Xin chào các em! Và trong bài viết này, Đáp Án Đề Thi xin được giới thiệu tới các em một bộ đề thi học kỳ 1 lớp 8 môn Văn của trường THCS Đồng Nai. Đây là một trong những bộ đề thi học kỳ 1 dành cho lớp 8 môn Ngữ Văn của Sở GD&ĐT Lâm Đồng. Đề thi gồm 2 phần thi, phần 1 là phần thi trắc nghiệm. Phần 2 là phần thi tự luận làm văn với đề bài cho trước.

Với bộ đề thi học kỳ 1 lớp 8 môn Văn này của Trường THCS Đồng Nai sẽ giúp các em có thể tự ôn tập cũng như thử sức trước bộ đề thi này. Ngoài ra ở phần 2 tự luận, Đáp Án Đề Thi đã sưu tầm được một bài làm văn khá hay. Giúp các em có thể tham khảo một cách chi tiết nhất. Các em cùng xem tham khảo bộ đề thi học kỳ 1 môn Văn lớp 8 của trường THCS Đồng Nai dưới đây nhé.

Đề kiểm tra học  1 môn Văn dành cho học sinh lớp 8

TRƯỜNG THCS ĐỒNG NAI
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÂM ĐỒNG

 

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I
MÔN NGỮ VĂN LỚP 8

Thời gian làm bài: 90 phút

I. Trắc nghiệm khách quan (3 điểm, 12 câu, mỗi câu trả lời đúng 0,25 điểm).

Đọc kỹ đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bằng cách khoanh tròn vào một chữ cái trước câu trả lời đúng.

“Khi trời vừa hửng sáng thì Giôn – xi, con người tàn nhẫn, lại ra lệnh kéo mành lên. 

Chiếc lá thường xuân vẫn còn đó. 

Giôn – xi nằm nhìn chiếc lá hồi lâu. Rồi cô gọi Xiu đang quấy món cháo gà trên lò hơi đốt.

“Em thật là con bé hư, chị Xiu thân yêu ơi !”, Giôn – xi nói: “Có một cái gì đấy đã làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó để cho em thấy rằng mình đã tệ như thế nào. Muốn chết là một tội. Giờ chị có thể cho em xin tí cháo và chút sữa pha ít rượu vang đỏ và – khoan – đưa cho em chiếc gương tay trước đã, rồi xếp mấy chiếc gối lại quanh em, để em ngồi dậy xem chị nấu nướng…”

(SGK Ngữ văn 8, tập 1, trang 88)

1. Đoạn trích trên thuộc văn bản nào?

  • A. Cô bé bán diêm
  • B. Hai cây phong
  • C. Đánh nhau với cối xay gió
  • D. Chiếc lá cuối cùng

2. Tác giả của văn bản ấy là ai?

  • A. Ai – ma – tốp
  • B. O. Hen – ri
  • C. Xéc – van – tét
  • D. An – đéc – xen

3. Văn bản chứa đoạn trích thuộc thể loại nào?

  • A. Truyện ngắn
  • B. Hồi ký
  • C. Tiểu thuyết
  • D. Phóng sự

4. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là gì?

  • A. Biểu cảm
  • B. Nghị luận
  • C. Tự sự
  • D. Miêu tả

5. Nội dung chính của đoạn trích là gì?

  • A. Tình yêu mãnh liệt của Xiu với Giôn – xi
  • B. Tình yêu mãnh liệt của Giôn – xi với cuộc sống
  • C. Tâm trạng chán chường của Giôn xi
  • D. Sự thức tỉnh và niềm tin vào cuộc sống của Giôn – xi

6. Câu văn: “Chiếc lá thường xuân vẫn còn đó.” thuộc loại câu gì ?

  • A. Câu đơn
  • B. Câu đặc biệt
  • C. Câu ghép chính phụ
  • D. Câu ghép đẳng lập

7. Từ “ơi” trong câu: “Em thật là con bé hư, chị Xiu thân yêu ơi!” thuộc loại từ nào?

  • A. Tình thái từ
  • B. Trợ từ
  • C. Thán từ
  • D. Phó từ

8. Dấu ngoặc kép trong câu: “Em thật là con bé hư, chị Xiu thân yêu ơi !” dùng để làm gì ?

  • A. Đánh dấu từ ngữ, đoạn dẫn trực tiếp
  • B. Đánh dấu từ ngữ có hàm ý mỉa mai
  • C. Đánh dấu từ ngữ được hiểu theo hàm ý đặc biệt
  • D. Đánh dấu lời thoại của nhân vật

9. Các từ: “tàn nhẫn, độc ác, lạnh lùng” thuộc trường từ vựng nào dưới đây?

  • A. Chỉ bản chất con người
  • B. Chỉ tâm hồn con người
  • C. Chỉ tâm trạng con người
  • D. Chỉ đạo đức của con người

10. Nghĩa của từ “tàn nhẫn” là gì?

  • A. Hay nói xấu, làm hại đến người khác
  • B. Lạnh lùng, cay nghiệt đối với người khác
  • C. Độc ác quá mức gây đau khổ tai hại với người khác
  • D. Ích kỷ, không biết yêu thương người khác

11. Ý nào dưới đây nêu chính xác nhất khái niệm về từ tượng hình?

  • A. Là những từ gợi hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật
  • B. Là những từ gợi tả bản chất của sự vật
  • C. Là những từ mô tả âm thanh của con người, sự vật
  • D. Là những từ miêu tả tính cách của con người

12. Câu văn: “Cái cô đơn nhất trong khắp thế gian là một tâm hồn đang chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi xa xôi bí ẩn của mình.” sử dụng biện pháp tu từ gì?

  • A. Nói quá
  • B. Nói giảm, nói tránh
  • C. Chơi chữ
  • D. Ẩn dụ

II. Tự luận (7 điểm, 1 câu)

Hãy viết một bài văn giới thiệu về ngôi trường thân yêu của em.

Bài làm văn tham khảo

Trong cuộc đời của mỗi học sinh ai cũng có một niềm tự hào của riêng mình. Những ngôi trường đã nằm trong kí ức mỗi học sinh luôn là cái tên không thể nào quên được trong cuộc đời. Bởi vì nó đã đưa chúng ta đến với một cuộc sống đầy đủ. Ngôi trường em đang theo học cũng vậy, cũng thổi vào tâm hồn chúng em nhiệt huyết của cuộc sống và ngôi trường ấy mang tên “Trường THCS Yên Bình”.

Trường được xây dựng trên một khu đất cao rộng và thoáng đãng thuộc địa phận xã Yên Bình – huyện Thạch Thất – Thành phố Hà Nội. Chỉ nói đến cái tên thôi đã hàm chứa cả một sự yên bình trong ấy. Trường được nâng cấp, xây dựng  trên nền trường liên cấp một- cấp hai, nhưng ngày nay trường cấp một và cấp hai đã được tách riêng. Ngôi trường em đang theo học được xây dựng từ năm 1965. Ngôi trường đã trải qua hơn 50 năm lịch sử, trải qua bao thăng trầm, bào mòn của thời gian. Đây là nơi lưu giữ bao kỉ niệm tuổi học trò của biết bao thế hệ học sinh đã đi qua.Trước đây, trường được xây dựng với những phòng học đơn sơ, mộc mạc, còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất nhưng giờ đây cùng với sự phát triển của xã hội và quan tâm của địa phương, ngôi trường được xây dựng khang trang hơn, các phòng học, bàn ghế, trang thiết bị, dụng cụ học tập…của các em học sinh cũng được đầu tư đầy đủ để phục vụ cho việc dạy và học của thầy trò chúng em.

Ngôi trường em đang theo học nằm ngay sát mặt đường tỉnh lộ, được xây dựng theo hướng Đông – Nam nhìn ra phía trước là cánh đồng lúa xanh mướt, rộng rãi làm cho không khí trở nên thoáng đãng, trong lành, mát mẻ. Cổng trường được xây dựng cao rộng, đẹp đẽ với những cánh cổng sắt vững trãi, bức tường vàng tười nổi bật lên tấm biển màu xanh mang tên “Trường THCS Yên Bình”. Cái tên trường thể hiện tình cảm dạt dào của các thầy cô dành cho các em học sinh nơi đây. Phía trên cánh cổng là những cánh cờ tung bay trong gió đón chào các bạn học sinh mỗi buổi sáng đến trường. Trường được bao bọc, che chở bởi những bức tường gạch cao, vững chắc. Khi bước chân vào cổng trường, ai ai cũng ngỡ ngàng trước khung cảnh sư phạm khang trang, sạch sẽ của trường. Trường được bố trí và sắp xếp phòng học theo kiểu chữ U với ba dãy nhà cao tầng. Đi vào cổng trường, phía trên nhất là sân khấu được lát gạch men tráng đỏ cao hẳn so với sân trường với ba bậc tam cấp, rộng thoáng để phục vụ cho các em học sinh trong những buổi sinh hoạt tập thể. Các dãy nhà được khoác trên mình bởi những bộ áo màu vàng, nổi bật lên hàng cửa sổ màu xanh như vật trang trí cho ngôi nhà. Trước những lớp học là những bồn hoa, cây cảnh xanh tốt quanh năm được chính bàn tay nhỏ bé của các em học sinh chăm sóc, tưới tắm.

Mỗi sớm mai, ai nấy bước vào trường cũng cảm thấy một cảm giác phấn khởi với muôn vàn loài hoa khoe sắc. Góc sân trường là khu vườn sinh vật với các loài cây, là một trong những đồ dùng trực quan phục vụ cho các tiết học thực hành của chúng em. Dưới sân trường được bê tông hóa sạch sẽ, rợp bóng mát bởi những hàng cây xà cừ cổ thụ. Thân cây to vững trãi, khoảng hai đến ba người ôm mới xuể. Những tán lá to, tỏa bóng che nắng cho chúng em vui chơi. Đặc biệt đến mùa hè, những cây phượng trên sân trường rực rỡ, tiếng ve râm ran càng làm cho khung cảnh sân trường rộn rã hơn. Ai đã từng đến ngôi trường “Trung học cơ sở Yên Bình” của chúng em cũng đều khát khao mong muốn học ở ngôi trường này dù chỉ một lần.

Không chỉ vậy, ngôi trường em đang theo học còn có một đội ngũ các thầy giáo, cô giáo nhiệt tình, tâm huyết, giàu kinh nghiệm luôn yêu thương, quan tâm học sinh. Toàn trường có gần một nghìn học sinh. Nhà trường luôn thay đổi các phương thức dạy, học của thầy cô và học sinh nơi đây. Bài học của các em rất sinh động, không chỉ có lý thuyết mà còn gắn liền với thực hành và thực tiễn đời sống hằng ngày để các em dễ hình dung và tiếp thu bài học dễ dàng hơn.  Tuy đời sống còn khó khăn nhưng các bậc phụ huynh vẫn quan tâm tới sự học hành của con em.

Nơi đây đã đào tạo biết bao nhiêu thế hệ học sinh đỗ đạt, có nhiều cựu học sinh ngày nay thành đạt, giữ những chức vụ, địa vị cao trong xã hội. Những thế hệ học sinh ấy là một niềm tự hào to lớn của nhà trường.

Dù sau này có tốt nghiệp lên cấp 3, có xa ngôi trường em đang theo học em vẫn mãi nhớ về ngôi trường thân thương – Nơi lưu giữ biết bao kí ức học trò suốt 5 năm theo học tại đây. Những kiến thức các thầy cô dạy không chỉ là kinh nghiệm, là công cụ để sau này chúng em có một nghề nghiệp tốt mà nó còn là hành trang để chúng em mang theo suốt cuộc đời.

_____ HẾT ______

Nguồn bài làm văn: dethikiemtra