Câu 1
Nghĩa của các từ được in đậm trong đoạn thơ sau là nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?
Răng của chiếc cào
Làm sai nhai được?
Mũi thuyền rẽ nước
Thì ngửi cái gì?
Cái ấm không nghe
Sao tai lại mọc?
(Quang Huy)
Phương pháp giải:
- Răng (nghĩa gốc): Phần xương cứng, màu trắng, mọc trên hàm, dùng để cắn, giữ và nhai thức ăn
- Mũi (nghĩa gốc): Bộ phận nhô lên ở mặt người hoặc động vật có xương sống, dùng để thở và ngửi
- Tai (nghĩa gốc): Bộ phận ở hai bên đầu người và động vật, dùng để nghe
Lời giải chi tiết:
Các từ in đậm trong đoạn thơ là nghĩa chuyển, bởi vì:
- Răng của chiếc cào tuy đều mọc thành hàng, rắn chắc giống những chiếc răng nhưng chúng không dùng để nhai như răng của người hay động vật.
- Mũi của chiếc thuyền tuy đều có hình dạng nhô ra như chiếc mũi nhưng chúng không thể ngửi được như mũi của người hay động vật.
- Tai của chiếc ấm tuy giống tai người và động vật ở chỗ đều mọc và chìa ra hai bên nhưng chúng không thể nghe được như tai người và động vật.
Câu 2
Các từ chỉ bộ phận cơ thể người và động vật thường là từ nhiều nghĩa. Hãy tìm một số ví dụ về sự chuyển nghĩa của những từ sau: lưỡi, miệng, cổ, tay, lưng
Phương pháp giải:
- Từ miệng nghĩa gốc chỉ bộ phận có dạng hình tròn của con người hoặc động vật, dùng để đưa thức ăn dẫn vào cơ thể bên trong.
- Từ lưỡi nghĩa gốc chỉ bộ phận của người hoặc động vật có dạng thon nhọn dùng để nếm mùi vị.
- Từ cổ nghĩa gốc chỉ bộ phận của người hoặc động vật có dạng thon dài, nằm giữa đầu với thân thể.
- Từ tay nghĩa gốc chỉ bộ phận của người hoặc động vật, dùng để cầm, nắm,…
- Từ lưng nghĩa gốc chỉ bộ phận của người hoặc động vật nằm ở phần giữa cơ thể.
Lời giải chi tiết:
- Miệng hố được che đậy rất kĩ càng, đây chính là cái bẫy để bắt thú dữ.
(Từ miệng được dùng với nghĩa chuyển, chỉ một sự vật có đặc điểm (hình tròn) giống như cái miệng của người hoặc động vật. )
- Lưỡi dao này rất sắc, cẩn thận kẻo bị đứt tay.
(Từ lưỡi được dùng với nghĩa chuyển, chỉ một vật có dạng nhọn giống lưỡi của người và động vật)
- Hoạ tiết trên cổ chai rượu thật đẹp.
(Từ cổ được dùng với nghĩa chuyển, chỉ một bộ phận của chai rượu cũng có dạng thon dài như cổ người và động vật, nối miệng chai với thân chai)
- Mới leo tới lưng đèo anh ấy đã muốn bỏ cuộc vì quá mệt.
(Từ lưng được dùng với nghĩa chuyển, chỉ phần giữa của một sự vật)
Câu 3
Viết các ví dụ mà em và các bạn vừa tìm được vào vở
Phương pháp giải:
Em chủ động hoàn thành bài tập.
Lời giải chi tiết:
Có thể viết một số ví dụ như sau:
- Miệng hố được che đậy rất kĩ càng, đây chính là cái bẫy để bắt thú dữ.
- Môi vừa chạm vào miệng chén, anh ta đã vội dừng lại vì phát hiện ra bên trong chén toàn là rượu nặng.
- Lưỡi dao này rất sắc, cẩn thận kẻo bị đứt tay.
- Mặt trăng cong cong hình lưỡi liềm.
- Hoạ tiết trên cổ chai rượu thật đẹp.
- Chiếc đồng hồ được đeo ở cổ tay anh ấy là thiết kế mới ra đầu năm nay.
- Mới leo tới lưng đèo anh ấy đã muốn bỏ cuộc vì quá mệt.
- Anh ấy mới ăn được lưng bát cơm đã đứng dậy.
Câu 4
a) Nghe thầy cô đọc và viết vào vở:
Dòng kinh quê hương
Cũng như mọi màu xanh trên khắp đất nước, màu xanh của dòng kinh quê hương gợi lên những điều quen thuộc… Vẫn như có một giọng hò đang ngân lên trong không gian có mùi quả chín, một mái xuồng vừa cập bến có tiếng trẻ reo mừng, và sau lưng tôi, tiếng giã bàng vừa ngưng lại thì một giọng đưa em bỗng cất lên… Dễ thương làm sao giọng đưa em lảnh lót của miền Nam vút lên đưa trẻ thơ và giấc ngủ, đưa con người vào niềm vui.
(Theo Nguyễn Thi)
- Kinh (tiếng Nam Bộ): kênh
- Bàng (tiếng Nam Bộ): cói, loại cỏ cao và thẳng, thân ba cạnh, mọc ở vùng nước lợ, dùng để dệt chiếu, làm đệm,…
b) Đổi bài với bạn để sửa lỗi
Câu 5
Tìm một vần điền được vào cả 3 chỗ trống dưới đây:
Chăn trâu đốt lửa trên đồng
Ra rơm thì ít, gió đông thì nh….`
Mải mê đuổi một con d…`
Củ khoai nướng để cả ch….` thành tro.
(Theo Đồng Đức Bốn)
Phương pháp giải:
Em làm theo yêu cầu bài tập.
Lời giải chi tiết:
Chăn trâu đốt lửa trên đồng
Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro
(Theo Đồng Đức Bốn)
Câu 6
Tìm tiếng có chứa ia hoặc iê thích hợp với mỗi chỗ trống trong các thành ngữ dưới đây:
a) Đông như …..
b) Gan như cóc …….
c) Ngọt như …… lùi
d) ……. ngọt sẻ bùi
e) Mặt lạnh như …….
g) Bốn …….. một nhà
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập
Lời giải chi tiết:
a) Đông như kiến
b) Gan như cóc tía
c) Ngọt như mía lùi
d) Chia ngọt sẻ bùi
e) Mặt lạnh như tiền
g) Bốn biển một nhà
dapandethi.vn