Câu 4
Hãy viết câu khiến phù hợp với mỗi tình huống sau:
a/ Em muốn bạn hướng dẫn em giải một bài toán khó.
b/ Em xin phép bố cho em được dự sinh nhật ban thân trong lớp.
c/ Em nhờ bạn bên cạnh giữ trật tự trong giờ học.
d/ Em nhờ một người chỉ đường giúp em.
Phương pháp giải:
Muốn đặt câu khiến, ta có thể dùng một trong các cách sau:
- Thêm từ hãy hoặc đừng, chớ, nên, phải,… vào trước động từ.
- Thêm từ lên hoặc đi, thôi, nào,… vào cuối câu.
- Thêm từ đề nghị hoặc xin, mong,… vào đầu câu.
- Dùng giọng điệu phù hợp với câu khiến.
Lời giải chi tiết:
a) Loan ơi, cậu hướng dẫn mình cách giải bài toán này nhé!
b) Bố ơi, cuối tuần bố cho phép con đi dự sinh nhật bạn Lan nhé!
c) Cậu ơi, cậu hãy giữ trật tự nhé!
d) Bác ơi, bác chỉ đường tới nhà bạn Long giúp cháu với ạ!
Câu 5
Hãy thực hiện các yêu cầu sau:
a/ Chuyển câu kể “Hoa học bài.” thành hai câu khiến có mục đích khác nhau.
b/ Đặt hai câu khiến để bày tỏ mong muốn (hoặc yêu cầu của mình) với một người bạn trong lớp em.
Phương pháp giải:
Muốn đặt câu khiến, ta có thể dùng một trong các cách sau:
- Thêm từ hãy hoặc đừng, chớ, nên, phải,… vào trước động từ.
- Thêm từ lên hoặc đi, thôi, nào,… vào cuối câu.
- Thêm từ đề nghị hoặc xin, mong,… vào đầu câu.
- Dùng giọng điệu phù hợp với câu khiến.
Lời giải chi tiết:
a. Chuyển câu kể “Hoa học bài” thành hai câu khiến có mục đích khác nhau.
-> Hoa ơi, mau học bài đi con!
-> Hoa ơi, học bài xong thì nấu cơm cho mẹ nhé!
b. Đặt hai câu cầu khiến để bày tỏ mong muốn (hoặc yêu cầu của mình) với một người bạn trong lớp em.
-> Long này, cậu cho tớ mượn cuốn sách này nhé!
-> Loan ơi, hướng dẫn tớ giải bài toán này đi!
Câu 6
Hãy viết một đoạn văn ngắn nêu tác dụng của một loài cây mà em biết.
Phương pháp giải:
- Lựa chọn một loài cây
- Thu thập thông tin về tác dụng của loài cây đó mà em biết.
- Viết thành một đoạn văn ngắn.
Lời giải chi tiết:
Cây chuối là loài cây được trồng nhiều ở làng quê, mang rất nhiều công dụng. Không chỉ cho quả ăn thơm, ngon ngọt và giàu dinh dưỡng, cây chuối còn cho con người lá dùng để gói bánh, gói xôi. Vào ngày Tết, bánh tét, bánh dày, bánh gai đều gói bằng lá chuối. Lá chuối tươi xanh mát một góc vườn còn làm thơm chõ xôi, làm tươi xanh dĩa bánh ít trong ngày giỗ kị. Lá chuối khô dùng gói bánh gai, bánh mật, giữ ẩm cho bánh đa, bánh tráng không bị vỡ giòn. Lá chuối trong kĩ thuật ẩm thực đã là nét đặc sắc, có vị ngon riêng của món ăn Việt. Màu xanh của lá chuối trên bàn ăn còn là niềm tự hào về một đất nước trong lành, mộc mạc hiếu khách và đậm nét trữ tình. Chặt buồng để ăn qua rồi, người nông dân còn dùng thân chuối để chăn nuôi gia súc. Tiến xa hơn nữa, ngành mĩ nghệ xuất khẩu đã bện dây chuối phơi từ bẹ chuối, sản xuất những mặt hàng đẹp và đắt giá không ngờ: ghế bành, sô-pha, giỏ xách... Trong tất cả bộ phận của cây chuối, không có một phần nào bị vứt bỏ. Chuối là loại cây dễ trồng và có giá trị cao, dễ sử dụng là thế.
Vui học
Người khỏe nhất lớp
Bạn nhỏ đi học về, khoe với bố:
- Bố ơi, bố biết không, con là người khỏe nhất lớp đấy bố ạ!
- Tại sao con nghĩ thế?
- Tại vì cô giáo bảo con rằng, một mình con kéo cả lớp tụt lại đằng sau.
(Sưu tầm)
*Câu chuyện gây cười ở điều gì?
* Cùng bạn bè, người thân đóng vai người bố để giúp bạn nhỏ hiểu về điều cô giáo bói với bạn ấy.
Phương pháp giải:
Con đọc kĩ nội dung câu chuyện và trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
- Câu chuyện gây cười ở điều gì?
Câu chuyện gây cười ở câu nói ngây ngô của bạn nhỏ nói với bố của mình. Cô giáo nhận xét bạn ấy là “một mình kéo cả lớp tụt lại đằng sau” thì bạn ấy lại hiểu lầm ý cô rằng bạn ấy là “người khoẻ nhất lớp.”
- Cùng bạn bè, người thân đóng vai người bố để giúp bạn nhỏ hiểu điều cô giáo nói với bạn ấy.
Con biết không? “Kéo cả lớp tụt lại phía sau” mà cô giáo nói ý chỉ một người chậm lại phía sau, không theo kịp cả lớp dẫn tới việc kéo cả lớp cũng tụt lại phía sau theo mình. Con trai bố tất nhiên là rất khoẻ rồi, bố tin rằng con còn có năng lực chạy đuổi kịp các bạn trong lớp nữa. Đúng không nào?