân Việt Nam.
C. Truyền bá văn hóa Pháp vào Việt Nam.
D. Tạo lực lượng lao động có trình độ cao.
Câu 10. Các nhà yêu nước Việt Nam đầu thế kỉ XX lại muốn noi theo con đường cứu nước của Nhật Bản không xuất phát từ lí do nào sau đây?
A. Nhật “đồng văn, đồng chủng” với Việt Nam.
B. Nhật trở thành nước tư bản hùng mạnh sau Duy tân Minh Trị.
C. Ảnh hưởng của thuyết Đại Đông Á.
D. Nhật thắng lợi trong chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905).
II. TỰ LUẬN (6 điểm)
Câu 1: (3 điểm) Nêu chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp trong các ngành nông nghiệp và công nghiệp?
Câu 2: (3 điểm) Dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa, các giai cấp địa chủ phong kiến và nông dân có những thay đổi như thế nào?
Lời giải chi tiết
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. TRẮC NGHIỆM
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
C |
A |
A |
A |
B |
C |
A |
B |
A |
C |
Câu 1:
Phương pháp: Dựa vào thời gian diễn ra cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất để trả lời.
Cách giải:
Sau khi cơ bản hoàn thành quá trình bình định về quân sự. từ năm 1897 đến 1914 thực dân Pháp đã bắt tay vào khai thác Việt Nam với quy mô lớn- chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất.
Chọn: C
Câu 2:
Phương pháp: Dựa vào thời điểm tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 – 1914) để trả lời.
Cách giải:
Từ năm 1897-1914, thực dân Pháp đã bắt tay vào cuộc khai thác thuộc địa quy mô lớn ở Việt Nam sau khi đã căn bản hoàn thành công cuộc bình định quân sự (Cũng có nghĩa sau khi đàn áp xong phong trào Cần Vương).
Chọn: A
Câu 3:
Phương pháp: Dựa vào tổ chức bộ máy nhà nước của Pháp (1897 – 1914) để trả lời.
Cách giải:
Thực dân Pháp thành lập Liên bang Đông Dương gồm Việt Nam, Campuchia và Lào, đứng đầu là viên toàn quyền người Pháp.
Chọn: A
Câu 4:
Phương pháp: Dựa vào tổ chức bộ máy nhà nước của thực dân Pháp để trả lời.
Cách giải:
Việt Nam bị chia làm 3 xứ với 3 chế độ cai trị khác nhau:
- Bắc Kì là xứ nửa bảo hộ
- Trung Kì theo chế độ bảo hộ
- Nam Kì theo chế độ thuộc địa
Chọn: A
Câu 5.
Phương pháp: sgk trang 137, suy luận.
Cách giải:
Thực dân Pháp khi tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Đông Dương nhằm mục tiêu bù đắp những thiệt hại của Pháp trong quá trình xâm lược vũ trang và bình định quân sự; bóc lột thuộc địa để làm giàu cho chính quốc, đồng thời cũng để khuếch trương công lao khai hóa của thực dân Pháp ở thuộc địa.
Chọn: B
Câu 6.
Phương pháp: sgk trang 137, suy luận.
Cách giải:
- Với Hiệp ước Hácmăng (1883) và Patơnốt (1884), thực dân Pháp đã hoàn thành cơ bản việc xâm lược Việt Nam.
- Tuy nhiên, phong trào đấu tranh của nhân dân vẫn diễn ra mạnh mẽ trên khắp đất nước, đặc biệt là phpng trào Cần Vương và khởi nghĩa nông dân Yên Thế. Pháp tiếp tục quá trình bình đình và cơ bản hoàn thành sau khi đàn áp xong phong trào Cần Vương (1896). Chính vì thế, đến năm 1897 Pháp mới tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất.
Chọn: C
Câu 7.
Phương pháp: sgk trang 140, suy luận.
Cách giải:
- Trước khai thác thuộc địa lần 1, xã hội Việt Nam có hai giai cấp cơ bản là địa chủ phong kiến và nông dân.
- Trong khai thác thuộc địa lần 1, xã hội Việt Nam xuất hiện thêm:
+ Giai cấp mới: công nhân.
+ Tầng lớp mới: tư sản và tiểu tư sản.
Chọn: A
Câu 8.
Phương pháp: sgk trang 142, suy luận.
Cách giải:
Công nhân và giai đình họ bị thực dân thực dân phong kiến và tư sản bóc lột nên sớm có tinh thần đấu tranh mạnh mẽ chống bọn địa chủ, đòi cải thiện điều kiện làm việc và sinh hoạt (tăng lương, giảm giờ làm).
Chọn: B
Câu 9.
Phương pháp: sgk trang 139, suy luận.
Cách giải:
Do nhu cầu học tập của con em các quan chức thực dân và cũng để tạo ra một lớp người bản xứ phục vụ công việc cai trị, chính quyền Pháp ở Đông Dương bắt đầu mở trường học mới cùng một số cơ sở văn hóa, y tế.
Chọn: A
Câu 10.
Phương pháp: sgk trang 140, suy luận.
Cách giải:
Nhật Bản là nước “đồng văn, đồng chủng” với Việt Nam. Hơn nữa, sau cuộc cải cách Minh Trị, Nhật Bản là nước duy nhất không bị biến thành thuộc địa và đã trở thành một nước tư bản hùng mạnh, đánh thắng đế quốc Nga năm 1905. Chính vì thế, các nhà yêu nước Việt Nam đầu thế kỉ XX muốn lấy Nhật Bản làm tấm gương để học tập.
=> Đáp án C: là âm mưu của Nhật Bản mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Nó được đề ra ở giai đoạn sau.
Chọn: C
II. TỰ LUẬN
Câu 1:
Phương pháp: sgk trang 138.
Cách giải:
- Trong nông nghiệp:
+ Pháp đẩy mạnh việc cướp đoạt ruộng đất, lập các đồn điền.
+ Bóc lột theo kiểu phát canh thu tô.
- Trong công nghiệp:
+ Pháp tập trung khai thác than và kim loại.
+ Ngoài ra, Pháp đầu tư vào một số ngành khác như xi măng, điện, chế biến gỗ, xay xát gạo, giấy, diêm,...
- Giao thông vận tải: Thực dân Pháp xây dựng hệ thống giao thông vận tải đường bộ, đường sắt để tăng cường bóc lột kinh tế và phục vụ mục đích quân sự.
Câu 2:
Phương pháp: sgk trang 140.
Cách giải:
* Địa chủ phong kiến:
- Một bộ phận địa chủ phong kiến đầu hàng làm tay sai, cấu kết với đế quốc để áp bức, bóc lột nhân dân, số lượng ngày càng tăng thêm.
- Địa vị kinh tế được tăng cường, nắm trong tay nhiều ruộng đất, nắm chính quyền ở các địa phương.
- Một số địa chủ vừa và nhỏ có tinh thần yêu nước.
* Nông dân:
- Chiếm số lượng đông đảo, cuộc sống của người nông dân cực khổ trăm bề.
+ Bị tước đoạt ruộng đất, phải gánh chịu nhiều thứ thuế và khoản phụ thu khác.
+ Những người nông dân bị phá sản, có người ở lại nông thôn làm tá điền, một số phải bỏ làng quê đi làm phu cho các đồn điền hoặc ra thành thị kiếm sống,…
- Có tinh thần yêu nước, hăng hái tham gia cuộc đấu tranh chống đế quốc, phong kiến.
dapandethi.vn