Đề bài

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM (6 điểm)

Câu 1. Những thành tựu chủ yếu của Mĩ trong lĩnh vực sáng chế công cụ sản xuất mới sau Chiến tranh thế giới thứ hai bao gồm

A. máy tính, máy tự động, hệ thống máy tự động.

B. thực hiện cuộc “Cách mạng xanh” trong nông nghiệp.

C. sản xuất được những vũ khí hiện đại.

D. chinh phục vũ trụ, đưa người lên Mặt Trăng.

Câu 2. Những thành tựu khoa học - kĩ thuật đạt được sau chiến tranh thế giới thứ hai của Mĩ có tác động như thế nào đến đời sống nhân dân?

A. Xóa tan hố ngăn cách giàu nghèo giữa các tầng lớp nhân dân.

B. Hỗ trợ Mĩ thực hiện thành công “Chiến lược toàn cầu

C. Đời sống vật chất, tinh thần có sự thay đổi nhanh chóng.

D. Giúp Mĩ vươn lên đứng đầu thế giới về khoa học – công nghệ.

Câu 3. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, hai đảng nào thay nhau cầm quyền ở nước Mĩ?

A. Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội.

B. Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.

C. Đảng Xã hội và Đảng Cộng hòa.

D. Đảng Cộng hòa và Đảng Quốc xã.

Câu 4. Chính sách đối ngoại chủ yếu của Mĩ sau Chiến tranh thế giới thứ hai là

A. đàn áp phong trào giải phóng dân tộc thế giới.

B. khống chế, chi phối các nước tư bản đồng minh

C. ngăn chặn tiến tới xóa bỏ CNXH trên thế giới.

D. triển khai “chiến lược toàn cầu”.

Câu 5. Mục tiêu nào dưới đây không nằm trong chiến lược toàn cầu của Mĩ?

A. Ngăn chặn và tiến tới xóa bỏ chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

B. Đàn áp phong trào cách mạng thế giới .

C. Khống chế, chi phối các nước tư bản đồng minh phụ thuộc vào Mĩ.

D. Giúp đỡ các nước Đồng minh phát triển về kinh tế.

Câu 6. Nguyên nhân nào không đưa đến sự suy yếu của kinh tế Mỹ từ những năm 70 của thế kỉ XX?

A. Sự vươn lên cạnh tranh mạnh mẽ của Nhật Bản và Tây Âu.

B. Kinh tế Mỹ không ổn định do vấp phải nhiều cuộc suy thoái, khủng hoảng.

C. Do theo đuổi tham vọng bá chủ thế giới.

D. Tác động của chủ nghĩa khủng bố

II. PHẦN TỰ LUẬN (4 điểm)

Nêu những nguyên nhân làm cho địa vị kinh tế của Mĩ bị suy giảm tương đối từ thập niên 60 của thế kỉ XX?

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM

1

2

3

4

5

6

A

C

B

D

D

D

Câu 1.

Phương pháp: sgk trang 34.

Cách giải:

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ đạt được nhiều thành tựu trong khoa học - kĩ thuật. Trong đó, trong lĩnh vực sáng chế công cụ sản xuất mới, Mĩ đã sáng tạo ra máy tính, máy tự động và hệ thống máy tự động.

Chọn: A

Câu 2.

Phương pháp: sgk trang 34.

Cách giải:

Những thành tựu khoa học – kĩ thuật Mĩ đạt được sau chiến tranh thế giới thứ hai đã có tác động tích cực đến kinh tế, xã hội. Trong đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Do năng suất lao động tăng, giúp nhân dân ổn định cuộc sống và các chính sách xã hội vì thế được tăng cường.

Chọn: C

Câu 3.

Phương pháp: sgk trang 35.

Cách giải:

Cũng như trước đây, sau chiến tranh thế giới thứ hai, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoa thay nhau cầm quyền ở Mĩ.

Chọn: B

Câu 4.

Phương pháp: sgk trang 35.

Cách giải:

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, với tiền lực kinh tế quân sự - kinh tế to lớn, giới cầm quyền Mĩ đã đề ra “chiến lược toàn cầu” nhằm bá chủ thế giới.

Chọn: D

Câu 5.

Phương pháp: sgk trang 35, loại trừ.

Cách giải:

Mục tiêu của Mĩ khi thực hiện “Chiến lược toàn cầu” sau chiến tranh thế giới thứ hai bao gồm:

- Ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới xóa bỏ chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

- Đàn áo, đẩy lùi phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân, cộng sản tiến bộ trên thế giới.

- Lôi kéo các nước tư bản Đồng minh phụ thuộc vào Mĩ.

=> Đáp án D: xét cụ thể đối với các nước Tây Âu, Mĩ thực hiện “Kế hoạch Mácsan” (Kế hoạch phục hưng châu Âu) nhằm giúp các nước khôi phục kinh tế sau chiến tranh nhưng thực chất là để lôi kéo các nước này vào trận tuyến chống Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa.

Chọn: D

Câu 6.

Phương pháp: sgk trang 34, suy luận.

Cách giải:

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu của kinh tế Mỹ từ những năm 70 của thế kỉ XX như: nền kinh tế vấp phải các cuộc suy thoái, khủng hoảng, sự vươn lên cạnh tranh gay gắt của Nhật Bản và Tây Âu cùng với đó là sự tiêu tốn ngân sách khi đeo đuổi tham vọng bá chủ thế giới.

Chọn: D

II. PHẦN TỰ LUẬN

Phương pháp: sgk trang 34, suy luận.

Cách giải:

Những nguyên nhân làm cho địa vị kinh tế của Mĩ bị suy giảm tương đối từ thập niên 60 của thế kỉ XX:

- Sau khi khôi phục kinh tế các nước Tây Âu và Nhật bản vươn lên mạnh mẽ và trở thành những trung tâm kinh tế ngày càng cạnh tranh gay gắt với Mĩ .

- Kinh tế Mĩ không ổn định do vấp phải nhiều cuộc suy thoái khủng hoảng .

- Do theo đuổi tham vọng bá chủ thế giới, Mĩ đã phải chi khoản tiền khổng lồ cho chạy đua vũ trang, sản xuất các thứ vũ khí hiện dại rất tốn kém, thiết lập  hàng nghìn căn cứ quân sự và nhất là tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược.

- Sự giàu nghèo quá chênh lệch giữa các tầng lớp trong xã hội, nhất là ở các nhóm cư dân - tầng lớp lao động bậc thấp, là nguồn gốc gây nên sự  không ổn  định về kinh tế và xã hội của nước Mĩ.

dapandethi.vn