Anh chị hiểu thế nào về ý thơ: Những tấm bằng như những bảng chỉ đường qua những đường phố hẹp / Để đến đại lộ cuộc đời ngày càng mở rộng thêm?; Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích? … trong Đề thi học kì 1 Văn lớp 11. Xem Đề và đáp án đầy đủ phía dưới đây

I. Đọc hiểu (3.0đ)

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi phía dưới:

Cuộc đời ai cũng có những tấm lòng

Để làm giấy chứng minh

Để cầu mong thành đạt

Những tấm bằng như những bảng chỉ đường qua những đường phố hẹp

Để đến đại lộ cuộc đời ngày càng mở rộng thêm.

[…]

Những tấm bằng có đóng dấu kí tên

Chỉ là giấy thông hành đi vào cuộc sống

Nhưng quý giá hơn là cuộc đời ghi nhận

Mới là TẤM BẰNG – bằng – của – chính – ta.

(Trích Tấm bằng – Hoàng Ngọc Quý,

Tuyển tập đề và bài văn Nghị luận xã hội, Tập hai, NXB GD, tr.32)

1.Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích. (0,5đ)

2.Nêu tên một biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ đầu của đoạn trích. (0,5đ)

3. Anh chị hiểu thế nào về ý thơ: Những tấm bằng như những bảng chỉ đường qua những đường phố hẹp / Để đến đại lộ cuộc đời ngày càng mở rộng thêm? (1.0đ)

4. Theo anh/chị, tác giả muốn nhắn gửi thông điệp gì ở khổ thơ thứ hai của đoạn trích? (1.0đ) (

II. Làm văn (7.0đ)

1. (2.0đ)  Hãy viết một đoạn văn (khoảng 100 chữ) để trả lời cho câu hỏi: Là một học sinh, bạn cần chuẩn bị hành trang gì để có được tấm bằng cuộc đời ghi nhận?

2. (5.0đ) Cảm nhận tâm trạng của nhân vật Liên vào buổi chiều tàn nơi phố huyện trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.


I. Đọc hiểu

1. *Phương pháp: Căn cứ vào đặc điểm của các phong cách ngôn ngữ đã học: sinh hoạt, nghệ thuật, báo chí, chính luận, hành chính – công vụ.

*Cách giải:

Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

2. *Phương pháp: Căn cứ vào các biện pháp tu từ đã học.

*Cách giải:

Nêu đúng tên một biện pháp tu từ trong khổ đầu đoạn trích (có thể nêu: điệp ngữ / so sánh / ẩn dụ).

3. *Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.

*Cách giải:

Ý thơ có thể hiểu: những tấm bằng tạo điều kiện thuận lợi để con người bước vào đời, tạo dựng sự nghiệp và thành công cho bản thân.

4. *Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.

*Cách giải:

Thông điệp của khổ thơ thứ hai:

Năng lực thực sự của bản thân trong quá trình lao động, cống hiến là thước đo giá trị con người. Không nên chỉ đánh giá năng lực thông qua bằng cấp.

II. Làm văn 

1. HS viết được đoạn văn bàn về cách để được cuộc đời ghi nhận

*Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn luận, so sánh, tổng hợp,…)

*Cách giải:

a. Yêu cầu về kĩ năng: đảm bảo cấu trúc đoạn văn, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả; đảm bảo tương đối dung lượng như yêu cầu của đề.

b. Yêu cầu về kiến thức:

Đoạn văn cần đảm bảo những ý chính sau:

– Cần tích lũy, trau dồi tri thức và kĩ năng cần thiết cho cuộc sống. Khẳng định được giá trị của bản thân trong môi trường học tập, làm việc, sinh sống của mình.

– Hoàn thành tốt mọi trách nhiệm, bổn phận của mình đối với gia đình, đất nước, xã hội…

– Làm phong phú đời sống tinh thần. Rèn luyện lối sống và cách ứng xử phù hợp. Cần khẳng định cá tính cá nhân nhưng phải đặt trong giới hạn của các chuẩn mực đạo đức xã hội.

2. Cảm nhận tâm trạng nhân vật Liên lúc chiều tàn.

*Phương pháp:

– Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

– Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

*Cách giải:

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận.

b. Xác định đúng luận đề: tâm trạng nhân vật Liên lúc chiều tàn.

c. Triển khai luận đề: Triển khai thành các luận điểm, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận.

2. Phân tích tâm trạng của nhân vật Liên

– Tâm trạng của Liên trước thiên nhiên buổi chiều quê: Lòng buồn thấm thía và man mác trước giờ khắc ngày tàn; Gắn bó tha thiết với quê hương khi cảm nhận được mùi riêng của đất quê.

– Tâm trạng của Liên trước cuộc sống con người nơi phố huyện: Động lòng thương cảm và ái ngại cho những kiếp sống tàn của những con người đang mưu sinh trong buổi chiều tàn phố huyện. Những đứa trẻ nghèo xóm chợ, mẹ con chị Tí, bà cụ Thi hơi điên…

3. Đánh giá, mở rộng

– Đoạn truyện miêu tả cảnh chiều tàn giàu chất trữ tình và thể hiện sự tinh tế của Thạch Lam khi miêu tả tâm lí nhân vật.

– Diễn biến tâm trạng của Liên cho thấy vẻ đẹp tâm hồn vừa nhạy cảm vừa nhân hậu của chị, đồng thời thể hiện được tấm lòng của nhà văn với cảnh vật và con người quê hương.

– Khái quát vai trò của các yếu tố hình thức nghệ thuật đối với sự thành công của đoạn truyện này: nhịp điệu, lựa chọn điểm nhìn trần thuật, cách tổ chức câu văn…

d. Sáng tạo

– Có cách diễn đạt sáng tạo.

– Có suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ.