Câu 1
Tìm lời dẫn trực tiếp trong đoạn văn sau:
Ba cậu bé rủ nhau vào rừng. Vì mải chơi nên các cậu về khá muộn. Ba cậu bàn nhau xem nên nói thế nào để bố mẹ khỏi mắng. Cậu bé thứ nhất định nói dối là bị chó sói đuổi.
Cậu thứ hai bảo:
- Còn tớ, tớ sẽ nói là đang đi thì gặp ông ngoại.
- Theo tớ, tốt nhất chúng mình nhận lỗi với bố mẹ. - Cậu thứ ba bàn.
(Tiếng Việt 2 - 1988)
Dựa vào dấu gạch ngang và từ xưng hô để nhận ra lời nói trực tiếp của cậu bé thứ hai và cậu bé thứ ba.
Lời giải chi tiết:
- Lời dẫn trực tiếp là:
+ Còn tớ, tớ sẽ nói là đang đi thì gặp ông ngoại.
+ Theo tớ, tốt nhất là chúng mình nhận lỗi với bố mẹ.
Câu 2
Tìm lời dẫn gián tiếp trong đoạn văn sau:
Vua nhìn thấy những miếng trầu têm rất khéo bèn hỏi bà hàng nước xem trầu đó ai têm. Bà lão bảo chính tay bà têm. Vua gặng hỏi mãi, bà lão đÀnh nói thật là con gái bà têm.
(Truyện Tấm Cám)
Lời giải chi tiết:
Lời dẫn gián tiếp trong đoạn văn trên là:
- Vua hỏi bà hàng nước trầu đó ai têm
- Bà bảo chính tay bà têm
- Là con gái bà tê
Câu 3
Chuyển lời dẫn gián tiếp trong đoạn văn trên thành lời dẫn trực tiếp
Lời giải chi tiết:
Vua nhìn thấy những miếng trầu têm rất khéo bèn hỏi bà hàng nước:
- Cụ có thể cho ta biết ai là người đã têm những miếng trầu này?
Bà lão đáp:
- Thưa bệ hạ, chính lão là người đã têm những miếng trầu này ạ.
Nghe bà lão nói vậy, nhà vua vẫn chưa tin và cố gặng hỏi mãi. Biết không thể giấu được, bà lão lúng túng và trả lời:
- Xin bệ hạ tha lỗi, quả thực trầu này là do con gái của lão têm đấy ạ.
Câu 4
Chuyển lời dẫn trực tiếp trong đoạn văn sau thành lời dẫn gián tiếp:
Bác thợ hỏi Hòe:
- Cháu có thích làm thợ xây không?
Hòe đáp:
- Cháu thích lắm!
(Tiếng Việt 2 - 1988)
(- Có thể kể lại đoạn văn bằng lời của ai?
+ Nếu kể bằng lời của Hòe, cần dùng từ xưng hô nào thay cho từ cháu? Hãy kể bằng lời của Hòe.
+ Nếu kể bằng lời bác thợ, cần dùng từ xưng hô nào thay cho từ bác thợ? Hãy kể bằng lời bác thợ.)
Lời giải chi tiết:
- Có thể kể lại đoạn văn bằng lời của người kể chuyện, Hòe hoặc bác thợ.
+ Nếu kể bằng lời của Hòe, cần phải dùng từ xưng hô là em, mình, tôi:
Một hôm, bác thợ hỏi tôi có thích làm thợ xây không. Tôi liền trả lời luôn và không cần nghĩ ngợi là tôi rất thích.
+ Nếu kể bằng lời của bác thợ, cần phải dùng từ xưng hô là tôi:
Tôi hỏi Hòe có thích làm thợ xây không. Nó đáp rằng nó rất thích.
Câu 5
Chuẩn bị kể một câu chuyện về lòng nhân hậu.
Các em nhỏ và cụ già
Mặt trời đã lùi dần về chân núi phía tây. Đàn sếu đang sải cánh trên cao. Sau một cuộc dạo chơi, đám trẻ ra về. Tiếng nói cười ríu rít.
Bỗng các em dừng lại khi nhìn thấy một cụ già đang ngồi ở vệ cỏ ven đường. Trông cụ thật mệt mỏi, cặp mắt lộ rõ vẻ u sầu.
- Chuyện gì xảy ra với ông cụ thế nhỉ ? –Một em trai hỏi.
Đám trẻ tiếp lời, bàn tán sôi nổi :
- Chắc là cụ bị ốm ?
- Hay là cụ đánh mất cái gì ?
- Chúng mình thử hỏi xem đi !
Các em tới chỗ ông cụ, lễ phép hỏi :
- Thưa cụ, chúng cháu có thể giúp gì cụ không ạ ?
Cụ già thở nặng nhọc, nhưng đôi mắt ánh lên những tia ấm áp.
- Cảm ơn các cháu. Nhưng các cháu không giúp ông được đâu.
Cụ ngừng lại, rồi nghẹn ngào nói tiếp :
- Ông đang rất buồn. Bà lão nhà ông nằm viện mấy tháng nay rồi. Bà ốm nặng lắm, khó mà qua khỏi. Ông ngồi đây chờ xe buýt để đến bệnh viện. Ông cảm ơn lòng tốt của các cháu. Dẫu các cháu không giúp gì được, nhưng ông cũng thấy lòng nhẹ hơn.
Đám trẻ lặng đi. Các em nhìn cụ già đầy thương cảm.
Một lát sau, xe buýt đến. giúp ông cụ lên xe rồi, các em còn đứng nhìn theo xe mãi mới ra về.
Theo Xu-khôm-lin-xki
(Tiếng Việt 3, 1995)
Câu 6
Kể một câu chuyện mà em đã được nghe, được đọc về lòng nhân hậu.
Lời giải chi tiết:
Em đã từng được ông nội kể cho nghe câu chuyện về lòng nhân hậu mang tên Cách chia hai đồng bạc cho ba đứa trẻ. Câu chuyện như sau:
Chú bé Lula sinh ra trong một gia đình nông dân ở Brazil. Nhà nghèo, nên từ lúc mới 4 tuổi, cậu đã phải đi bán đậu phộng ngoài đường, nhưng vẫn quần áo tả tơi, và thiếu ăn. Lên tiểu học, thường hay cùng với hai người bạn cùng lứa đi đánh giầy ở đầu đường, hôm nào không có khách, thì coi như nhịn đói.
Năm 12 tuổi, vào buổi xế chiều, một vị khách là chủ tiệm giặt là đến chiếu cố, ba đứa trẻ chạy lại chào hàng. Ông chủ tiệm nhìn ba cặp mắt van xin khẩn khoản đó, không biết quyết định chọn ai. Cuối cùng ông ta nói: “Đứa nào cần tiền nhất, thì tôi cho nó đánh giầy, và sẽ trả công 2 đồng”.
Công đánh một đôi giầy chỉ có 20 xu, 2 đồng đúng là món tiền rất lớn. Ba cặp mắt đều sáng lên. Một đứa nhỏ nói:
- Từ sáng đến giờ cháu chưa được ăn gì cả, nếu không kiếm được tiền hôm nay, cháu sẽ chết đói!
Đứa khác nói:
- Nhà cháu đã hết thức ăn từ 3 ngày nay, mẹ cháu lại đang ốm, cháu phải mua thức ăn cho cả nhà tối nay, nếu không thì lại bị ăn đòn.
Lula nhìn 2 đồng bạc trong tay ông chủ tiệm, nghĩ ngợi một lúc, rồi nói:
- Nếu cháu kiếm được 2 đồng này, thì cháu sẽ chia cho hai bạn ấy mỗi bạn 1 đồng.
Câu nói của Lula làm ông chủ tiệm và 2 bạn kia rất ngạc nhiên. Cậu giải thích thêm: “Đó là hai người bạn thân nhất của cháu, đã nhịn đói một ngày rồi, còn cháu thì hồi trưa có ăn được ít đậu phộng, nên có sức đánh giầy hơn. Ông cứ để cháu đánh đi, chắc chắn ông sẽ hài lòng.”
Cảm động trước câu nói của thằng bé, ông chủ tiệm đã trả cho nó 2 đồng bạc, sau khi nó đã đánh bóng đôi giầy. Và cậu nhỏ Lula giữ đúng lời, đã đưa ngay cho hai người bạn mỗi đứa 1 đồng.
Vài ngày sau, ông chủ tiệm đã tìm đến Lula, nhận chú bé cứ sau buổi tan học là đến học nghề ở tiệm giặt nhuộm của ông ta, và bao cả bữa cơm tối. Tiền lương lúc học nghề tuy rất thấp, nhưng so với đánh giầy thì khá hơn rất nhiều.
Thằng bé hiểu rằng chính vì mình đã đưa tay giúp đỡ những người khốn đốn, nên mới đem đến cho mình cơ hội làm thay đổi cuộc đời.
Từ đó, miễn là có khả năng, chú bé Lula không ngần ngại giúp đỡ những người sống khốn khổ hơn mình. Sau này cậu nghỉ học đi làm thợ trong một nhà máy, để bênh vực cho quyền lợi của những người thợ và lập ra đảng Lao động.
Năm 2002, khi ứng cử tổng thống, khẩu hiệu của Lula là: ba bữa cơm no cho tất cả những người trong quốc gia này. Và đắc cử làm tổng thống xứ Brazil. Nước Brazil dưới sự lãnh đạo của ông đã không còn là "con khủng long nhai cỏ" mà đã trở nên "con mãnh xứ châu Mỹ". Và trở nên nền kinh tế đứng thứ 10 trên thế giới.
Câu 7
Trao đổi về ý nghĩa câu chuyện đã được kể ở hoạt động 5.
Lời giải chi tiết:
Ý nghĩa truyện Các em nhỏ và cụ già: Sự quan tâm, chia sẻ sẽ giúp cho mọi người cảm thấy những lo lắng, buồn phiền như dịu bớt đi, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
dapandethi.vn