Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Chuẩn bị kể chuyện đã nghe, đã đọc

- Quan sát các bức tranh sau và trả lời câu hỏi:

- Mỗi bức tranh gợi cho bạn nhớ đến những câu chuyện nào?

- Bạn đã đọc truyện nào trong các câu chuyện trên? Bạn còn đọc câu chuyện nào ngoài các câu chuyện trên?

Lời giải chi tiết:

- Mỗi bức tranh gợi nhớ đến những câu chuyện:

+ Tranh 1: Chú lính chì dũng cảm

+ Tranh 2: Chú Đất Nung

+ Tranh 3: Dế Mèn phiêu lưu kí

+ Tranh 4: Tôm càng và Cá con

+ Tranh 5: Võ sĩ Bọ Ngựa

+ Tranh 6: Búp bê của ai?

- Tất cả những câu chuyện trên, em đều đã được đọc và được nghe. Ngoài ra, em còn đọc thêm một số truyện khác như: Cây khế, Thạch Sanh, Sọ Dừa, Cậu bé thông minh,... 

Câu 2

Luyện tập kể chuyện đã nghe, đã đọc.

Mỗi bạn lần lượt kể một câu chuyện mà mình đã đọc hoặc đã nghe có nhân vật là đồ chơi của trẻ em hay con vật gần gũi với trẻ em. Nêu ý nghĩa câu chuyện?

Phương pháp giải:

Một số câu chuyện tham khảo: Chú lính chì dũng cảm, Võ sĩ bọ ngựa, Chú đất nung,...

Lời giải chi tiết:

Rùa và thỏ

     Trời mùa thu mát mẻ. Trên bờ sông một con Rùa đang cố sức tập chạy. Một con Thỏ trông thấy, mỉa mai Rùa:

     - Đồ chậm như sên. Mày mà cũng đòi tập chạy à?

     - Anh đừng giễu tôi. Anh với tôi thử chạy thi coi ai hơn?

     Thỏ vểnh tai lên tự đắc:

     - Được, được! Mày dám chạy thi với ta sao? Ta chấp mày một nửa đường đó!

     Rùa không nói gì. Nó biết mình chậm chạp, nên cố sức chạy thật nhanh. Thỏ nhìn theo, mỉm cười.

     Nó nghĩ: ta chưa cần chạy vội, đợi Rùa gần tới đích, ta phóng cũng vừa. Nó nhởn nhơ trên đường, nhìn trời, nhìn mây. Thỉnh thoảng, nó lại nhấm nháp vài ngọn cỏ non, có vẻ khoan khoái lắm.

     Bỗng nó nghĩ đến cuộc thi, ngẩng đầu lên thì thấy Rùa chạy gần tới đích. Nó cắm cổ chạy miết nhưng không kịp nữa. Rùa đã tới đích trước nó.

                                                 Phỏng theo La-phông-ten

Câu 3

Trao đổi với bạn về tính cách của nhân vật hoặc ý nghĩa của câu chuyện em vừa kể.

Phương pháp giải:

Gợi ý: Qua câu chuyện em kể, hãy suy ngẫm về ý nghĩa câu chuyện và nhận xét tính cách của mỗi nhân vật.

Lời giải chi tiết:

- Tính cách:

+ Thỏ: kiêu ngạo, coi thường người khác, tự cao, tự đại và cuối cùng phải chấp nhận thất bại.

+ Rùa: khiêm tốn, biết cố gắng hết sức mình để giành thắng lợi.

- Ý nghĩa câu chuyện: động viên, khích lệ tinh thần những người làm việc chăm chỉ, cần cù, chịu khó. Đồng thời phê phán thói kiêu căng, ngạo mạn nhất định sẽ chuốc lấy thất bại.

Câu 4

Nhận xét về cấu tạo bài văn miêu tả Chiếc xe đạp của chú Tư

a) Em đọc bài văn sau:

Chiếc xe đạp của chú tư

Trong làng tôi, hầu như ai cũng biết chú Tư Chia, không chỉ vì chú là chủ trại xuồng, mà còn vì chiếc xe đạp của chú.

Ở xóm vườn, có một chiếc xe đã là trội hơn người khác rồi, chiếc xe của chú lại là chiếc xe đẹp nhất, không có chiếc nào sánh bằng. Xe màu vàng, hai cái vành láng bóng, khi chú ngừng đạp, chiếc xe cứ ro ro thật êm tai. Ngay giữa tay cầm, chú gắn hai con bướm bằng thiếc với hai cánh vàng lấm tấm đỏ. Có khi chú cắm cả một cành hoa. Bao giờ dừng xe, chú cũng rút cái giẻ dưới yên, lau, phủi sạch sẽ rồi mới bước vào nhà, vào tiệm. Chú âu yếm gọi chiếc xe của mình là con ngựa sắt.

- Coi thì coi, đừng đụng vào con ngựa sắt của tao nghe bây.

Ấy là chú dặn sắp nhỏ đứng vây quanh chiếc xe của chú.

- Ngựa chú biết hí không chú ?

Chú đưa tay bóp cái chuông kính coong :

- Nghe ngựa hí chưa ?

- Nó đá được không chú ?

Chú đưa chân đá ngược ra sau :

- Nó đá đó.

Đám con nít cười rộ, còn chú thì hãnh diện với chiếc xe của mình.

Theo Nguyễn Quang Sáng

- Trại xuồng : xưởng đóng xuồng.

- Xóm vườn : xóm quê, nơi dân cư sống bằng nghề trồng trọt.

- Tiệm : cửa hàng.

- Hãnh diện : tự hào ra mặt vì cho là mình hơn người khác.

b) Tìm phần mở bài, thân bài, kết bài và viết vào bảng nhóm:

- Mở bài: từ .... đến ....

- Thân bài: từ .... đến ....

- Kết bài: từ .... đến ....

c) Trả lời các câu hỏi sau. Viết câu trả lời vào bảng nhóm.

c3) Tìm lời kể chuyện xen lẫn lời miêu tả trong bài văn. Lời kể nói lên điều gì về tình cảm của chú Tư với chiếc xe?

Lời giải chi tiết:

a) Các phần mở bài, thân bài và kết bài trong bài văn:

-  Mở bài: Trong làng tôi ... vì chiếc xe đạp của chú.

- Thân bài: Ở xóm vườn ... Nó đá đó.

- Kết bài: Câu còn lại.

c3) Lời kể chuyện xen lẫn lời miêu tả trong bài văn:
     Chú gắn hai con bướm bằng thiếc với hai cánh vàng lấm tấm đỏ, có khi chú cắm cả một cành hoa. Bao giờ dừng xe, chú cũng rút cái giẻ dưới yên, lau, phủi sạch sẽ. Chú âu yếm gọi chiếc xe của mình là con ngựa sắt. Chú dặn sắp nhỏ: Coi thì coi, đừng đụng vào con ngựa sắt của tao nghe bây.

Lời kể nhằm thể hiện tình cảm của chú Tư đối với “con ngựa sắt của mình”: Chú yêu quý chiếc xe đạp và rất hãnh diện về nó. 

Câu 5

Lập dàn ý cho bài văn tả chiếc áo em mặc đến lớp hôm nay

Em viết vào vở dàn ý bài văn:

a) Mở bài: giới thiệu chiếc áo

b) Thân bài: 

- Tả bao quát chiếc áo

- Tả một số bộ phận nổi bật

c) Kết bài: Tình cảm của em với chiếc áo

Phương pháp giải:

Con quan sát chiếc áo, chọn lọc chi tiết rồi sắp xếp theo một trình tự hợp lý để thành dàn ý.

Lời giải chi tiết:

a) Mở bài: Giới thiệu đồ vật cần tả: chiếc áo em mặc đến lớp hôm nay: áo sơ mi đã cũ, mặc hơn sáu tháng.

b) Thân bài:

- Tả bao quát:

+ màu trắng, vải cô tông.

+ dáng rộng, tay vừa vặn, mặc thoải mái.

- Tả từng bộ phận:

+ chiếc cổ đứng rất gọn gàng

+ áo có hai túi trước ngực, có thể cài bút

+ hàng khuy trắng bóng xinh xắn và chắc chắn.

c) Kết bài:

- Tình cảm của em với chiếc áo:

- Tuy đã cũ nhưng em rất thích mặc. Chiếc áo gợi tình yêu mến, âu yếm của mẹ đối với em.

dapandethi.vn