Câu 1
Đọc tên, năm sinh, năm mất của hai nhà thiên văn học dưới đây:
Lời giải chi tiết:
- Ông Cô-péc-ních sinh năm 1473 và mất năm 1543.
- Ông Ga-li-lê sinh năm 1564 và mất năm 1642.
Câu 2
Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài sau:
Dù sao trái đất vẫn quay!
Xưa kia, người ta cứ nghĩ rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ, đứng yên một chỗ, còn mặt trời, mặt trăng và muôn ngàn vì sao phải quay xung quanh cái tâm này. Người đầu tiên bác bỏ ý kiến sai lầm đó là nhà thiên văn học Ba Lan Cô-péc-ních. Năm 1543, Cô-péc-ních cho xuất bản một cuốn sách chứng minh rằng chính trái đất mới là một hành tinh quay xung quanh mặt trời. Phát hiện của nhà thiên văn học làm cho mọi người sửng sốt, thậm chí nó còn bị coi là tà thuyết vì nó ngược với những lời phán bảo của Chúa trời.
Chưa đầy một thế kỉ sau, năm 1632, nhà thiên văn học Ga-li-lê lại cho ra đời một cuốn sách mới cổ vũ cho ý kiến của Cô-péc-ních. Lập tức, tòa án quyết định cấm cuốn sách ấy và mang Ga-li-lê ra xét xử. Khi đó, nhà bác học đã gần bảy chục tuổi.
Bị coi là tội phạm, nhà bác học già buộc phải thề từ bỏ ý kiến cho rằng trái đất quay. Nhưng vừa bước ra khỏi tòa án, ông đã bực tức nói to:
- Dù sao trái đất vẫn quay!
Ga-li-lê phải trải qua những năm cuối đời trong cảnh tù đày. Nhưng cuối cùng, lẽ phải đã thắng. Tư tưởng của hai nhà bác học dũng cảm đã trở thành chân lí giản dị trong đời sống ngày nay.
(Theo Lê Nguyên Long – Phạm Ngọc Toàn)
Câu 3
Thay nhau đọc từ ngữ và lời giải nghĩa:
- Cô-péc-ních: nhà thiên văn học người Ba Lan.
- Thiên văn học: ngành nghiên cứu các vật thể trong vũ trụ.
- Ga-li-lê: nhà thiên văn học người I-ta-li-a.
- Chân lí: lẽ phải.
Câu 4
Cùng luyện đọc.
Câu 5
Thảo luận, trả lời câu hỏi:
1) Ý kiến của Cô-péc-ních có điểm gì khác ý kiến chung lúc bấy giờ? Chọn ý trả lời đúng.
a. Mặt Trời quay xung quanh Trái Đất.
b. Mặt Trời, mặt trăng, sao quay xung quanh Trái Đất.
c. Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời.
d. Trái Đất và Mặt Trời quay xung quanh nhau.
2) Ga-li-lê viết sách nhằm mục đích gì? Vì sao tòa án lúc đó xử phạt ông?
3) Lòng dũng cảm của Cô-péc-ních và Ga-li-lê được thể hiện ở chỗ nào?
4) Câu nói “Dù sao Trái Đất vẫn quay!” của Ga-li-lê nói lên điều gì?
a. Lòng dũng cảm sẽ chiến thắng.
b. Chân lí khoa học sẽ chiến thắng.
c. Lời phán bảo của Chúa trời luôn luôn đúng.
d. Sức mạnh của Giáo hội sẽ chiến thắng.
Lời giải chi tiết:
1) Ý kiến của Cô-péc-ních có điểm khác ý kiến chung lúc bấy giờ là: Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời.
=> Đáp án đúng là: c
2) Ga-li-lê viết sách nhằm mục đích cổ vũ cho ý kiến của Cô-péc-ních. Toà án lúc ấy xử phạt ông Ga-li-lê vì cho rằng ông đã chống đối quan điểm của Giáo hội, nói ngược với những lời phán bảo của Chúa trời.
3) Lòng dũng cảm của Cô-péc-ních và Ga-li-lê được thể hiện ở chỗ:
Lòng dũng cảm của hai nhà bác học Cô-péc-ních và Ga-li-lê thể hiện ở chỗ dám đi ngược lại dư luận chung của xã hội, dám nói trái với lời phán bảo của Chúa Trời để khẳng định rằng trái đất quay quanh mặt trời. Ga-li-lê thà ngồi tù chứ không từ bỏ chân lí.
4) Câu nói “Dù sao Trái Đất vẫn quay!” của Ga-li-lê nói lên: Chân lí khoa học sẽ chiến thắng.
=> Đáp án đúng là: b
Câu 6
Thi đọc đoạn 3.
Câu 7
Tìm hiểu câu khiến.
1) Các câu in nghiêng dưới đây được dùng với mục đích gì?
a) Gióng nhìn mẹ, mở miệng, bật thành tiếng:
- Mẹ mời sứ giả vào đây cho con!
(Thánh Gióng)
b) - Cháu chào bác ạ. Cháu là Hoa, bạn của Oanh. Bác làm ơn cho cháu gặp Oanh ạ.
- Cháu chờ chút nhé.
2) Cuối câu in nghiêng có dấu gì?
Lời giải chi tiết:
1)
a) Mẹ mời sứ giả vào đây cho con! => Nêu yêu cầu.
b)
- Bác làm ơn cho gặp Oanh ạ. => nêu mong muốn
- Cháu chờ chút nhé. => nêu đề nghị
2) Cuối mỗi câu in nghiêng có dấu chấm than hoặc dấu chấm.
Ghi nhớ