Đề bài
Câu 1: Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp ở Việt Nam đã làm xuất hiện những lực lượng xã hội mới nào?
A. Địa chủ phong kiến, tư sản, công nhân.
B. Công nhân, nông dân, tư sản.
C. Công nhân, tư sản, tiểu tư sản.
D. Địa chủ phong kiến, công nhân dân.
Câu 2: Sự kiện nào đánh dấu Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) lan rộng ra toàn thế giới?
A. Nhật Bản tấn công Trân Châu cảng.
B. Đức tấn công Ba Lan, buộc Anh và Pháp phải tuyên chiến với Đức.
C. Mĩ tuyên chiến với Nhật sau đó là Đức, Italia.
D. Phát xít Đức tấn công Liên Xô.
Câu 3: Sự kiện nào trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) được coi là thời cơ của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam?
A. 15/8/1945 Nhật Bản đầu hàng không điều kiện.
B. Mĩ ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản (6/8/1945 và 9/8/1945).
C. 5/1943 quét sạch quân Đức –Ita-li-a ra khỏi lục địa châu Phi.
D. 9/5/1945 Đức kí văn bản đầu hàng vô điều kiện.
Câu 4: Qua công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, phương thức sản xuất nào từng bước du nhập vào Việt Nam?
A. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
B. Phương thức sản xuất phong kiến.
C. Phương thức sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp.
D. Phương thức sản xuất thực dân.
Câu 5: Nguyên nhân cơ bản nhất khiến Pháp chú ý đến việc xây dựng hệ thống giao thông ở Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất là?
A. Thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, thống nhất thị trường.
B. Thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa các vùng.
C. Phục vụ công cuộc khai thác và mục đích quân sự.
D. Phục vụ việc phát triển công nghiệp của Pháp ở Việt Nam.
Câu 6: Trước cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, xã hội Việt Nam có 2 giai cấp cơ bản nào?
A. Địa chủ phong kiến và nông dân.
B. Địa chủ phong kiến và công nhân.
C. Địa chủ phong kiến và tư sản.
D. Công nhân, nông dân.
Câu 7: Dưới tác động của chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất, tầng lớp nào có quan hệ gắn bó mật thiết với nông dân Việt Nam?
A. Tư sản.
B. Công nhân.
C. Tiểu tư sản.
D. Địa chủ phong kiến.
Câu 8: Khi tiến hành chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất Pháp cử ai sang làm Toàn quyền Đông Dương?
A. Gác-ni-e.
B. Pôn-Đu-me.
C. An-be Xa-rô.
D. Cuốc-xy.
Câu 9: Ý nào dưới đây không phải là nguyên nhân làm bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945)?
A. Chính sách nhượng bộ của Anh, Pháp sự trung lập của Mĩ.
B. Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc về vấn đề thuộc địa.
C. Thế giới hình thành hai khối quân sự đối đầu nhau, chạy đua vũ trang.
D. Hậu quả của khủng hoảng kinh tế thế giới làm chủ nghĩa phát xít ra đời, đẩy mạnh xâm lược.
Câu 10: Đặc điểm cơ bản của nông nghiệp Việt Nam giữa thế kỉ XIX trước khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam là:
A. Tổ chức lễ cày tịch điền, khuyến khích sản xuất.
B. Nhà nước quan tâm đến đê điều.
C. Chú ý bảo vệ sức kéo cho nông nghiệp.
D. Đất đai khai khẩn tập trung trong tay cường hào, địa chủ.
Lời giải chi tiết
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
1. C |
2. C |
3. A |
4. A |
5. C |
6. A |
7. B |
8. B |
9. C |
10. D |
Câu 1.
Phương pháp: sgk trang 138-139, suy luận.
Cách giải:
Lực lượng xã hội bao gồm cả giai cấp và tầng lớp. Lực lượng xã hội mới xuất hiện trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp ở Việt Nam (1897-1914) bao gồm:
- Giai cấp: công nhân.
- Tầng lớp: tư sản và tiểu tư sản.
Chọn: C
Câu 2.
Phương pháp: sgk trang 95.
Cách giải:
Ngày 7-12-1941, quân Nhật bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng – căn cứ hải quân chủ yếu của Mĩ ở Thái Bình Dương. Hạm đội Mĩ bị thiệt hại nặng nề. Mĩ tuyên chiến với Nhật Bản và sau đó là Đức và Italia -> Chiến tranh thế giới thứ hai lan rộng ra toàn thế giới.
Chọn: C
Câu 3.
Phương pháp: Phân tích, liên hệ.
Cách giải:
Sự kiện Nhật đầu hàng quân Đồng minh (15-8-1945), kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai cũng có tác động đến Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu kẻ thù duy nhất của Việt Nam đã ngã gục, tạo thời cơ khách quan thuận lợi – thời cơ “ngàn năm có một” cho Việt Nam tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Chọn: A
Câu 4.
Phương pháp: sgk trang 138.
Cách giải:
Với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa từng bước du nhập vào Việt Nam.
Chọn: A
Câu 5.
Phương pháp: sgk trang 137, suy luận.
Cách giải:
Trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, chính quyền thuộc địa chú ý đến việc xây dựng hệ thống giao thông, vừa phục vụ cho công cuộc khai thác lâu dài, vừa phục vụ mục đích quân sự.
Chọn: C
Câu 6.
Phương pháp: sgk trang 138-139, suy luận.
Cách giải:
Trước cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, xã hội Việt Nam có hai giai cấp cơ bản là: địa chủ phong kiến và nông dân.
Chọn: A
Câu 7.
Phương pháp: sgk trang 138-139, suy luận.
Cách giải:
Dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất -> nông dân mất đất phải tìm ra thành phố kiếm việc làm trong các hầm mỏ đồn diền -> họ trở thành công nhân.
-> Công nhân có nguồn gốc từ nông dân -> có mối quan hệ mật thiết với nông dân.
Chọn: B
Câu 8.
Phương pháp: sgk trang 137.
Cách giải:
Năm 1897, Chính phủ Pháp cử Pôn Đu-me sang làm Toàn quyền Đông Dương để hoàn thiện bộ máy cai trị và tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất.
Chọn: B
Câu 9.
Phương pháp: Phân tích, đánh giá.
Cách giải:
Nguyên nhân làm bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945)
- Nguyên nhân sâu xa:
+ Tác động của quy luật phát triển không đều về kinh tế và chính trị giữa các nước tư bản trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, so sánh lực lượng trong thế giới tư bản thay đổi căn bản (Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc về vấn đề thuộc địa)
+ Việc tổ chức và phân chia thế giới theo hệ thống Véc-xai - Oa-sinh-tơn không còn phù hợp nữa.
+ Chính sách nhượng bộ của Anh, Pháp sự trung lập của Mĩ -> chính quyền phát xít lợi dụng tình hình gây chiến tranh xâm lược.
-> Đưa đến một cuộc chiến tranh mới để phân chia lại thế giới.
- Nguyên nhân trực tiếp: cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1932 làm những mâu thuẫn trên thêm sâu sắc dẫn tới việc lên cầm quyền của chủ nghĩa phát xít với ý đồ gây chiến tranh để phân chia lại thế giới.
Chọn: C
Chú ý:
Đáp án C: hai khối quân sự đối đầu NATO – Vacsava hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Câu 10.
Phương pháp: Phân tích, liên hệ.
Cách giải:
- Trước khi thực dân Pháp xâm lược, tình trạng chiếm ruộng đất ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, mặc dù nhà nước có tổ chức những cuộc khẩn hoang khá quy mô nhưng ruộng đất cuối cùng cũng rơi vào tay địa chủ, cường hào.
- Khi thực dân Pháp xâm lược, chúng đã chiếm ruộng đất của nhân dân để lập đồn điền trồng cao su, cũng cấp nguyên liệu cho sự phát triển của công nghiệp Pháp.
Chọn: D
dapandethi.vn