Cảm nhận của anh/ chị về vẻ đẹp độc đáo của hai đoạn văn sau:
Hùng vĩ của Sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ đúng lúc ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện.
Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy. Quãng này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra.
(Người lái đò sông Đà – Nguyễn Tuân)
Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lí giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở.
(Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng phủ Ngọc Tường)
Dàn ý
1. Giới thiệu về các tác giả, tác phẩm:
- Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn của văn học Việt Nam. Ông suốt đời tìm kiếm và khẳng định những giá trị nhân văn cao quý, với những nét phong cách nổi bật, tài hoa, uyên bác, hiện đại mà cổ điển. Tùy bút “Người lái đò sông Đà” là một trong những tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Tuân, được in trong tập “Sông Đà” (1960)
- “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là một tùy bút đặc sắc, thể hiện phong cách tài hoa, uyên bác, giàu chất thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
- Giới thiệu hai đoạn văn.
2. Phân tích vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của hai đoạn văn:
a. Đoạn văn trích từ bài “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân:
* Nội dung:
- Cảnh bờ sông dựng vách thành:
+ Cảnh bờ sông dựng đứng như vách thành được miêu tả rất ấn tượng: “những cảnh đá bờ sông dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ đúng lúc ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu, “Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia” ⟶ Sông Đà chảy trôi giữa những bờ vách đá dựng đứng. Nguyễn Tuân đã dùng những liên tưởng, so sánh khác nhau để đặc tả một khúc sông hẹp với những bờ váh đá cao vút, vừa sâu tối, vừa lạnh.
+ Nhà văn còn miêu tả sông Đà bằng các giác quan cả bên ngoài và bên trong làm cho người đọc thấy rõ cái hiểm của sông Đà.
- Cảnh ghềnh đá đáng sợ:
+ “…dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy” ⟶ kiểu cấu trúc câu trùng điệp đã mở ra cảnh mặt ghềnh với đá, với sóng, với gió. Cách ngắt nhịp ngắn diễn tả sự vận động, sự va đập và cả sự hoang sơ, dữ dội của thiên nhiên.
+ Nghệ thuật nhân hóa cùng với các từ láy: “cuồn cuộn”, “gùn ghè”…diễn tả nhịp điệu gấp gáp, hối hả của đá xô sóng, sóng xô gió. Những câu văn này đã gợi cảnh hãi hùng của nước, của đá, của sóng trước mắt người đọc.
+ Cách nói “đòi nợ xuýt” độc đáo, làm cho người đọc hình dung rõ những nguy hiểm, những tai họa bất ngờ mà sông Đà có thể gây ra cho con người.
* Nghệ thuật:
Nghệ thuật độc đáo với ngôn từ mới lạ, phép trùng điệp, so sánh, nhân hóa, liên tưởng tưởng tượng,...
b. Đoạn văn trích từ bài Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường:
* Nội dung:
- Vẻ đẹp mạnh mẽ, hoang sơ:
+ “rầm rộ”, “mãnh liệt”, “cuộn xoáy” ⟶ miêu tả cụ thể dòng chảy mang giai điệu, tiết tấu vừa hùng tráng, vừa dữ dội. Nguoif đọc thấy được vẻ đẹp của âm sắc trên dòng sông.
+ So sánh “nó đã là một bản trường ca của rừng già”, “cuộc xoáy như cơn lốc” ⟶ làm nổi bật sự mạnh mẽ, hoang sơ của dòng sông ở thượng nguồn là một dòng gian truân, không kém phần kì lạ, bí ẩn.
+ Nghệ thuật nhân hóa kết hợp với so sánh: “sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại” ⟶ dòng sông hiện lên như một sinh thể có hồn, như một cô gái mạnh mẽ, đầy cá tính.
+ Những câu văn có vẻ như giải thích: “Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng” ⟶ Tô đậm vẻ đẹp sống động của sông Hương, vẻ đẹp chứa đựng sự bí ẩn, hoang sơ.
- Vẻ đẹp dịu dàng, say đắm:
+ Lời văn như khẳng định: “cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng” ⟶ những từ ngữ gợi tả tạo nên một không gian rực rỡ sắc màu. Giữa không gian ấy là dòng sông dịu dàng, say đắm và tràn ngập sức sống.
+ Sông Hương nhanh chóng mang một sắc thái dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của vùng văn hóa xứ sở
* Nghệ thuật:
- Nhà văn có sự quan sát tinh tế, trí tưởng tượng phong phú, sử dụng nghệ thuật độc đáo trong việc sáng tạo hình ảnh, câu văn dài mà khúc chiết, nhịp nhàng, nhiều biện pháp tu từ hợp lí, gợi lên những liên tưởng kì thú, hấp dẫn.
c. Điểm tương đồng và khác biệt:
- Sự tương đồng: làm sống dậy vẻ đẹp hùng vĩ ở khúc thượng nguồn của dòng sông; tình cảm mãnh liệt với thiên nhiên, quê hương xứ sở của tác giả; văn xuôi đậm chất trữ tình, giàu hình ảnh, nhạc điệu.
- Sự khác biệt:
+ Đoạn văn của Nguyễn Tuân như khúc hùng ca trận mạc: sự dữ dội của dòng sông ở mức khủng khiếp; hình tượng vừa là kết quả của sự trải nghiệm, vừa tưởng tượng bay bổng; lời văn giàu chất văn xuôi, “xương xẩu”, “gồ ghề”.
+ Đoạn văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường là khúc hùng ca – tình ca cuộc sống: dòng sông có vẻ đẹp phóng khoáng, man dại và trữ tình; hình tượng nghệ thuật có sự tích hợp vốn văn hóa sâu rộng; lời văn giàu chất thơ, mềm mại, hướng nội.
Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.
3. Đánh giá:
- Chỉ qua hai đoạn văn ngắn ta có thể cảm nhận được tình yêu quê hương, đất nước sâu đậm của hai nhà văn, từ đó thêm yêu, thêm tự hào về cảnh sắc thiên nhiên quê hương mình.
- Trân trọng, ngưỡng mộ ngòi bút tài hoa của hai tác giả
Bài mẫu
Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn của văn học Việt Nam. Ông suốt đời tìm kiếm và khẳng định những giá trị nhân văn cao quý, với những nét phong cách nổi bật, tài hoa, uyên bác, hiện đại mà cổ điển. Tùy bút “Người lái đò sông Đà” là một trong những tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Tuân, được in trong tập “Sông Đà” (1960). “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là một tùy bút đặc sắc, thể hiện phong cách tài hoa, uyên bác, giàu chất thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hai đoạn trích dưới trên là hai đoạn trích đặc sắc, thể hiển nét tài hoa, nghệ sĩ của hai nhà văn.
Tùy bút “Người lái đò Sông Đà” là kết quả viên mãn của chuyến đi thực tế ở vùng Tây Bắc để tìm “chất vàng mười” của thiên nhiên và con người. Nguyễn Tuân được coi là một định nghĩa sống về “người nghệ sĩ” trong “cái râu cái tóc ông chẳng giống ai” đến ý thức trách nhiệm với nghề, ý thức sáng tạo. Và một sự độc đáo đã đi tìm cái độc đáo. Đó là Nguyễn Tuân với tập bút kí “Sông Đà”. Ông đến với sông Đà như một người bạn tương đắc. Sự dữ đã dội, mãnh liệt và thơ mộng tuyệt vời của nó thu hút ông hết sức mạnh mẽ. Ngòi bút của ông như nở hoa. Ông đã được thỏa chí tung hoành trong mội trường của chính mình.
Toàn bộ đoạn văn đã dựng lên bức tranh hùng vĩ, tráng lệ về Đà giang. Đó là vẻ đẹp nơi vách đá bờ sông với “vách thành”. “Vách thành” chứ không phải là “thành vách” bởi “vách thành” mới chính là vách đá kiên cố, đồ sộ, uy nghiêm, chứa đầy kỉ bí mật của thành cao hào sâu. Lê Đạt từng chia sẻ: “Tôi tôn trọng những nhà văn sinh sự với văn chương để tạo ra sự sinh của ngôn ngữ”. Nguyễn Tuân chính là người như thế. Ở vách thành ấy, đúng ngọ mới có mặt trời, giữa mùa hè mà cũng thấy lạnh. Lạnh bởi khi đá sắc như dao, hay vì dưới chân toàn là nước, hơi nước bị cầm tù ngàn năm dưới núi đá mà sinh âm u? Câu thơ tạo nên cảm giác gai ghê, ớn lạnh như đang lạc vào một trận đồ át quái của sông nước Đà giang khúc thượng nguồn. “Đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện” càng tô thêm cảm giác lạnh lẽo, tối tăm như chưa có hơi ấm của sự sống.
Vẻ đẹp hùng vĩ sông Đà còn được tô lên bằng ghềnh thác sông Đà. Câu văn “Dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy.” với nhịp nhanh, sử dụng một loạt những động từ mạnh và điệp từ gợi lên sự dữ dội đến hung bạo của con sông. Lũ cuồng quân đang gọi nhau ca khúc cuồng ca còn sông Đà như người phù thủy điều khiển lũ âm binh để làm khó người đi qua đó.
Và cuối cùng là vẻ đẹp hùng vĩ qua hình ảnh của những chiếc hút nước. Hình dạng của chúng rất đa dạng từ giếng bê tông, hay cửa cống cái; âm thaanh: “kêu như cống cái bị sặc”, tưởng như có một thủy quân tham lam đang nuốt trọn con mồi quá khổ. Sức hủy diệt của nó làm cho những bè gỗ khỏng lồ, con thuyền lanh lợi dễ dàng trở thành miếng mồi ngon của nó, huống chi là con người.
Nguyễn Tuân bao giờ cũng thế: sống hết mình với những gì được ông mô tả. Sự vật có được hiện lên với đầy đủ đặc tính, “khí chất” của nó thì văn mới lên hết chất “Nguyễn” và ngược lại, văn càng lên chất “Nguyễn” thì sự vật càng nổi hình, nổi nét, cựa quậy, xôn xao. Người nghệ sĩ ấy luôn quan niệm rằng: “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật bình thường” (Thạch Lam) nên ông luôn nhìn sự vật hiện tượng dưới góc độ văn hóa thẩm mĩ, nhìn con người dưới góc độ tài hoa nghệ sĩ. Đặc biệt, ông không ưa những màu nhàn nhạt, không thích cái đẹp lưng chừng. Tất cả đối tượng của Nguyễn Tuân đều là những tính cách phi thường, phong cảnh tuyệt mĩ. Đã hùng vĩ phải đến kì vĩ, hung bạo phải đến tuyệt đỉnh. Tất cả được thể hiện qua ngòi bút tài hoa, uyên bác và vốn từ vựng phong phú, cách sử dụng và sáng tạo ngôn ngữ bậc thầy của Nguyễn Tuân. Chính vì thế ông đã lựa chọn thể loại tùy bút. Lối văn tùy bút phóng túng, miên man, bất tận với nhiều so sánh độc đáo, táo bạo, đầy chủ quan nhưng lại hết sức có lí. Cảm thức ngôn ngữ của Nguyễn Tuân cực kì nhạy bén khi liên tiếp sử dụng những từ chỉ thời gian như: “đã thấy, rồi lại, thế rồi…” cùng những so sánh tuyệt đối chính xác để truyền tới tâm trạng chờ đợi phấn khích, căng thẳng và cảm giác mạnh mẽ trước một không gian đột ngột mở òa ra rất hùng tráng. Với độc giả, khi chưa đọc hết đoạn văn, khi chưa “thấy” hết những gì sẽ tuần tự hiện lên với những con chữ, họ đã được nhà văn tạo trước cho một cảm giác toàn khối hết sức gần gũi hiện thực. Điều cốt lõi của tính tạo hình trong văn Nguyễn Tuân chính là chỗ đó.
Với sự hiểu biết sâu sắc về Huế, về thuỷ trình của sông Hương kết hợp văn phong khoa học, chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều – Hoàng Phủ Ngọc Tường quả thực đã mang đến những xúc cảm nồng nàn về Hương giang – dòng sông của thơ ca. Tất cả những giá trị đặc sắc ấy đã được nhà văn tập trung sâu sắc qua đoạn trích trên.
Mở đầu đoạn trích tác giả khẳng định: “trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến hình như chỉ Sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất”. Trong lời mở đầu nồng nàn ấy, tác giả đã đặt vị trí của sông Hương ngang bằng với những “dòng sông đẹp” của thế giới – nhưng trên hết tác giả khẳng định rằng “chỉ Sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất”. Lời khẳng định ấy cũng chính là niềm tự hào của tác giả về dòng sông quê hương – dòng sông thi ca đất mẹ.
Đằng sau lời khẳng định ấy, tác giả đã nhân cách hóa, sử dụng bút pháp miêu tả kết hợp nhiều động từ mạnh làm nổi bật vẻ đẹp của sông Hương ở đại ngàn. Sông Hương ở thượng nguồn có mối quan hệ sâu sắc với dãy Trường Sơn. Bằng vốn am hiểu địa lý, cấu trúc lãnh thổ cũng như am hiểu địa hình, tác giả đã làm hiện lên thật sống động hình ảnh của sông Hương ở rừng già. Trong cái nhìn của nhà văn, Sông Hương hiện lên như một “cô gái Di Gan phóng khoáng và man dại”. Dòng chảy ấy được tác giả so sánh ví von như một điệu múa của cô gái Di Gan, một vũ khúc giữa rừng già: “một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại, ngàn mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Ths Phan Danh Hiếu- Câu văn kéo dài được ngăn cách bởi những dấu phẩy tạo thành kiểu câu phức trùng điệp. Sông Hương qua những câu văn ấy thật đẹp. Hai nét tính cách hùng vĩ và thơ mộng đan cài dệt nên chất thơ, chất hùng của dòng sông mang tên một người con gái. Chỉ mấy lời văn mà tác giả đã huy động một loạt tính từ, động từ, phép so sánh, nhân cách hóa… làm dòng sông trở nên sinh động, có hồn cốt: tác giả gọi Sông Hương là “bản trường ca”, “rầm rộ”, “mãnh liệt”, “cuộn xoáy”, “bí ẩn”… nhưng đằng sau nét dữ dội hùng vĩ ấy chính là một sông Hương thơ mộng trữ tình với mái tóc thướt tha, kiều diễm, bung nở “giữa những dặm dài” và “cài lên màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng” làm náo nức lòng người.
Qua hai đoạn trích trên, Nguyễn Tuân và Hoàng phủ Ngọc Tường làm sống dậy vẻ đẹp hùng vĩ ở khúc thượng nguồn của hai dòng sông trên trang văn của mình. Hai tác giả thể hiện tình cảm mãnh liệt với thiên nhiên, quê hương xứ sở của bằng giọng văn xuôi đậm chất trữ tình, giàu hình ảnh, nhạc điệu. Tuy nhiên, mỗi dòng sông cũng mang những nét đẹp riêng biệt. Đoạn văn của Nguyễn Tuân như khúc hùng ca trận mạc: sự dữ dội của dòng sông ở mức khủng khiếp; hình tượng vừa là kết quả của sự trải nghiệm, vừa tưởng tượng bay bổng; lời văn giàu chất văn xuôi, “xương xẩu”, “gồ ghề”. Đoạn văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường là khúc hùng ca – tình ca cuộc sống: dòng sông có vẻ đẹp phóng khoáng, man dại và trữ tình; hình tượng nghệ thuật có sự tích hợp vốn văn hóa sâu rộng; lời văn giàu chất thơ, mềm mại, hướng nội.
Cùng đổ ra biển lớn, cùng hòa nước vào đại dương mênh mông nhưng chắc chắn người đọc sẽ không thể nào quên những hành trình riêng mà sông Đà, sông Hương đã chảy trong thế giới văn học. Chính những điểm gặp gỡ ấy càng làm nổi bật nét riêng độc đáo của mỗi hình tượng, mỗi nhà văn; nét độc đáo làm nên sức sống và linh hồn cho tác phẩm.
dapandethi.vn