Câu 1
Nhận xét về cách tả các bộ phận của cây.
Dưới đây là hai đoạn văn tả lá, thân và gốc một số loài cây. Theo em, cách tả của tác giả trong mỗi đoạn có gì đáng chú ý?
a) Tả lá cây:
Lá bàng
Có những cây mùa nào cũng đẹp như cây bàng. Mùa xuân, lá bàng mới nảy trong như những ngọn lửa xanh. Sang hè, lá lên thật dày, ánh sáng xuyên qua chỉ còn là màu ngọc bích. Khi lá bàng ngả sang màu lục, ấy là mùa thu. Sang đến những ngày cuối đông, mùa của lá rụng, nó lại có vẻ đẹp riêng. Những lá bàng mùa đông đỏ như đồng ấy, tôi có thể nhìn cả ngày không chán. Năm nào tôi cũng chọn lấy mấy lá thật đẹp về phủ một lớp dầu mỏng, bày lên bàn viết. Bạn có biết nó gợi lên chất liệu gì không? Chất sơn mài.
(Đoàn Giỏi)
- Tác giả tả sự thay đổi màu sắc hay kích cỡ của lá bàng?
- Tác giả tả sự thay đổi của lá bàng theo trình tự nào (từng năm hay từng mùa trong năm)?
Viết vào vở nhận xét của em: Điều đáng chú ý trong cách tả lá bàng của nhà văn Đoàn Giỏi: …
b) Tả thân cây và gốc cây:
Cây sồi già
Bên vệ đường, sừng sững một cây sồi. Đó là một cây sồi lớn, hai người ôm không xuể, có những cành có lẽ đã gãy từ lâu, vỏ cây nứt nẻ đầy vết sẹo. Với những cánh tay to xù xì không cân đối, với những ngón tay quều quào xòe rộng, nó như một con quái vật già nua cau có và khinh khỉnh đứng giữa đám bạch dương tươi cười.
Bấy giờ đã đầu tháng sáu. Mới sau có một tháng, cây sồi già đã thay đổi hẳn, tỏa rộng thành vòm lá xum xuê xanh tốt thẫm màu, đang say sưa ngây ngất, khẽ đung đưa trong nắng chiều. Không còn thấy những ngón tay co quắp, những vết sẹo và vẻ ngờ vực, buồn rầu trước kia. Xuyên qua lớp vỏ cứng già hàng thế kỉ, những khóm lá non xanh tươi đã đâm thẳng ra ngoài. Thật khó lòng tin được chính cây sồi già cằn cỗi kia đã sinh ra chùm lá non xanh mơn mởn ấy.
(Theo Lép Tôn-xtôi)
- Tác giả tả sự thay đổi của cây sồi theo trình tự nào (từng năm hay từng mùa trong năm)?
- Hình ảnh so sánh, nhân hóa nào được sử dụng làm cho hình ảnh cây sồi già hiện lên rất sinh động.
Viết vào vở nhận xét của em: Điều đáng chú ý trong cách tả cây sồi của Lép Tôn-xtôi: …
Lời giải chi tiết:
a)
- Tác giả tả sự thay đổi màu sắc của lá bàng.
- Tác giả tả sự thay đổi của lá bàng theo trình tự từng mùa trong năm.
=> Điều đáng chú ý trong cách tả lá bàng của nhà văn Đoàn Giỏi: Tác giả đã tả chi tiết và sinh động sự thay đổi màu sắc của lá bàng theo 4 mùa xuân, hạ, thu, đông.
b)
- Tác giả tả sự thay đổi của cây sồi theo trình tự từng mùa trong năm.
- Hình ảnh so sánh, nhân hóa được sử dụng làm cho hình ảnh cây sồi già hiện lên sinh động là:
+ Hình ảnh so sánh: nó như một con quái vật.
+ Hình ảnh nhân hóa: những cánh tay to xù xì, những ngón tay quều quào, già nua cau có và khinh khỉnh, đang say sưa ngây ngất, không còn những ngón tay co quắp, những vết sẹo và vẻ ngờ vực, buồn rầu, cây sồi già cằn cỗi đã sinh ra chùm lá non.
=> Điều đáng chú ý trong cách tả cây sồi của Lép Tôn-xtôi: Tác giả tả cây sồi già thay đổi theo thời gian. Từ xấu xí, khinh khỉnh, cây sồi đã sinh ra chùm lá non mơn mởn trên chiếc thân già cằn cỗi. Với nghệ thuật so sánh và nhân hóa, tác giả cho ta chiêm ngưỡng được bước thời gian đã đi qua thân cây sồi già.
Câu 2
Viết một đoạn văn tả lá, thân hoặc gốc của cái cây mà em yêu thích.
Phương pháp giải:
- Lựa chọn bộ phận cây muốn miêu tả.
- Quan sát, lựa chọn những chi tiết tiêu biểu.
- Viết thành đoạn văn có mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn.
Lời giải chi tiết:
Phượng vĩ là loài cây em yêu nhất. Bởi vậy, cây phượng vĩ ở góc sân trường đã gắn bó thân thiết với em. Phượng vĩ đẹp nhất trong em không chỉ là hoa hay lá, mà phượng còn đẹp ở cái dáng nghiêng nghiêng chiều lượn, chiều quằn. Thân cây to, tỏa nhiều cành. Dưới gốc, một vòng tay em ôm thân cây không xuể. Thời gian đã khoác lên cây chiếc áo nâu sần sùi, sờn bạc. Thế nhưng bên trong lớp áo ấy là dòng nhựa mát lành luôn vận chuyển chất màu. Nhờ dòng nhựa ấy mà cây quanh năm xanh tốt. Và có lẽ vẻ đẹp của cây hội tụ lại ở những chùm hoa đỏ thắm trên cành.
dapandethi.vn