Từ góc độ cá nhân, em hãy trả lời câu hỏi: Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau?; Theo tác giả, vấn đề cơ bản nhất cần giải quyết là gì? … trong Thi kì 1 môn Văn lớp 10. Xem Đề và đáp án đầy đủ phía dưới đây

I. PHẦN ĐỌC – HIỂU (3,0đ): Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

“Nhiều người Việt kiếm tiền bằng mọi giá, đánh đổi cả liêm sỉ, danh dự để có tiền. Nhưng có gì độc ác hơn là kiếm tiền trên sức khỏe và mạng sống đồng bào mình? Trung bình hai giờ đồng hồ có ba mươi người chết vì bệnh ung thư – một con số tàn nhẫn đến rợn người. Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau? Đó là câu hỏi trăn trở của không biết bao nhiêu người có lương tâm và dường như đến thời điểm này họ vẫn đang bất lực. Làm thế nào để con người biết yêu thương nhau hơn? Đơn giản vậy thôi nhưng nó quyết định vận mệnh của cả dân tộc, cả thế giới này. Người nông dân chỉ cần thương người tiêu dùng một chút đã không nhẫn tâm tưới thuốc độc lên rau củ quả để đào huyệt chôn đồng bào mình và chôn sống chính mình. Các quan chức chỉ cần bớt lãng phí một chút thôi, sẽ có bao nhiêu bệnh viện được xây và bao nhiêu đứa trẻ được đến trường”…

(Lê Bình, trích Tạp chí kinh tế Bính Thân VTV1, 12/2/2016)

1. (0,5đ) Anh/chị hãy chỉ ra nội dung của đoạn trích trên?

2. (0,5đ) Tác giả thể hiện thái độ gì đối với các vấn đề còn tồn tại của xã hội?

3. (0,5đ) Theo tác giả, vấn đề cơ bản nhất cần giải quyết là gì?

4. (1,5đ) Từ góc độ cá nhân, em hãy trả lời câu hỏi: Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau? (trình bày khoảng 3 đến 5 dòng)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0đ)

1. (2,0đ): Anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) nêu hậu quả và biện pháp của thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm của nước ta hiện nay.

2. (5,0đ) Anh/chị hãy phân tích bốn câu thơ sau trong bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

Rượu đến cội cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

(Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm – SGK Ngữ văn 10 tập 1 – NXB 2007)


I. PHẦN ĐỌC HIỂU 

1. *Phương pháp: Đọc, phân tích, tổng hợp.

*Cách giải:

Nội dung của đoạn trích: Con người thật tàn nhẫn, họ đã kiếm tiền trên sức khỏe và mạng sống đồng bào mình. Từ đó tác giả kêu gọi mọi người hãy thôi độc ác bà hãy biết yêu thương nhau hơn.

2. *Phương pháp: Đọc, phân tích, tổng hợp.

*Cách giải:

Thái độ của tác giả: day dứt, đau đớn, lên án…

3. *Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.

*Cách giải:

Vấn đề cơ bản nhất cần giải quyết: Làm thế nào đẻ con người biết yêu thương nhau hơn?/Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau?

4. *Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận.

*Cách giải:

Trả lời câu hỏi: Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau?

Thí sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau, sau đây là một phương án:

– Người Việt thôi độc ác với nhau khi không muốn độc ác: mỗi cá nhân tự nâng cao ý thức đạo đức; giáo dục tác động vào nhận thức, vào lương tri của tất cả mọi người.

– Người Việt thôi độc ác với nhau khi không dám độc ác: có những quy định về xử phạt nặng đủ sức răn đe để họ sợ không dám gây tội ác.

– Người Việt thôi độc ác với nhau khi không thể độc ác: các cơ quan chức năng vào cuộc giám sát chặt chẽ mọi khâu để cái ác cái xấu không có cơ hội tồn tại. Người tiêu dùng phải thông thái, dũng cảm để cái ác cái xấu không có đất tồn tại.

II. PHẦN LÀM VĂN 

1. *Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn luận, so sánh, tổng hợp,…)

*Cách giải:

*Giải thích: Thực phẩm bẩn là những thực phẩm chứa các chất độc hại, tác động tiêu cực đến sức khỏe và tính mạng con người.

*Hậu quả

– Bệnh tật nguy hiểm: viêm màng não, bệnh ung thư…

– Tâm lí hoang mang cho xã hội…

– Thực phẩm bẩn có giá rẻ hơn thực phẩm sạch, gây lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng đến cá nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế…

*Giải pháp

– Nâng cao ý thức, tuyên truyền về nhận thức của người sản xuất trong xã hội về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo sức khỏe của xã hội

– Tăng cường kiểm soát, ra những quy định xử phạt các cơ quan sản xuất thực phẩm bẩn nghiêm minh từ nhà nước.

– Mỗi cá nhân cần tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn thực phẩm cho mình và gia đình

⟶ Vấn đề thực phẩm bẩn đang trở thành một nỗi cám ảnh lớn với xã hội, gây ảnh hưởng về sức khỏe và tâm lí hoang mang cho người dân.

*Bài học cho bản thân:

2. *Phương pháp:

– Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

– Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

*Cách giải:

     • Mở bài

– Giới thiệu về tác giả vài nét về bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm và vị trí của đoạn trích cần phân tích.

– Khẳng định 4 câu thơ cuối thể hiện rất rõ quan điểm “nhàn” của ông.

     • Thân bài

*Cuộc sống đạm bạc mà thanh cao của tác giả: “Thu ăn… ao”

+ Măng trúc, giá đỗ ⟶ thức ăn đạm bạc, thanh sạch.

+ Xuân – tắm hồ sen, hạ – tắm ao ⟶ cách sinh hoạt dân dã.

⟶ Cuộc sống hòa hợp với tự nhiên, mùa nào thức nấy, xa lánh lợi danh, vinh hoa phú quý.

– Nhịp thơ: 1/3/1/2 ⟶ nhấn mạnh vào 4 mùa ⟶ gợi bức tranh tứ bình về cảnh sinh hoạt với 4 mùa xuân – hạ – thu – đông, có hương sắc, mùi vị giản dị mà thanh cao.

⟹ Nhàn là sống thuận theo lẽ tự nhiên, hưởng những thức có sẵn theo mùa ở nơi thôn dã mà không phải mưu cầu, tranh đoạt.

*Vẻ đẹp nhân cách thể hiện qua quan niệm sống coi thường phú quý, danh lợi: “Rượu,… chiêm bao”.

Quan niệm sống:

+ Điển tích về Thuần Vu Phần ⟶ phú quý chỉ là một giấc chiêm bao.

+ Nguyễn Bỉnh Khiêm dùng điển tích để thể hiện thái độ coi thường phú quý, danh lợi: phú quý, danh lợi chỉ như một giấc mơ dưới gốc hòe, thoáng qua, chẳng có ý nghĩa.

⟶ Quan niệm sống: phủ nhận phú quý, danh lợi, khẳng định cái tồn tại vĩnh hằng là thiên nhiên và nhân cách con người.

⟹ Nhàn có cơ sở từ quan niệm nhìn cuộc đời là giấc mộng, phú quý tựa chiêm bao.

     • Kết bài:

– Khẳng định lại quan điểm nhàn của NBK: Một trí tuệ uyên thâm, tâm hồn thanh cao của nhà thơ thể hiện qua lối sống đạm bạc, nhàn tản, vui với thú điền viên thôn dã.

– Mở rộng vấn đề, liên hệ thực tế cuộc sống và bản thân để rút ra bài học cho mình.