Có mấy cách dẫn lời nói hay dẫn ý nghĩ của người hoặc nhân vật?; Trong các từ “xuân” sau đây (trích “Truyện Kiều” – Nguyễn Du), từ nào mang nghĩa chuyển? … trong Đề thi văn kì 1 lớp 9. Xem Đề và đáp án đầy đủ phía dưới đây

I. Trắc nghiệm: (2,0đ)

Trả lời các câu hỏi bằng cách ghi chữ cái đầu câu em cho là đúng nhất ra tờ giấy làm bài.

1.  Nhận biết

Có mấy cách dẫn lời nói hay dẫn ý nghĩ của người hoặc nhân vật?

A. Một.                     B. Hai.

C. Ba.                       D. Bốn.

2. Nhận biết

Trong các từ “xuân” sau đây (trích “Truyện Kiều” – Nguyễn Du), từ nào mang nghĩa chuyển?

A. Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân.

B. Làn thu thủy nét xuân sơn.

C. Ngày xuân con én đưa thoi.

D. Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

3.: Nhận biết

Từ ngữ tiếng Việt mượn của ngôn ngữ nào nhiều nhất?

A. Tiếng Pháp.                     B. Tiếng Anh.

C. Tiếng Hán.                       D. Tiếng Nga.

4. Nhận biết

Chọn từ ngữ thích hợp điền vào chỗ trống (…) trong câu sau: Nói chen vào chuyện của người trên khi không được hỏi đến là….:

A. nói móc.                B. nói leo.

C. nói mát.                 D. nói hớt.

5.: Thông hiểu

Trong các từ Hán – Việt sau, yếu tố “phong” nào có  nghĩa là “gió”?

 A. Phong lưu.

C. Cuồng phong.

 B. Phong kiến.

D. Tiên phong.

6. Thông hiểu

Trong những cách nói sau, cách nói nào không sử dụng phép nói quá?

 A. Chưa ăn đã hết.

B. Đứt từng khúc ruột.

C. Một tấc đến trời.

D. Sợ vã mồ hôi.

7.: Nhận biết

Câu: “Xin ông đừng giận cháu!” xét theo mục đích nói thuộc kiểu câu gì?

A. Câu nghi vấn.

B. Câu cầu khiến.

C. Câu cảm thán.

D. Câu trần thuật.

8. Nhận biết

Các thành ngữ: ăn ốc nói mò, ăn không nói có, ăn gian nói dối, liên quan đến phương châm hội thoại nào ?

A. Phương châm về chất.

B. Phương châm cách thức.

C. Phương châm lịch sự.

D. Phương châm quan hệ.

II. Đọc – hiểu văn bản (2,5đ)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:

“Trong cuộc đời đầy truân chuyên của mình, chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với văn hóa nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới, cả phương Đông và phương Tây. Trên những con tàu vượt trùng dương, Người đã ghé lại nhiều hải cảng, đã thăm các nước châu Phi, châu Á, châu Mĩ. Người đã từng sống dài ngày ở Pháp, ở Anh. Người nói và viết thạo nhiều thứ tiếng ngoại quốc: Pháp, Anh, Hoa, Nga… và Người đã làm nhiều nghề. Có thể nói ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về các dân tộc và nhân dân thế giới, văn hóa thế giới sâu sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đâu Người cũng học hỏi, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm. Người cũng chịu ảnh hưởng của tất cả các nền văn hóa, đã tiếp thu mọi cái đẹp và cái hay đồng thời với việc phê phán những tiêu cực của chủ nghĩa tư bản. Nhưng điều kì lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại.”

1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên là gì?

2. Qua đoạn trích tác giả đã cho thấy vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa bởi các yếu tố nào?

3. Xác định hai danh từ được dùng như tính từ trong câu văn sau và cho biết hiệu quả nghệ thuật của việc dùng từ ấy?

Nhưng điều kì lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại.”

4. Từ đoạn trích, em rút ra được bài học gì cho bản thân về cách học tập, tiếp thu văn hóa nhân loại?

III. Tập làm văn (5,5đ)

1. (2,0đ)

Viết một đoạn văn trình bày cảm nhận của em về bức tranh mùa xuân trong đoạn thơ sau:

Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

2. (3,5đ) Hãy kể một kỉ niệm sâu sắc nhất của em với thầy(cô) giáo cũ mà em nhớ mãi.


I. Trắc nghiệm:

1 2 3 4 5 6 7 8
B A C B C D B A

II. Đọc – hiểu văn bản

1.. Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn: nghị luận

2.. Vẻ đẹp phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa giữa những ảnh hưởng văn hóa quốc tế với cái gốc văn hóa dân tộc; giữa sự bình dị rất Việt Nam, rất phương Đông với cái hiện đại và mới mẻ.

3. –  Hai danh từ được sử dụng như tính từ: Việt Nam, phương Đông.

– Cách dùng từ ấy có hiệu quả nghệ thuật cao: Tác giả muốn khẳng định và nhấn mạnh bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, bản sắc phương Đông trong con người Bác.

4. HS có thể trình bày ý kiến theo nhiều cách, nhưng cần thể hiện được các ý:

+ Phải chăm chỉ rèn luyện, học tập, nắm vững kiến thức, học đi đôi với thực hành, vận dụng lí thuyết vào giải quyết vấn đề cuộc sống. Học hỏi, tìm hiểu, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại đồng thời phê phán những ảnh hưởng tiêu cực từ văn hóa ngoại lai.

+ Không ngừng học tập và làm theo tấm gương phong cách, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh: sống giản dị, giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tránh xa lối sống sính ngoại, chây lười ỉ lại, buông thả, chạy theo mốt mà quên đi những giá trị văn hóa tốt đẹp mang bản sắc dân tộc.

III. Tập làm văn

1. Cảm nhận về bức tranh mùa xuân trong đoạn thơ.

Yêu cầu:

– Đảm bảo thể thức một đoạn văn.

– Cảm nhận sâu sắc, diễn đạt trôi chảy, không sai chính tả.

– Nội dung cảm nhận cần nêu bật được các ý cơ bản sau:

+ Bằng bút pháp miêu tả ước lệ tượng trưng, Nguyễn

Du đã khắc họa nên một bức tranh khung cảnh thiên nhiên mùa xuân với vẻ đẹp riêng thật tươi đẹp.

+ Hai dòng thơ câu gợi tả mùa xuân theo cách riêng của tác giả vừa nói về sự trôi chảy của thời gian vừa gợi không gian. Ngày xuân thấm thoắt trôi mau, tiết trời đã bước sang tháng ba – tháng cuối của mùa xuân. Giữa bầu trời xuân mênh mông bao la, những cánh én bay đi bay lại như thoi đưa. Các hình ảnh ẩn dụ, nhân hóa (con én đưa thoi), hoán dụ (thiều quang ), phụ từ đã không chỉ gợi lên sự trôi chảy quá nhanh của thời gian mà còn gợi lên cả sự sống động, trong sáng, ấm áp, tinh khôi…của đất trời xuân đồng thời gợi cảm giác bâng khuâng, nuối tiếc của lòng người…

+ Hai dòng thơ tiếp là bức họa tuyệt đẹp về mùa xuân. Thảm cỏ non xanh mơn mởn trải rộng tới chân trời tạo gam màu nền cho bức tranh xuân (Cỏ non xanh tận chân trời). Trên nền màu xanh non ấy điểm xuyết một vài bông hoa lê trắng (Cành lê trắng điểm một vài bông hoa). Màu sắc có sự hài hòa tới mức tuyệt diệu, sự phối sắc tài tình. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân: mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống (cỏ non), khoáng đạt, trong trẻo (xanh tận chân trời), nhẹ nhàng thanh khiết (trắng điểm một vài bông hoa). Nguyễn Du đã vận dụng sáng tạo ý thơ cổ Trung Hoa: Phương thảo liên thiên bích/Lê chi sổ điểm hoa vào trong thơ mình. Chữ điểm làm cho cảnh vật thêm sinh động có hồn chứ không hề tĩnh tại.

+ Chỉ với vài nét vẽ nghệ thuật cùng ngôn ngữ giàu sức gợi hình, gợi cảm, Nguyễn Du đã để lại cho đời một bức tranh khung cảnh thiên nhiên mùa xuân tuyệt đẹp. Ông xứng đáng được tôn vinh là cây bút miêu tả bậc thầy…

2. Yêu cầu về kĩ năng

– Bài viết đúng thể loại văn tự sự. Người viết chủ yếu dùng phương thức biểu đạt tự sự, có kết hợp sử dụng các yếu tố miêu tả, biểu cảm và nghị luận để diễn tả làm tăng sức truyền cảm, hấp dẫn của truyện.

– Bố cục rõ ràng, đủ ba phần: Mở bài (đưa dẫn kỷ niệm của mình với thầy hoặc cô giáo được chọn kể), thân bài (kể về diễn biến câu chuyện), kết bài (khép lại câu chuyện, bộc lộ ấn tượng sâu đậm nhất)

– Biết sử dụng thích hợp các hình thức đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm .

Về nội dung:

– Kỉ niệm được chọn kể phải sâu sắc và mang ý nghĩa tích cực, có tác động giáo dục đối với mọi người, nhất là đối với lứa tuổi học trò.

– Truyện tạo được tình huống và cốt truyện hấp dẫn, được đưa dẫn, được trình bày diễn biến và được kết thúc một cách tự nhiên. Nhân vật thể hiện những hành vi, cử chỉ, điệu bộ, tâm lí phù hợp với tình huống truyện, thực sự trở thành linh hồn của truyện, tỏa sáng chủ đề tư tưởng của truyện.

1. Mở bài: Giới thiệu chung

2. Thân bài

– Kỉ niệm ấy xảy ra ở đâu? Với ai?

– Diễn biến

– Kết quả

– Bài học em rút ra sau kỉ niệm đó

3. Kết bài: Cảm nghĩ của em