Nếu các địa phương đều đẩy nhanh tiến độ, kết thúc việc chấm sớm hơn thì việc công bố kết quả có thể diễn ra sớm hơn không?

Không vì áp lực công bố sớm mà làm ẩu

Cụ thể, tiến độ chấm thi ở các địa phương đã đến đâu, thưa ông?
Với chấm thi tự luận, chấm vòng 1, vòng 2, thậm chí cả chấm kiểm tra thì diễn ra gần như đồng thời. Số lượng bài đã được chấm của các địa phương phù hợp với kế hoạch đề ra. Còn với chấm thi trắc nghiệm, hầu hết đã quét bài xong, giờ đang chuyển sang các khâu tiếp theo phục vụ cho quá trình chấm. Với tiến độ này, chúng tôi tin tưởng công đoạn chấm thi sẽ kết thúc sớm hơn dự kiến.

Chúng tôi đã gửi lưu ý tới các đơn vị chấm thi là không được chủ quan. Chấm kiểm tra phải được tiếp tục thêm một ngày nữa sau khi chấm thi tự luận xong cả 2 vòng, bởi có như thế mới đạt được mục đích của việc chấm kiểm tra. Sau khi chấm thi xong thì có việc khớp điểm, nhập điểm. Khi nhập điểm, chúng tôi yêu cầu các địa phương phải đảm bảo thực hiện nhập điểm 2 vòng độc lập. Nơi nào làm quấy quá theo kiểu nhập lần 1, còn lần 2 thì copy và dán lên, chắc chắn hệ thống sẽ phát hiện ra ngay.

Nếu các địa phương đều đẩy nhanh tiến độ, kết thúc việc chấm sớm hơn thì việc công bố kết quả có thể diễn ra sớm hơn không?
Sớm hơn nghĩa là so với thời gian mà Bộ GD-ĐT ấn định là phải hoàn thành công việc, nhưng vẫn đúng tiến độ so với kế hoạch. Lịch chấm thi chúng tôi đặt ra để cho các địa phương có đủ thời gian thực hiện công việc một cách khẩn trương, nhưng đảm bảo phải chắc chắn, không bị áp lực tiến độ mà phải làm nhanh rồi dẫn đến làm ẩu. Bộ không muốn các địa phương vì muốn xong sớm mà phải vội vàng. Chấm xong cứ kiểm tra cho thật chắc chắn, miễn sao ngày 13.7, kết quả thi của cả nước được đưa lên hệ thống, sẵn sàng cho việc công bố kết quả thi vào ngày 14.7.

Biện pháp chống gian lận phát huy tác dụng

Dù quy chế hoặc văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT đã đưa ra các quy định cụ thể nhưng việc nơi nào đó làm tắt hoặc thực hiện các khâu không đạt chuẩn mực vẫn có thể xảy ra. Đã có những hiện tượng đó ở nơi này, nơi khác khiến Bộ phải nhắc nhở chưa, thưa ông?

Ở những địa phương tôi đã đi kiểm tra cũng như theo tổng hợp báo cáo từ các đoàn kiểm tra khác cho thấy cả hệ thống chưa xảy ra vấn đề gì lớn phải xử lý. Chỉ có vài việc nhỏ, ví dụ như tổ chức các phòng chấm tự luận 2 vòng độc lập, một số ban chấm thi do điều kiện cụ thể nên việc sắp xếp chưa được khoa học dù vẫn đáp ứng được yêu cầu của quy chế. Có chỗ nào chưa làm được đúng như quy chế thì trong quá trình thanh tra, kiểm tra vừa rồi, chúng tôi đều yêu cầu các hội đồng thi bắt buộc phải điều chỉnh.

Đường đi của một bài thi

Mặt khác, cũng là thực hiện theo yêu cầu của quy chế nhưng nhiều nơi đã làm một cách sáng tạo, khiến cho các yêu cầu đạt được ở mức tốt hơn. Có một số sáng kiến của địa phương đã được chúng tôi ghi nhận để nghiên cứu, phổ biến áp dụng đại trà cho kỳ thi năm sau.

Năm nay, Bộ GD-ĐT đã bổ sung nhiều giải pháp kỹ thuật nhằm phòng ngừa, ngăn chặn gian lận chấm thi. Qua việc tổ chức chấm thi đang diễn ra, ông nhận xét thế nào về hiệu quả của các biện pháp đó?
Thực tế chấm thi đến nay cho thấy rõ ràng những điều chỉnh về kỹ thuật trong công đoạn chấm thi năm nay đã phát huy tác dụng. Thứ nhất là về công tác cán bộ, các nơi đều lựa chọn rất kỹ càng. Tôi biết ở một số nơi, những người tham gia chấm thi đã được cơ quan chức năng xác minh về mặt nhân thân trước khi được chính thức cử vào làm việc ở các khâu đánh phách, chấm thi. Thứ hai, việc sử dụng camera giám sát đã hỗ trợ rất tốt, công cụ này khiến cho những người chấm thi có tinh thần, trách nhiệm, ý thức thực hiện quy chế tốt hơn. Thứ ba, năm nay lực lượng công an tham gia rất sâu, nhiều địa phương bảo vệ chấm thi tốt hơn cả yêu cầu của quy chế.

Khi được quan sát hoạt động kiểm tra của đoàn công tác do ông chủ trì, chúng tôi nhận thấy ông rất quan tâm việc các ban chấm thi trắc nghiệm thực hiện “quỹ đạo” của 1 túi bài thi trắc nghiệm. Đây là biện pháp kỹ thuật mới được bổ sung vào quy định chấm thi trắc nghiệm năm nay?

Tôi phần nào yên tâm khi thấy các ban chấm thi tỏ ra rất “thuộc bài”, vì khi đưa ra quy trình này, chúng tôi rất tin tưởng đó là một giải pháp an toàn, chống gian lận chấm thi. Việc xử lý quét bài thi trắc nghiệm theo từng túi đựng bài thi (tối đa 24 phiếu trả lời, tương ứng với số thí sinh trong một phòng thi), với quy trình khép kín, từ việc kiểm tra tình trạng niêm phong, kiểm đếm, sau đó là quét, rồi lại kiểm đếm và niêm phong ngay, đảm bảo cao nhất tính bảo mật các phiếu trả lời bài thi trắc nghiệm của thí sinh. Khi mới bắt tay vào việc, các thao tác này có vẻ cồng kềnh, nhưng chỉ sau dăm bảy túi bài thi thì các ban chấm thi đều đạt được sự thuần thục, nhuần nhuyễn. Các ban chấm trắc nghiệm, bao gồm các tổ thanh tra, giám sát đều ghi nhận tính hiệu quả bảo mật của quy trình này.

Theo Thanh niên