Kiểm tra học kì 2 môn Tiếng Việt 3: Cai-li trong câu chuyện trên đã làm được một việc tốt, sẵn sàng giúp đỡ người khác mà không định kiến. Em cũng đã chứng kiến một việc làm tốt như vậy, hãy kể lại.

I. ĐỌC HIỂU

Đọc thầm bài văn sau :

NÂNG CAO TẦM NHÌN

         Tôi cùng đứa cháu ngoại Cai-li (6 tuổi) vừa rời khỏi cửa hiệu bánh mì thì cùng lúc đó, một cậu thiếu niên bước vào. Tóc ở hai bên đầu cậu được cạo sạch bóng, chỉ còn lại một chỏm nhọn hoắt trên đỉnh. Một vành mũi được xỏ khuyên và móc với chiếc toòng teng nơi vành tai bằng một sợi dây chuyền. Một tay cậu ta kẹp ván trượt, tay kia cầm một quả bóng rổ.

         Cai-li vội vàng dừng lại. Tôi tưởng cậu ta làm nó sợ, khiến con bé đứng chết trân ngay tại chỗ.

         Tôi đã lầm.

         Cô cháu ngoại thiên thần của tôi bước lùi khỏi khung cửa và đẩy cánh cửa mở toang ra. Tôi cũng vội né qua một bên và nhường cậu ta đi vào. Cậu thiếu niên lễ phép nói :

         – Cảm ơn bà rất nhiều !

         Trên đường ra xe, tôi khen ngợi Cai-li vì hành động mở cửa cho cậu thiếu niên mà không tỏ ra khó chịu trước diện mạo của cậu ta.

         Điều duy nhất Cai-li nhận thấy là hai tay cậu ta đều bận ôm đồ.

         – Anh ấy sẽ gặp khó khăn khi mở cửa. – Cai-li nói.

         Tôi đã nhìn thấy mái đầu bị cạo một phần, thấy chùm tóc nhọn hoắt, một vành mũi được xỏ khuyên và sợi dây chuyền. Nhưng Cai-li chỉ nhìn thấy một người tay xách nách mang, đang tiến tới cánh cửa đóng kín cần giúp đỡ.

         Tự nhiên tôi mong mình hạ xuống ngang tầm của Cai-li và nâng tầm nhìn của mình lên.

 (Te-ri Mắc Phơ-dần)

Khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng :

1. Khi đi ra khỏi cửa hiệu, hai bà cháu Cai-li đã gặp cậu thiếu niên như thế nào ?

a. To lớn, ăn mặc lịch sự.

b. Có mái tóc cạo sạch bóng, chỉ còn lại một chỏm, mũi được xỏ khuyên, tai đeo toòng teng, còn hai tay đều bận ôm đồ.

c. Có mái tóc cạo sạch bóng, nhanh nhẹn, không mang theo đồ gì.

2. Khi nhìn thấy cậu thiếu niên trước cửa, Cai-li đã làm gì ?

a. Sợ hãi và bỏ chạy.

b. Không làm gì cả.

c. Dừng lại, bước lùi khỏi khung cửa và mơ cửa giúp cậu thiếu niên.

3. Điều duy nhất Cai-li nhận thấy ở cậu thiếu niên là gì ?

a. Hai tay đều bận ôm đồ, cần được giúp mở cửa.

b. Có vẻ ngoài rất đáng sợ và khác lạ.

c. Có vẻ nhanh nhẹn, thông minh.

4. Câu “Tôi mong mình hạ xuống ngang tầm của Cai-li để nâng tầm nhìn của mình lên.” ý nói gì ?

a. Bà mong mình có được một cái nhìn trẻ thơ, không định kiến và bao dung như Cai-li.

b. Bà mong mình thấp bé để không thấy cái đầu cạo trọc của cậu thiếu niên.

c. Bà mong mình trở lại tuổi thơ để có dịp giúp mọi người nhiều hơn.

5. Em hãy nhận xét về hành động của Cai-li.

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1. Tìm từ thích hợp điền vào mỗi chỗ trống để có những cặp từ trái nghĩa.

a) sạch…                      b) chết …

c) mở…                        d) bận

e) khó khăn …              g) hạ xuống

2. Câu “Một vành mũ được xỏ khuyên và móc với chiếc toòng teng nơi vành tai bằng một sợi dây chuyền. ” thuộc kiểu câu gì ?

a. Ai là gì ?

b. Ai làm gì ?

c. Ai thế nào ?

3. Câu “Cô cháu ngoại thiên thần của tôi bước lùi khỏi khung cửa và đẩy cánh cửa mở toang ra.” thuộc kiểu câu “Ai làm gì? Bộ phận nào của câu văn đó trả lời cho câu hỏi “Ai ?” ?

a. Cô cháu ngoại

b. Cô cháu ngoại thiên thần

c. Cô cháu ngoại thiên thần của tôi

4. Điền dấu phẩy vào những chỗ cần thiết trong đoạn văn sau :

       Trên đường đi học về em gặp một bà cụ đang loay hoay mãi vẫn chưa sang được bên kia đường. Em chạy ngay lại nói với bà cụ : “Bà ơi cháu giúp bà qua đường nhé”. Bà cụ quay lại nhìn em mỉm cười và gật đầu. Em cầm tay bà và đưa bà sang bên kia đường. Khi sang đến nơi bà nói cảm ơn và khen em ngoan. Cả chiều hôm đó em rất vui vì đã làm được một việc tốt.

III. LUYỆN NÓI – VIẾT

     Cai-li trong câu chuyện trên đã làm được một việc tốt, sẵn sàng giúp đỡ người khác mà không định kiến. Em cũng đã chứng kiến một việc làm tốt như vậy, hãy kể lại.


I. ĐỌC HIỂU

Câu 1 – b Câu 2 – c Câu 3 – a Câu 4 – a

5.

        Hành động của Cai-li thật đáng khen. Mới 6 tuổi, Cai-li đã luôn biết sẵn lòng giúp đỡ người khác. Khi cậu thiếu niên tiến tới cửa hàng, người bà của Cai-li nhìn thấy mái đầu bị cạo một phần, thấy chùm tóc nhọn hoắt, một vành mũi được xỏ khuyên móc với chiếc toòng teng ở tai bằng sợi dây chuyền của cậu bé. Nhưng Cai-li thi khác, dưới con mắt trẻ thơ, em chỉ nhìn thấy một người tay xách nách mang đang cần được giúp đỡ. Chỉ với một hành động mở cửa giúp cậu bé, Cai-li đã làm cho chính người bà của mình phải ngạc nhiên vì đứa cháu nhỏ bé của bà lại có được cái nhìn bao dung như vậy. Nhờ việc làm này của Cai-li, người bà hiểu ra rằng : cần phải nhìn người khác bằng tấm lòng trong sáng, đầy tình thương của trẻ thơ. Không nên định kiến, không giúp đỡ những người mà mình cho là đáng ngại. Vì thế mà người bà đã cho rằng Cai-li tuy bé nhưng có tầm nhìn cao hơn bà.

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1.

a) sạch >< bẩn ;

b) chết >< sống ;

c) mở >< đóng ;

d) bận >< rỗi ;

e) khó khăn >< thuận lợi ;

g) hạ xuống >< nâng lên

2. c ;

3. c.

4.. Đoạn văn sau khi đã điền dấu phấy :

        Trên đường đi học về, em gặp một bà cụ đang loay hoay mãi vẫn chưa sang được bên kia đường. Em chạy ngay lại nói với bà cụ : “Bà ơi, cháu giúp bà qua đường nhé !”. Bà cụ quay lại nhìn em, mỉm cười và gật đầu. Em cầm tay bà và đưa bà sang bên kia đường. Khi sang đến nơi, bà nói cảm ơn và khen em ngoan. Cả chiều hôm đó em rất vui vì đã làm được một việc tốt.

III. LUYỆN NÓI – VIẾT

Bài tham khảo số 1:

       Hôm đó, trời nhá nhem tối, vì về học muộn mà trời lại mưa nên em đạp xe rất nhanh. Đến đoạn dốc, em phanh gấp, đường trơn nên em bị ngã, cả chiếc xe đè lên hai chân. Em vừa đau, vừa lạnh, chỉ biết khóc. Bỗng có cánh tay nâng chiếc xe lên và một người cúi đầu xuống hỏi : “Bạn có sao không ?” Nâng em dậy, người đó nói tiếp : “Ôi chân bạn chảy máu rồi, để tớ đưa bạn về.”. Lúc bạn ấy đỡ em ngồi lên xe để đèo về, em mới nhận ra đó chính là cậu bé bán báo hay đi ngang qua nhà mình. Có lần, em và các bạn hàng xóm chơi trước ngõ, cậu ta đến xin chơi cùng nhưng bọn em đã không cho và đuổi cậu ta đi. Bạn ấy nhận ra em, không hề giận mà lại còn giúp, thật đáng phục. Bạn ấy gò lưng đạp, em ngồi sau xe và thấy rất hối hận.

Bài tham khảo số 2:

        Tớ còn nhớ đó là một ngày trời mưa như trút nước. Tan học, các bạn đã được bố mẹ đón về hết, chỉ còn mình tớ. Tớ thầm nghĩ : “Chắc mẹ bận nên không đón mình được, lát nữa đợi mưa tạnh mình sẽ tự về.” Nhưng đợi mãi mưa vẫn chưa tạnh mà trời thì sắp tối, sân trường vắng tanh. Vừa tủi thân vừa sợ, tớ khóc. Bỗng có tiếng gọi : “Nam ơi, lại đây đi chung áo mưa với tớ, tớ đưa bạn về”. Lau nước mắt, nhìn kĩ thì ra đó là Hải thọt, học lớp bên cạnh mà bọn tớ vẫn hay trêu chọc. Có hôm, bọn tớ vây quanh cậu ta giữa sân trường reo lên “Ê thọt, ê thọt, ê… ê… ê” rồi phá ra cười. Lúc đó, Hải đã ngồi sụp xuống và khóc. Sao hôm nay cậu ta cũng về muộn vậy nhỉ ? Hải bảo tớ : “Nhanh lên còn về, không tối rồi !”. Trên đường về, chúng tớ nói chuyện rất rôm rả. Tớ biết chân bạn bị như vậy vì một trận sốt nặng năm lên 3 tuổi. Lúc này tớ mới thấy Hải thật là tốt. Tớ thấy rất thương bạn và hối hận vì đã trêu chọc bạn.