Ban chấm thi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phụ trách việc chấm bài thi trắc nghiệm, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 của thí sinh tại cụm thi số 27 tỉnh Thanh Hóa. Trong quá trình chấm thi, có 1.500 bài thi của thí sinh tại Thanh Hóa được phát hiện mắc lỗi.

Chiều ngày 6/7, trao đổi với Dân trí, thầy Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, quy trình chấm thi phải scan bài thi và được nhận diện bằng mã hóa. Khi nhận diện mã hóa, phần liên quan đến số báo danh và mã đề, phần mềm sẽ đưa ra xem đúng số báo danh và đúng mã đề chưa.

“Cơ bản là thí sinh của Thanh Hóa tô đúng số báo danh và mã đề. Chỉ có 0,63% tô sai (khoảng 640 trường hợp), ban chấm thi đã sửa cho các thí sinh. Để sau này có điểm, trả đúng cho thí sinh đó, hoặc bài đó đúng là bài của thí sinh làm”, thầy Tớp thông tin.

Thầy Tớp khẳng định, hai lỗi này nếu thí sinh tô sai bắt buộc phải sửa, nếu không sửa thì phần mềm không chấm được.

Cụ thể, nếu có một bài chấm được thì số báo danh đó không có thực, có điểm nhưng không biết trả bài cho ai. Như vậy, buộc mỗi bài thi phải có số báo danh, chủ nhân. Thứ hai, mỗi bài thi có mã đề, mỗi mã đề có một đáp án, phải khẳng định xem thí sinh làm mã đề nào.

“Tiếp theo, phần mềm sẽ xem phần trả lời của thí sinh, nếu bắt được đúng thí sinh tô đủ đậm, mỗi câu hỏi chỉ có một đáp án, thì nhận diện câu hỏi đó không có vấn đề gì. Nhưng nếu thí sinh tô đúp, phần mềm sẽ báo lỗi. Hiển nhiên, tô đúp mà câu hỏi trả lời trắc nghiệm không thể có 2 câu trả lời”, thầy Tớp cho biết.

Bên cạnh đó, có trường hợp thí sinh đã tô, xong lại chọn đáp án khác. Vì vậy, đáp án cũ mà thí sinh tẩy đi, nhưng không tẩy hết, vẫn còn mờ mờ, phần mềm khuyến cáo nên mở bài thi đó ra xem.

“Nếu mở ra quả thực các em đã tô, mà các em tẩy đi còn mờ mờ thì mình hiểu rằng các em chỉ còn một đáp án. Còn nếu như thí sinh hai cái đều tô, mà không có dấu hiệu tẩy thì đương nhiên là phải để nguyên. Như vậy, cái này chỉ khuyến cáo mình nên xem xét cho các em thôi”, thầy Tớp nói.

Trường hợp thứ hai, khi thí sinh tô, nhưng mờ thì phần mềm khuyến cáo nên mở ra để xem. “Nếu mở ra xem quả thực thí sinh không tô thì đóng lại. Nhưng nếu các em tô, mà tô mờ thì khẳng định cho các em có câu trả lời là một phương án các em chọn là tô mờ thôi, thì mình cũng khẳng định cho các em tô”.

Qua thống kê cho thấy, số lỗi này chỉ có khoảng 1.500 bài thi của thí sinh tại Thanh Hóa mắc phải.

“Để tìm ra 1.500 bài này hoặc là tô mờ, hoặc là tô rồi nhưng mà đã tẩy đi thì phải mở gần 12.000 bài trong số hơn 102.000 bài ra để xem, phần mềm cảnh báo phải làm. Chỉ có hai cái, một cái sai thì phải sửa; còn một cái máy nghi ngờ và khuyến cáo nên xem. Chúng tôi làm hết trách nhiệm, vì quyền lợi của thí sinh”, thầy Tớp khẳng định lại.

Đến thời điểm này, công tác chấm bài thi trắc nghiệm của các thí sinh tại cụm thi tỉnh Thanh Hóa đã được Ban chấm thi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hoàn tất, kết quả chấm thi không ai được biết và đã mã hóa để chuyển về Sở GD&ĐT Thanh Hóa và Bộ GD&ĐT.