Tả 1 con vật em yêu thích, thêm trạng ngữ, viết lại câu sau khi thêm trạng ngữ… trong đề thi Tiếng Việt 4 học kì 2 năm 2018-2019.

ĐỀ KIỂM ĐỊNH KÌ CUỐI HỌC KÌ II

 MÔN TIẾNG VIỆT LỚP 4        

Năm học 2018 – 2019

(Thời gian 90 phút, không kể thời gian phát đề)

I. Đọc hiểu(30 phút)

1. Đọc thầm bài văn sau và trả lời câu hỏi:

Chiều ngoại ô

Chiều hè ở ngoại ô thật mát mẻ và cũng thật là yên tĩnh. Khi những tia nắng cuối cùng nhạt dần cũng là khi gió bắt đầu lộng lên. Không khí dịu lại rất nhanh và chỉ một lát, ngoại ô đã chìm vào nắng chiều.

Những buổi chiều hè êm dịu, tôi thường cùng lũ bạn đi dạo dọc con kênh nước trong vắt.,b Hai bên bờ kênh, dải cỏ xanh êm như tấm thảm trải ra đón bước chân người. Qua căn nhà cuối phố là những ruộng rau muống. Mùa hè, rau muống lên xanh mơn mởn, hoa rau muống tím lấp lánh. Rồi những rặng tre xanh đang thì thầm trong gió. Đằng sau lưng là phố xá, trước mặt là đồng lúa chín mênh mông và cả một khoảng trời bao la, những đám mây trắng vui đùa đuổi nhau trên cao. Con chim sơn ca cất tiếng hót tự do, thiết tha đến nỗi khiến người ta phải ao ước giá mình có một đôi cánh. Trải khắp cánh đồng là ráng chiều vàng dịu và thơm hơi đất, là gió đưa thoang thoảng hương lúa chín và hương sen. Vẻ đẹp bình dị của buổi chiều hè vùng ngoại ô thật đáng yêu.

Nhưng có lẽ thú vị nhất trong chiều hè ngoại ô là được thả diều cùng lũ bạn. Khoảng không gian vắng lặng nơi bãi cỏ gần nhà tự nhiên chen chúc những cánh diều. Diều cốc, diều tu, diều sáo đua nhau bay lên cao. Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Những cánh diều mềm mại như cánh bướm. Những cánh diều như những mảnh hồn ấu thơ bay lên với biết bao khát vọng. Ngồi bên nơi cắm diều, lòng tôi lâng lâng, tôi muốn gửi ước mơ của mình theo những cánh diều lên tận mây xanh.

Theo NGUYỄN THỤY KHA

* Dựa vào nội dung bài đọc, hãy khoanh tròn vào chữ cái đặt trước ý trả lời đúng nhất và hoàn thành tiếp các bài tập:

Câu 1 (0,5đ): Cảnh buổi chiều hè ở ngoại ô như thế nào? (M1)

A. Cảnh buổi chiều ở vùng ngoại ô rất đẹp, hấp dẫn.

B. Cảnh buổi chiều hè ở vùng ngoại ô thật mát mẻ và cũng thật yên tĩnh.

C. Cảnh buổi chiều ở vùng ngoại ô rất ồn ào, náo nhiệt.

D. Cảnh buổi chiều ở vùng ngoại ô rất đẹp.

Câu 2 (0,5đ): Câu văn nào trong bài tả vẻ đẹp của ruộng rau muống? (M1)

A. Hai bên bờ kênh, dải cỏ xanh êm như tấm thảm trải ra đón bước chân người.

B. Qua căn nhà cuối phố là những ruộng rau muống.

C. Mùa hè, rau muống lên xanh mơn mởn, hoa rau muống tím lấp lánh.

D.  Những hoa rau muống tím lấp lánh thì thầm trong gió.

Câu 3 (0,5đ): Điều gì làm tác giả cảm thấy thú vị nhất trong những buổi chiều hè ở vùng ngoại ô? (M2)

A. Ngắm cảnh đồng quê thanh bình.

B. Được hít thở bầu không khí trong lành.

C. Ngắm cảnh đồng quê và thả diều cùng lũ bạn

D. Những cánh diều mềm mại như cánh bướm.

Câu 4 (0,5đ): Dòng nào dưới đây chỉ gồm các từ láy? (M3)

A. Mát mẻ, mơn mởn, lấp lánh, thì thầm, mênh mông.

B. Thiết tha, ao ước, thoang thoảng, vắng lặng, chen chúc.

C. Vi vu, trầm bổng, phố xá, mềm mại, lâng lâng.

D. Vi vu, thì thầm, thoang thoảng, phố xá, trầm bổng.

Câu 5 (0,5đ):Từ cùng nghĩa với từ  “bao la” là: (M1)

A. Cao vút B. Bát ngát C. Thăm thẳm D. Mát mẻ

Câu 6 (1 điểm): Câu văn sau: “Mùa hè, rau muống lên xanh mơn mởn, hoa rau muống tím lấp lánh.” có mấy tính từ? (M4)

A. Một tính từ. Đó là: ……………………..

B. Hai tính từ. Đó là: ………………………

C. Ba tính từ. Đó là: ………………………

D. Bốn tính từ: Đó là: …………………………………………………

Câu 7 (0,5đ): Câu “Những cánh diều mềm mại như cánh bướm.” thuộc mẫu câu nào đã học? (M2)

A. Ai làm gì? B. Ai thế nào? C. Ai là gì?

Câu 8 (): Thêm trạng ngữ cho câu sau, viết lại câu đã thêm trạng ngữ. (M2)

         Rau muống lên xanh mơn mởn.

Câu 9 (1đ): Xác định chủ ngữ, vị ngữ trong câu: (M3)

Chiều hè ở ngoại ô thật mát mẻ và cũng thật là yên tĩnh.

Chủ ngữ:…………………………………..

Vị ngữ: …………………………………

Câu 10 (1đ): Tìm hình ảnh nhân hóa trong câu văn sau? (M1)

Đằng sau lưng là phố xá, trước mặt là đồng lúa chín mênh mông và cả một khoảng trời bao la, những đám mây trắng vui đùa đuổi nhau trên cao.

B – KIỂM TRA VIẾT

1. Chính tả (2 điểm) (Nghe – viết, 15 phút)

Đường đi Sa Pa

Xe chúng tôi leo chênh vênh trên dốc cao của con đường xuyên tỉnh. Những đám mây trắng nhỏ sà xuống cửa kính ô tô tạo nên cảm giác bồng bềnh huyền ảo. Chúng tôi đang đi bên những thác trắng xóa tựa mây trời, những rừng cây âm âm, những bông hoa chuối rực lên như ngọn lửa. Tôi lim dim mắt ngắm mấy con ngựa đang ăn cỏ trong một vườn đào ven đường. Con đen huyền, con trắng tuyết, con đỏ son, chân dịu dàng, chùm đuôi cong lướt thướt liễu rủ.

Trích: Đường đi SaPa (TV4 – Tập II – trang 102)

2. Tập làm văn (8đ): 30 phút

HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ CHO ĐIỂM BÀI KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ II,

MÔN: TIẾNG VIỆT – LỚP 4

Câu 1 2 3 4 5 6 7
Đáp án B C C A B B B
Điểm 0,5 0,5 0,5 0,5 0,5 1 0,5

6: Hai tính từ: Xanh mơn mởn, Tím lấp lánh

8: Mùa hè, rau muống lên xanh mơn mởn.

9: Chủ ngữ: Chiều hè ở ngoại ô

Vị ngữ: thật mát mẻ và cũng thật là yên tĩnh.

10:  Hình ảnh nhân hóa: đám mây trắng vui đùa đuổi nhau trên cao.

B . BÀI KIỂM TRA VIẾT

1. Chính tả (2 điểm, thời gian 15 phút)

GV đọc cho học sinh cả lớp viết vào giấy kiểm tra

Đường đi Sa Pa    (TV4 – Tập II – Trang 102)

Viết đoạn: “Xe chúng tôi … liễu rủ”

– Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, sạch sẽ, trình bày đúng đoạn văn: 2 điểm.

– Mỗi lỗi chính tả trong bài viết (sai, lẫn phụ âm đầu hoặc vần,thanh; không viết hoa đúng quy định…) trừ 0,2 điểm.

2. Tập làm văn (8 điểm): 35 phút

* Yêu cầu:

– Học sinh xác định đúng đề bài, kiểu bài tả con vật: viết được bài văn hoàn chỉnh đủ ba phần (mở bài, thân bài, kết bài), kết hợp bộc lộ cảm xúc của người viết. Độ dài bài viết khoảng 12- 15 câu.

– Viết câu đúng ngữ pháp, dùng từ đúng, không mắc lỗi chính tả.

– Chữ viết rõ ràng, trình bày bài sạch.

* Cho điểm:

– Đảm bảo các yêu cầu trên: 8 điểm

– Tùy theo mức độ sai sót về ý, về diễn đạt và chữ viết, có thể cho các mức điểm cho phù hợp với thực tế bài viết..

– Lạc đề không cho điểm.

* Lưu ý:

– Nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao – khoảng cách – kiểu chữ; hoặc trình bày bẩn… bị trừ 0.2  điểm toàn bài.

– Toàn bài kiểm tra bày sạch đẹp GV cho điểm tối đa.


Tham khảo:

Trong tất cả các con vật trong nhà em, em yêu thích nhất là chú gà trống. Chú gà trống đã trở thành một người bạn thân thiết của gia đình em không biết từ bao giờ.

Bố em nói, chú gà này thuộc giống gà Đông Tảo, chú to, béo, nặng tầm bốn đến năm cân, em ôm vào lòng không xuể. Cái đầu chú to bằng cái bát ăn cơm, nối giữa đầu và thân là chiếc cổ dài kiêu hãnh. Trên đỉnh đầu chú nở rộ bông hoa đỏ chót, rực rỡ, đó là cái mào của chú đấy, cái mào lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, khiến người ta liên tưởng đến một loài hoa cùng tên là hoa mào gà. Đôi mắt chú sáng quắc, tròn xoe, đen long lanh như hai hột cườm, lúc nào cũng như ngấn nước. Cái mỏ nhỏ, vàng sậm nhưng đầy sắc bén, mỗi khi mổ thóc đều phát ra tiếng kêu “bộp bộp” nghe rất vui tai. Chú có hai chân vàng ươm, thẳng tắp với những ngón chân xòe ra, nhất là chiếc cựa sắc nhọn là vũ khí để săn mồi, chiến đấu với kẻ thù.

Nhắc đến gà trống không thể không nhắc đến bộ lông rực rỡ của chú. Chú khoác trên mình tấm áo óng á, mượt mà với sự hòa trộn giữa các màu chàm, vàng, nâu, đỏ khiến chú nổi bật hẳn trên sân. Khi tấm áo ấy khoe sắc dưới những tia nắng mặt trời chói chang, nó càng thêm rực rỡ, như được dát vàng dát bạc. Chú gà bước đi đầy oai dũng, mỗi lần bước là chiếc đuôi dài, xòe rộng, lấp lánh lại tung tẩy, rung lên theo từng nhịp bước chân, trông chú kiêu sa như một bá tước vậy. Cứ vào mỗi buổi sáng sớm, khi vạn vật còn đang chìm trong giấc ngủ say nồng, chú gà nhà em đã oai vệ bước lên đống rơm trước sân, rướn cao cổ rồi từ từ cất tiếng gáy to “Ò ó o o” vang xa khắp xóm làng, đánh thức mọi người bắt đầu một ngày mới. Sau khi cất tiếng gáy xong, chú lại vỗ mạnh đôi cánh to, dày như đầy tự hào, kiêu hãnh về thành quả của mình rồi bước đi oai phong tìm mồi cho bữa sáng của mình.

Chú đã trở thành chiếc đồng hồ báo thức quen thuộc, một người bạn thân thiết của gia đình em và của cả xóm làng xung quanh. Bên cạnh đó, chú như một người vệ sĩ bảo vệ mùa màng, bắt sâu, bắt giun cho cây trồng ở vườn. Ngày ngày chú đi lon ton trong sân, nhặt những hạt thóc rơi vãi, có khi lại vỗ cánh lộp bộp để xua đuổi những chú chim bồ câu đang tranh giành phần ăn của mình. Sự hiện diện của chú gà đã trở nên quen thuộc với gia đình em.

Em rất yêu quý chú gà trống nhà em. Chú đã trở thành một phần trong nếp sống của gia đình em. Dù đi đâu xa, em cũng sẽ không bao giờ có thể quên chú gà trống yêu quý ấy.